Tập Cận Bình cũng không thể chấp nhận để cho Vladimir Putin thất trận nhục nhã rồi bị lật đổ.
Trung Quốc sẽ được lợi nếu chiến tranh Ukraine chấm dứt. Nhưng Tập Cận Bình không thể bắt cá hai tay, vừa cổ động hòa bình vừa tiếp tục hỗ trợ Vladimir Putin là kẻ gây ra cuộc chiến!
Người Trung Hoa có thành ngữ: Ngồi trên núi coi cọp đánh nhau, tọa sơn quan hổ đấu. Tập Cận Bình đang ngồi trên núi coi những con cọp Nga, Ukraine và các nước Âu, Mỹ đấu với nhau. Tập có thể ngồi coi chiến tranh diễn ra càng lâu càng tốt. Vì trong lúc đó Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế, bồi dưỡng sức mạnh quân sự, sẽ quan trọng hơn trên bàn cờ quốc tế, đóng vai trò một cường quốc luôn chủ trương hòa bình.
Tập Cận Bình “tọa sơn quan hổ đấu,” biết rằng nếu cuộc chiến bất phân thắng bại kéo dài sẽ chỉ có lợi cho nước Trung Quốc. Vladimir Putin sẽ không thể chiến thắng dù được Trung Cộng tiếp sức bằng cách mua dầu, khí bán “đại hạ giá.” Nhưng nước Nga sẽ càng ngày càng lệ thuộc Trung Quốc hơn. Ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Stalin và những người kế vị vẫn coi Mao Trạch Đông là một đối thủ, nhưng không đáng sợ. Bây giờ, với dân số Nga so với Trung Quốc chỉ bằng một phần mười, kinh tế Trung Quốc đứng hạng nhì trên thế giới, Nga đứng hàng thứ 11, ngang với Tây Ban Nha. Tổng Sản Lượng Nội Địa của Nga chỉ bằng một phần 6 Trung Quốc, đến năm 2040 sẽ chỉ bằng một phần tám.
Tập Cận Bình cũng không thể chấp nhận để cho Vladimir Putin thất trận nhục nhã rồi bị lật đổ. Trung Cộng cần một nước Nga độc tài chuyên chế, liên kết chống lại Mỹ và Âu châu. Ngoại trưởng Vương Nghị mới gặp Putin để nhắc lại mối đoàn kết giữ hai nước “vững như núi đá.” Sau đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt chiến tranh, yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, với 141 quốc gia ủng hộ và 7 nước chống. Trung Cộng đã bỏ phiếu trắng, giống như lần trước vào năm ngoái.
Nhưng trước dư luận quốc tế, Tập Cận Bình phải chứng tỏ mình vẫn là một chính khách lớn quan tâm đến hòa bình. Ngày 24 tháng 2, một năm sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bản văn 12 điểm, mở đầu bằng nguyên tắc phải tôn trọng chủ quyền các quốc gia trên lãnh thổ của họ.
“Nếu Trung Cộng ngưng ở điều số một này,” ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ nói, thì “ngày mai chiến tranh có thể chấm dứt rồi,” vì Nga xâm phạm chủ quyền của Ukraine một cách trắng trợn. Trung Cộng vẫn không gọi hành động gây chiến của Nga là một cuộc “xâm lăng,” không dùng cả đến chữ “chiến tranh” vì Vladimir Putin vẫn tránh, gọi là một cuộc hành quân đặc biệt! Chỉ có một điều tích cực đáng kể là Trung Cộng cũng yêu cầu phải bảo vệ hiệu quả các thường dân với những hành lang cho dân chúng di tản khỏi bãi chiến trường, và không được sử dụng vũ khí nguyên tử.
Tập Cận Bình không quên phô bầy một hình ảnh giả nhân giả nghĩa, kêu gọi hai bên cùng ngưng bắn. Đề nghị này nghe rất đẹp, nếu quân Ukraine cũng đã tiến vào nước Nga rồi. Nhưng bây giờ, sẽ chỉ có lợi cho Vladimir Putin. Vì quân Nga đang chiếm đóng một phần nước Ukraine, sẽ có cơ hội được nghỉ ngơi để chờ tiếp viện.
Mỹ và các nước Âu châu đã bác bỏ ngay yêu cầu ngưng bắn và lời kêu gọi các nước hãy ngưng không cấm vận Nga nữa! Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, giữ một thái độ ôn hòa có tính toán, vẫn khen Trung Quốc muốn có hòa bình. Sau khi tình báo quân sự Mỹ tiết lộ Nga đang mặc cả mua vũ khí của Trung Quốc, gồm cả máy bay tự điều khiển (drones) và súng đại bác. Bộ ngoại giao Mỹ cảnh cáo Trung Cộng không được bán vũ khí giết người cho Nga dùng ở Ukraine.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Bắc Kinh đã đồng ý cho các “công ty tư nhân” cung cấp các khí cụ trên danh nghĩa chỉ dùng cho mục tiêu dân sự nhưng cũng có thể dùng ở chiến trường nhưng cũng cho biết chưa có một thứ vũ khí nào được trao tay.
Ngoại trưởng Vương Nghị phải nhắc lại lập trường của Trung Cộng là không dự vào cuộc chiến ở Ukraine, sau khi báo Der Spiegel ở Đức loan tin Nga đang thương thuyết với một công ty sản xuất drones ở Trung Quốc để mua các bộ phận và kỹ thuật chế tạo, với mục đích lập nhà máy sản xuất được 100 máy bay “drones tự sát” có thể đánh bom rồi tự hủy.
Tập Cận Bình có thể “tọa sơn quan hổ đấu” đến bao giờ? Có nhiều lý do khiến Trung Cộng muốn cuộc chiến chấm dứt.
Chiến tranh đang cản trở hoạt động thương mại của Trung Quốc. Nga và Ukraine đều là những điểm quan trọng trong kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ,” trên con đường Trung Quốc tiếp xúc với lục địa châu Âu; cả hai là những nước giao thương nhiều nhất với Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2021, số hàng hóa trên các chuyến xe lửa từ Trung Quốc qua Âu châu, đi qua Nga và Ukraine, đã tăng lên gấp 100 lần.
Hơn nữa, quan hệ kinh tế với Nga không quan trọng bằng với Mỹ và Âu châu. Trong năm 2021, Nga và Trung Quốc trao đổi hàng hóa trị giá khoảng $147 tỷ mỹ kim, dưới một phần mười số mua bán với Mỹ ($657 tỷ) và Âu châu ($828 tỷ) cộng lại, theo Giáo sư Vương Huy Diệu, (Wang Huiyao, 王辉耀), chủ tịch một trung tâm nghiên cứu kinh tế ở Bắc Kinh, viết trên nhật báo New York Times ngày 13 tháng 3 năm 2022.
Trung Quốc sẽ được lợi nếu chiến tranh Ukraine chấm dứt. Nhưng Tập Cận Bình không thể bắt cá hai tay, vừa cổ động hòa bình vừa tiếp tục hỗ trợ Vladimir Putin là kẻ gây ra cuộc chiến!
Leave a Comment