Clemens Wergin (WELT)
Các cuộc đàm phán với Vladimir Putin, điều mà một số người ở Đức mong muốn, không còn đóng vai trò gì đối với các đồng minh của Ukraine. Các nước này tán thành về mục tiêu chiến tranh hơn bao giờ hết. Ngay cả khi ông Thủ tướng Đức để bộ trưởng của mình nói lên điều đó.
Hội nghị An ninh Munich đã nhận thấy phương Tây phải khẩn trương viện trợ cho Ukraine. Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU nói: “Chúng ta đã để mất quá nhiều thời gian bàn về cung cấp các hệ thống vũ khí cực kỳ quan trọng như xe tăng chiến đấu”. “Bây giờ chúng ta phải tăng cường và đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.”
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nay cũng sốt ruột kêu gọi các đối tác châu Âu “bất kỳ ai có thể cung cấp xe tăng chiến đấu thì hãy thực hiện ngay”. Borrell cũng kêu gọi nhanh chóng cung cấp đạn dược cho Ukraine. Trước mắt hãy lấy đạn từ kho dự trữ của mình, về trung hạn phải phải tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã rất ngạc nhiên khi sau một năm chiến tranh, ngành công nghiệp này vẫn chưa nhận đủ đơn đặt hàng đạn dược để mở rộng dây chuyền sản xuất, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Nga làm việc ba ca để cung cấp vật tư cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Kallas cho rằng nhiều quốc gia thành viên EU “vẫn hy vọng mọi việc sớm qua đi”.
Tại Munich, đã có sự công nhận cuộc chiến tranh ở Ukraine tượng trưng cho một thời khắc định mệnh trong lịch sử và nếu Nga giành được chiến thắng sẽ không chỉ thay đổi châu Âu mà là cả thế giới, chà đạp trật tự dựa trên luật pháp, hướng tới luật của kẻ mạnh. Sẽ có một thế kỷ như thế kỷ 19, trong đó các quốc gia lớn và hùng mạnh ngang nhiên thôn tính các quốc gia nhỏ bé.
Quan điểm phổ biến là cuộc chiến tranh này không kết thúc nhanh chóng mà là cuộc chiến lâu dài.
Không chỉ nước Đức mà quan điểm chung là Ukraine không được thua mà là “Ukraine phải thắng trong cuộc chiến tranh này”, điều này có nghĩa phải tống cổ Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm được. Không ai ở Munich có ảo tưởng, lúc này là thời điểm thích hợp để đàm phán với Moscow. “Bây giờ không phải là lúc đàm phán”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người thiên về Nga ở châu Âu, cũng đã nói. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Putin không có kế hoạch hòa bình, ông ấy đang lên kế hoạch đẩy mạnh chiến tranh quyết không thay đổi tham vọng của mình”.
Châu Âu đã nhận ra trong quá khứ đã ngây thơ đối phó với mối đe dọa từ Nga và lục địa này phải tăng cường quân sự và gánh vác nhiều hơn trong khuôn khổ NATO.
Các đối tác phương Tây cũng ngày càng nhận ra rằng Ukraine cần sự hỗ trợ kiên quyết hơn nữa. Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố tại Munich rằng Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trang bị vũ khí tầm xa cho Ukrain để nước này đánh sâu vào hậu phương của Nga.
Ngoài ra đang rộ lên đòi hỏi chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố nước ông đang xem xét chuyển giao những chiếc MiG-29 cho Ukraine. Dường như đang có sự chuyển động về phía Mỹ. Theo Politico, Tướng Christopher Cavoli, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu cũng nói đa số thành viên quốc hội Hoa Kỳ nhận thấy tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu sẽ giúp Ukraine tấn công “sâu hơn” và đẩy lùi quân Nga.
Phương Tây thực sự thể hiện quyết tâm hỗ trợ Ukraine một cách lâu dài. “Hãy chuyển từ lời nói sang hành động”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Borrell phát biểu hôm chủ nhật vừa qua. Tóm lại Châu Âu có nhiều việc phải khẩn trương thực hiện, chấm dứt võ mồm hãy giúp đỡ Ukraine thực chất./.
Nguyễn Xuân Hoài (lược dịch)
Leave a Comment