4 người họ đều sẽ “đồng ý”, “nhất trí” quyết tâm bảo vệ đảng, chế độ đến cùng

- Quảng Cáo -

Song Chi

Trong 4 nhân vật đang nắm giữ những vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản VN hiện nay mà người dân vẫn thường nói một cách nôm na là “Tứ trụ”, thì ba ông đều học hành từ các nước XHXN cũ: ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học ở Liên Xô, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính từng học ở Romania, ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ học ở Slovakia, chỉ có ông Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là học trong nước.

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân là dân học Văn, có bằng Cử nhân Ngữ văn, nhưng sau đó đi theo chuyên ngành Sử và Lý luận Mác Lê, bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô, được phong Giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng, mở miệng ra nếu không làm…thơ thì nói chuyện lý luận Mác Lênin. Vì vậy làm Tổng Bí thư đảng CS là phải, vì ngoài việc quan tâm bảo vệ đảng thì ông không biết bất cứ lĩnh vực nào khác.

Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính từng có bằng Kỹ sư xây dựng ở Romania nhưng sau đó lại quẹo sang Luật, lấy bằng Tiến sĩ Luật, tuy nhiên chủ yếu là làm việc ở ngành công an, tình báo, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, có cấp hàm Trung tướng Công an nhân dân Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Ông Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ học tiếng Tiệp tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) sau đó lấy bằng Phó Tiến sĩ Kinh tế tại Slovakia, có một thời gian dài làm ở Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội trước khi chuyển sang công tác chính quyền.

Ông Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là thạc sĩ Triết học Mác Lenin, cũng chuyên về các lĩnh vực lý luận, tuyên truyền, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo TW từ 2016-2021, và có sự nghiệp chính trị lâu dài với 20 năm trong lĩnh vực thanh niên Việt Nam, công tác đoàn, ví dụ như Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam v.v…

Cả 4 ông do đó đều rất “hồng”, nếu không là dân lý luận, tuyên giáo thì cũng là dân tình báo, công an. Nếu không học ở các nước XHCN cũ thì học trong nước, chứ không học của bọn tư bổn phương Tây. Không có một ông nào là dân khoa học, công nghệ. Trong 4 ông chỉ có mỗi ông Vương Đình Huệ là học về Kinh tế-Tài Chính, nhưng nếu nhìn lại, thì ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ngành Kinh tế học về chủ đề “Kế toán trong nông nghiệp”: Luận án nghiên cứu về sự phát triển của kế toán trong các xí nghiệp nông nghiệp ở Tiệp Khắc và quá trình áp dụng kinh nghiệm của Tiệp Khắc vào Việt Nam”, thì cũng quá lỗi thời. (các thông tin lấy từ tiểu sử của các ông trên Wikipedia)

Còn nếu nhìn vào bằng cấp, học hàm, cũng giống như phần lớn quan chức từ cỡ trung cho tới cỡ bự của đảng và nhà nước cộng sản VN, 4 ông đều có bằng cấp, học hàm rất cao, toàn là Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư. Có thể nói so với nhiều cường quốc dân chủ phương Tây, bằng cấp, học hàm của quan chức Việt là cao ngất ngưỡng, còn chất lượng bằng cấp ra sao hay tại sao bằng to như vậy mà lại làm việc không hiệu quả bằng người ta thì là chuyện khác.

Trước khi ông Võ Văn Thưởng được đảng quyết định chọn làm Chủ tịch nước, đã có những nguồn tin vỉa hè cho rằng ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người có khả năng được chọn vào cái ghế này nhất, nhưng ông Tô Lâm có quá nhiều “phốt” trong đó có những vụ nước ngoài đều biết như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hay vụ ăn “bò dát vàng” ở London, ông Tô Lâm cũng đang dính tới mấy vụ tham nhũng khác, chưa kể 4 ông mà hết 2 ông từng là dân công an thì cũng hơi lộ liễu cái bản chất “công an trị” của chế độ. Mặt khác, chính ông Tô Lâm cũng chẳng dại gì ngồi vào ghế Chủ tịch nước, tiếng là “lên” mà thật ra là không còn quyền lực nhiều như là Bộ trưởng Bộ Công an, giống như hổ bị đưa ra khỏi rừng. Làm ngành công an, vừa bị dân căm hờn vì thẳng tay đàn áp nhân dân, vừa tích cực hỗ trợ ông Trọng “khui” ra bao nhiêu vụ án tham nhũng của các “đồng chi”, ân oán quá nhiều, về ngồi ở ghế Chủ tịch nước sẽ khó mà an toàn; vả chăng cái ghế Chủ tịch nước dường như đang bị cái “dớp” xui xẻo, hết ông Trần Đại Quang (cũng từng là Đại tướng Công an nhân dân, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam) chết vì “bịnh lạ”, đến Nguyễn Xuân Phúc phải rời ghế, nên ông Tô Lâm quyết định ngồi lại chỗ cũ, nắm ngành công an trong tay, vậy mà yên tâm.

Ông Thưởng có nhiều điểm rất gần với ông Trọng, cũng là dân lý luận, tuyên giáo, tuyên truyền, cũng “tụng” triết Mác Lê. Một bên chuyên xây dựng đảng thì một bên chuyên công tác xây dựng đoàn, lực lượng kế thừa của đảng. Ông Trọng là người Bắc (sinh ở Bắc Ninh), 2 ông Chính, Huệ là dân miền Trung-ông Chính sinh ở Thanh Hóa, ông Huệ sinh ở Nghệ An, còn ông Thưởng gốc gia đình là miền Nam nhưng sinh ở Hải Dương, thời niên thiếu lớn lên ở miền Bắc. Sau này thì ông sống chủ yếu tại Sài Gòn.

Và có một điều chắc chắn rằng cũng giống như các đời lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản cho đến nay, cả 4 người đều sẽ “đồng ý”, “nhất trí” quyết tâm bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đến cùng./.

- Quảng Cáo -