Người Tân Định (VNTB)
Nếu Trọng muốn hết tham nhũng, cần củng cố các thể chế và tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và nhất là phải xóa bỏ thế độc quyền của đảng, phải cho dân tham gia quyền lực, phải tôn trọng nhân quyền.
Nhìn vào nội tình Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) lúc này thấy lộn xộn hơn bao giờ hết, những màn bắt bớ, đưa người này xuống đưa kẻ khác lên làm rối tinh, rối mù; đó chẳng qua là hậu quả của việc Trọng đang thực hành mưu kế khuấy đục nước để bắt cá.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư ĐCSVN, đang bị vây chung quanh bởi hàng chục ủy viên bộ chánh trị, hàng trăm ủy viên trung ương. Đám này, kẻ thân Trọng, kẻ chống Trọng, chia ra hàng chục phe phái kình chống nhau vì quyền lực, vì lợi ích. Chúng như những miếng giấy cắt thành hình người, súc vật, đồ đạc chạy trong cái đèn cù, quanh trục trung tâm Trọng, bạn thù lẫn lộn khiến Trọng như phát điên. Kẻ thân cận, chân tay phải bảo vệ, kẻ thù phải túm được gáy, tiêu diệt. Nhưng khổ nỗi bạn, thù trong đảng giống y xì nhau từ nội dung đến hình thức, từ đầu đến chân. Các lớp đảng viên cộng sản Việt Nam đã hết những người ngây thơ, thực tậm vì cách mạng, giờ không kẻ nào không tham nhũng, đến nỗi Trọng phải kêu lên “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng”. Không đảng viên nào không ẩn chứa trong thâm tâm cái tôi to nhất, đầu óc cơ hội, thực dụng, nghi kỵ và sẵn sàng quay giáo, trở cờ, sẵn sàng đâu sau lưng đồng chí. Họ giống nhau, nhưng chia ra hai nhóm chính. Hai nhóm nhìn vào khó phân biệt, nhóm kẻ thù của Trọng và nhóm thân Trọng. Dĩ nhiên Trọng muốn củng cố phe nhóm thân hữu của mình, và đưa hết kẻ thù vào lò. Nhưng khó phân biết quá, Trọng từng bắt nhầm. Tuy biết bắt nhầm còn hơn bỏ sót, nhưng cũng đã phải đau lòng xấu hổ kêu lên “Đau xót lắm chứ” với kẻ bị bắt nhầm và tay chân còn ngồi ghế. Hành động quậy nước đục bùn bắt cá của Trọng làm không những kẻ thù Trong sợ hãi, kẻ thân Trọng cũng sợ hãi không kém. Tất cả chúng, kẻ thù và thân cận Trọng, càng vùng vẫy, bùn càng nhiều hơn. Không ít đồng bọn với Trọng đã bị tóm, bỏ tù nhầm khiến Trọng từng kêu, “giảm thiểu tình trạng oan sai”
Làm sao có thể giảm tình trạng bắt bớ tràn lan bất kể bạn, thù của Trong khi đảng không tôn trọng nhân quyền. Tất cả quyền lực đều tập trung vào TBT, thiếu minh bạch, lạm quyền và không có trách nhiệm giải trình việc làm của mình với quốc dân hay bất cứ ai. Trọng lấy tham nhũng, một vấn đề nhức nhối không thể giải quyết được vì nó dính líu đến mỗi đảng viên trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và là chủ đề gây chỉ trích cả trong nước và quốc tế là để thanh toán kẻ thù.
Tham nhũng đã có từ ngày ĐCSVN được thành lập, vụ Đại Tá Trần Dụ Châu là điển hình, nhưng sau những năm Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và thế giới tư bản giúp mới lộ rõ ra những vụ án tham nhũng liên quan đến các quan chức đảng, bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao và nhân vật kinh doanh nổi tiếng, đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng và làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Những trường hợp này đã làm nổi bật những vấn đề sâu xa về tham nhũng và sự thiếu trách nhiệm trong Đảng và chính phủ. Tham nhũng đi song song với thay đổi nhận thức về chủ nghĩa trở thành mối lo cho Trọng, “kẻ thù” của Trọng càng ngày càng nhiều.
Đó là vấn đề nổi cộm trong Đảng, là thách thức lớn đối với sự tồn tại của Đảng và cái ghế đã chông chiêng của Trọng. Trọng phải hành động quyết liệt để diệt tận gốc kẻ thù, giữ vững địa vị và lấy lại niềm tin của người dân. Nhưng trong chế độ độc tài đảng trị như Việt Nam, Tổng Bí Thư Trọng và một nhóm nhỏ thân tín nắm độc quyền về quyền lực kiểm soát các nguồn lực và thể chế của đất nước lại cũng là những kẻ tham nhũng, điển hình như Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó Thủ Tường Minh, Đam mới bị cho về vườn vì xung đột lợi ích nhóm, tạo ra môi trường thuận lợi cho tham nhũng. Chiến dịch đánh tham nhũng của Trọng thực tế nhằm đánh vào các phe phái không cùng lợi ích, những đối thủ chính trị của Trọng.
Trọng đã đi sai nước cờ khi muốn bắt hết kẻ thù bằng cách chụp cho họ cùng một cái mũ tham nhũng- mà kẻ đảng viên nào không tham nhũng- bằng cách khuấy nước đục.
Thời Tam Quốc, Tào Tháo thay vì nghe lời các cố vấn giết những tướng âm mưu với giặc phản bội mình, ông bảo đốt hết hồ sơ của họ và bảo quên đi. Từ đó các tướng lãnh không chừa một ai đều tâm phục, hết lòng phù trợ. Trọng có thể không học được kế sách của kẻ gian hùng Tào Tháo, Trọng chỉ gian chứ không hùng, nhưng chuyện trong sử Việt, nếu Trọng thực sự là cử nhân văn khoa thì không thề không học sử nước nhà để không biết lòng nhân nghĩa của các tiên hoàng đối với giặc. Sau khi chiến thắng quân Nguyên, tháng Tư năm Kỷ Sửu, 1289, vua Trần Nhân Tông định công, phạt tội. Định công xong mới xét đến những người hàng giặc. Khi quân Nguyên đang cường thịnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, có giấy má đi lại với giặc. Sau giặc thua chạy về Bắc, triều đình bắt được tráp biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội. nhưng Thượng Hoàng […] sai đốt tất cả tráp đi cho yên lòng mọi người.(*)
Trọng nếu muốn không còn kẻ thù của minh, hết tham nhũng, hết người “trở cờ” chuyển biến, xét lại, phải thực hiện các bước cụ thể để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như củng cố các thể chế và tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và nhất là, để rốt ráo, phải xóa bỏ thế độc quyền của đảng, phải cho dân tham gia quyền lực, phải tôn trọng nhân quyền.
Nghi ngờ tất cả, không khoan nhượng và tàn ác là thuộc tính của người cộng sản. Để củng cố địa vị, Trọng cho thấy ông ta là một con người cộng sản điển hình.
Trọng tỏ ra yếu kém, chỉ biết dùng mưu hèn kế bẩn là bắt bớ, bỏ tù, đốt lò, giết hại danh dự kẻ khác, trong đó có cả bạn lẫn thù, “giết, giết mãi bàn tay không ngơi nghỉ”. Trọng thiên về xử ác nhưng luôn miệng nói nhân nghĩa. Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/9/2021, với tất cả các cơ quan nội chính gồm Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ủy ban Kiểm tra Đảng, Thanh tra, Tư pháp, Kiểm toán và Ban Nội chính Đảng, Trọng yêu cầu tất cả các cơ quan này phải thật sự là “những thanh bảo kiếm sắc bén bảo vệ đảng”, “lá chắn vững chắc” để giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đảng của Trọng không thể sạch, không thể trong theo mong muốn của Trọng, khi Trọng không phân biệt được ai là bạn, là thù, không thể bắt được kẻ thù chính xác, bắt bừa, bắt đại, bắt nhầm còn hơn bỏ sót và giữ mãi bản chất nghi ngờ, bất nhân hiếu thắng của người cộng sản, cái loại người mà Trọng tự cho là mình chiều 2/2 tại Trụ sở Trung ương đảng, khi ông ta nhận huy hiệu 55 năm tuổi đảng.
(*) Trang 63. Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim. Bộ Giáo Dục. Trung Tâm Học Liệu Xuất Bản
Leave a Comment