Nhiều tháng trước khi xâm lược Ukraine, có nguồn tin là Điện Kremlin đang lên kế hoạch thôn tính một quốc gia láng giềng khác. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra mà không có biện pháp quân sự: Một tài liệu bị rò rỉ từ chính quyền Matxcơva giải thích việc Belarus sẽ dần dần bị sáp nhập vào Nga vào năm 2030. Các chuyên gia đã xếp tin này vào loại: có thật.
Tờ “Süddeutsche Zeitung” (SZ), đã đánh giá cùng với WDR, NDR (của Đức) và 9 phương tiện truyền thông khác của châu Âu xác nhận: kế hoạch tiếp quản Belarus đã được viết vài tháng trước khi Nga tấn công Ukraine.
Theo tìm hiểu, các chiến lược gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn thâm nhập vào nền chính trị, kinh tế và quân sự của Belarus. Mục tiêu là một quốc gia Liên minh chung dưới sự lãnh đạo của Nga vào năm 2030. Giới an ninh phương Tây xem tài liệu này là xác thực, theo “Süddeutsche Zeitung”.
Tài liệu nội bộ dài 17 trang của Điện Kremlin, có tiêu đề “Các mục tiêu chiến lược của Liên bang Nga tại Belarus”, cho thấy nó được đề xuất từ mùa hè năm 2021. Tài liệu dẫn giải cách Điện Kremlin đặt mục tiêu ngắn hạn, trung bình và dài hạn để trở thành một quốc gia hùng cường ở châu Âu. Các mục tiêu dài hạn dần dần được kết hợp vào năm 2030 – mà không cần sự can thiệp của quân đội. Nó được chia thành các lĩnh vực chính trị và quốc phòng, thương mại và kinh tế, và xã hội.
Trong đó, mục tiêu tạm thời đầu tiên là vào năm 2022. Những ảnh hưởng của phương Tây sẽ bị đẩy lùi nhằm tạo ra một bức tường thành chống lại NATO. Các cuộc diễn tập quân sự chung cũng được lên kế hoạch. Cuộc cải cách hiến pháp bắt đầu ở Belarus cần được hoàn thành theo các điều kiện của Nga và luật pháp phải được kết hợp hài hòa với luật pháp của Liên bang Nga.
Những điều khác trong thỏa hiệp: Mở rộng sự hiện diện của quân đội Nga tại Belarus vào năm 2025 và đơn giản hóa vấn đề cấp hộ chiếu Nga cho người dân. Việc cung cấp năng lượng, vận chuyển và thông tin liên lạc sẽ được tích hợp vào các hệ thống của Nga. Cuối cùng, vào năm 2030, Nga và Belarus sẽ trở thành một quốc gia liên minh, với các chính sách biên giới, hải quan và thuế thống nhất, lãnh đạo quân sự chung và đồng tiền chung. Tiếng Nga nên trở thành ngôn ngữ chính của nhà nước liên minh.
Theo tờ báo, các chuyên gia đã phân loại tài liệu này là thật. Martin Kragh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Stockholm (SCEEUS) cho biết: “Ở hình thức bên ngoài, tài liệu giống như một tài liệu tiêu chuẩn của bộ máy chính quyền Nga”. Nội dung “phần lớn phù hợp với các mục tiêu chính trị của Nga đối với Belarus kể từ những năm 1990.”
Nhiều cơ quan tình báo phương Tây đã xem xét tài liệu cũng cho là: nó đáng tin cậy. “Nội dung của tài liệu hoàn toàn hợp lý và tương ứng với những gì chúng tôi cũng cảm nhận được”, SZ dẫn lời một sĩ quan tình báo cấp cao cho biết. Người ta phải xem tài liệu chiến lược là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Putin: thành lập một Đế chế Nga vĩ đại mới.
Đại sứ Mỹ Michael Carpenter, tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nói với tờ báo: “Mục tiêu của Nga ở Belarus cũng giống như ở Ukraine. Chỉ có điều là Matxcơva đang sử dụng sự cưỡng chế Belarus thay vì gây chiến tranh”. Cuối cùng, cả hai trường hợp đều nhằm khôi phục lại Đại Nga. Franak Viacorka, cố vấn trưởng của chính trị gia đối lập người Belarus lưu vong Svetlana Tikhanovskaya, cảnh báo kế hoạch này là một kế hoạch chi tiết. Nó cũng có thể được sử dụng “cho Kazakhstan, Armenia, Moldova”.
Ảnh hưởng của Nga ở nước láng giềng Belarus đã tăng lên đáng kể kể từ mùa hè năm 2020. Sau cuộc bầu cử tổng thống bị cáo buộc là thao túng vào tháng 8 năm 2020, nhà cai trị Belarus Alexander Lukashenko đã đặt niềm tin vào sự hỗ trợ kinh tế và nhân sự từ Matxcơva – với cái giá phải trả là sự độc lập của chính Belarus. Các nhà báo trung thành với Điện Kremlin đã được thay thế cho các nhân viên chống đối trong cơ quan truyền thông nhà nước Belarus. Sự hợp tác giữa hai cơ quan an ninh cũng đã được tăng cường vào thời điểm đó./.
Lưu Thủy Hương lược dịch
Leave a Comment