Cả hai tòa cao ốc đều là dự án xây dựng bệnh viện có vốn đầu tư ngoại quốc, từ $50 triệu – hơn $60 triệu.
Dân Việt hôm 10 Tháng Hai 2023 đăng phóng sự ảnh về tòa cao ốc triệu đô sắp trở thành phế tích ở Hà Nội vì bị bỏ hoang hơn 10 năm nay. Đó là Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ- Hà Nội, được cấp phép từ năm 1997, tọa lạc số 9 phố Chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), mặt trước nhìn ra hồ Nghĩa Tân (công viên Nghĩa Đô), xung quanh là khu dân cư sầm uất. Tổng diện tích xây dựng bệnh viện là 27.000 m2 với quy mô dự định 300 giường, chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, não, tim mạch…
Do vướng khâu giải tỏa đất, mãi đến năm 2006 dự án mới được khởi công, đến năm 2012 dừng việc xây dựng dù vẫn chưa hoàn thiện xong phần thô. Hiện tại, qua hình ảnh có thể thấy hàng rào, máy móc han gỉ ở công trường dự án, bảng tên bệnh viện trên cao chữ còn, chữ mất; còn phía trong, cỏ mọc um tùm, nhiều nơi biến thành đất trồng rau của người dân xung quanh.
Theo VNBusiness ngày 7 Tháng Ba 2019, bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Tổng giám đốc bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ-Hà Nội, dự án do tập đoàn Keystone Development Management SA (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, có tổng vốn lên tới gần $50 triệu, phải tạm ngưng vì không điều đình được với các gia đình đang sống trong khu đất dự định làm lối ra vào của bệnh viện. Bà Hương kể lể nỗi đoạn trường: Tiến trình giải tỏa dân cư lấy đất trống mất 10 năm; Tháng Mười Hai 2007 dự án khởi công và đến năm 2012 đã hoàn thành xong toà nhà thì có 3 gia đình nằm trong khu đất 2.423 m2 dự định làm thảm cỏ cây xanh và lối ra vào bệnh viện không chịu di dời; lại thêm sự phản đối của dân sống trong khu chung cư cũ gần đó… vì cho rằng việc giải tỏa khu đất sẽ ảnh hưởng đến hệ thống xử lý chất thải của chung cư.
Ngày 5 Tháng Sáu 2021 khi báo Lao Động đặt câu hỏi về tòa cao ốc bỏ hoang, đại diện chủ đầu tư dự án Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ -Hà Nội giải thích ngắn gọn: Lối vào bệnh viện đi qua phần đất bị người dân lấn chiếm, bệnh viện không lối vào nên đành đóng cửa để đó.
Sau nhiều lần chủ đầu tư làm việc với Ủy ban quận Cầu Giấy và được quận hứa hẹn sẽ trợ giúp việc giải tỏa khu đất còn lại nhưng đến ngày 10 Tháng Hai 2023, dự án Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ-Hà Nội vẫn là khối cao ốc bị bỏ hoang!
Cũng giống Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ – Hà Nội, dự án Bệnh viện Ung Bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản cũng “đắp chiếu” tại lô DDMKT1, khu Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) với quy mô 100 giường nội trú và 250 giường ngoại trú. Lao Động ngày 5 Tháng Sáu 2021 cho biết: Bệnh viện này có diện tích 4.800 m2, mặt sàn xây dựng 28.000 m2, khởi công từ đầu năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng (trị giá hiện tại $63,6 triệu).
Sau gần sáu năm, dự án vẫn chỉ là khối bê tông xây dựng dở dang. Nguyên nhân là trong quá trình xây dựng, người dân trong khu Ngoại giao đoàn (là cán bộ quan chức ngành ngoại giao) đã kịch liệt phản đối dự án này, vì họ cho rằng nếu Bệnh viện Ung Bướu hiện diện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nơi này sẽ mất tiếng là nơi đáng sống nhất thủ đô!
Điều nghịch lý nhất là trong khi hai dự án xây dựng bệnh viện có mức đầu tư trên $50 triệu bị bỏ hoang giữa trung tâm Hà Nội thì dân Hà Nội đang kêu ca mỗi ngày vì bệnh viện chật chội, thiếu giường nằm. Trả lời Người Lao Động ngày 28 Tháng Năm 2013, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế đương nhiệm lúc đó đã nói “Hà Nội thiếu giường bệnh thì phải hỏi nhà nước!”.
Khi phóng viên hỏi “Tình trạng quá tải bệnh viện đã kéo dài nhiều năm nhưng việc khắc phục vẫn diễn ra rất chậm, 3- 4 bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường?”, bà Tiến đã trả lời: “Để giảm tải cho các bệnh viện phải xây mới bệnh viện, phòng khám, trạm xá… nhưng mỗi công trình mất ít nhất ba năm xây dựng. Từ năm 1975 đến nay, Hà Nội mới chỉ xây thêm bệnh viện Thanh Nhàn và Phụ sản Hà Nội, trong khi đó, dân số tăng gấp đôi. Số giường bệnh trên 1.000 dân của Việt Nam rất thấp, chỉ 22 giường!”.
Nhìn lại lý do khiến hai dự án đầu tư bệnh viện bị gián đoạn như truyền thông trong nước phản ảnh, thì dân Hà Nội bị thiếu giường nằm khi phải vào bệnh viện cũng phải thôi!
Leave a Comment