Ông Nguyễn Xuân Phúc – người vừa mất chức Chủ tịch nước Việt Nam chỉ vài ngày trước Tết Quý Mão – đã có một “cú đá giò lái” ngoạn mục, làm cho những đồng chí đã quyết trù dập ông tức tối vì một phen khó xử.
Số là tại buổi lễ bàn giao công tác cho người tạm thay ông là bà Võ Thị Ánh Xuân vào chiều ngày 4 tháng Hai 2023, sau khi đọc xong bài phát biểu từ nhiệm, ông Phúc đã nhân cơ hội – có thể là cuối cùng của ông tại Phủ Chủ tịch – để có đôi lời “nói thêm” về lý do đã khiến ông nửa đường đứt gánh.
Trước đó, dư luận – chắc hẳn từ nguồn tin cố ý xì ra từ Bộ Công an hay từ cấp rất cao trong guồng máy cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) – đã sôi nổi bàn tán rằng ông Phúc bị mất chức vì vợ con ông có vai trò “trùm cuối” trong đại án tham nhũng Việt Á.
Không chỉ ở trong nước mà lời đồn đại này tác động đến cả những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam ở nước ngoài. Ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu người Việt thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cũng nhận định về lý do ông Phúc bị bãi chức: “Tôi nghĩ lý do chính [là] vợ ông ta và một số thành viên trong gia đình ông bị cáo buộc dính líu đến một số vụ bê bối tham nhũng. Trong các tuyên bố chính thức, đảng [CSVN] không đề cập đến những vấn đề tham nhũng vì tôi nghĩ đảng muốn giữ thể diện cho ông ấy và để bảo vệ danh tiếng lẫn hình ảnh của đảng.”
Cũng những nguồn tin đồn không thể kiểm chứng được trong bối cảnh chính trị tù mù của Việt Nam thậm chí còn cho rằng ông Phúc phải miễn cưỡng từ bỏ hết mọi chức vụ để đổi lấy việc vợ con ông không bị truy tố và xử tội trong cuộc “đốt lò” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.
Để “thanh minh” với những luận điệu đó, ông Phúc đã nói một cách dõng dạc: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.
Ông giải thích thêm rằng, từ khi nhận chức Chủ tịch nước vào tháng Bảy 2021 đến khi bị mất chức, ông đã làm rất tốt công việc của mình, không có sai phạm gì cả và được đảng CSVN đánh giá cao. Tuy nhiên, ông quyết định từ chức vì “trách nhiệm chính trị” của ông trong thời gian làm thủ tướng Chính phủ vì một số bộ trưởng dưới quyền ông đã vi phạm pháp luật trong các vụ án tham nhũng chấn động cả nước như vụ kit-test Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”…
Ông Phúc nói: “Tuy nhiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.”
À há! Ông Phúc nói như vậy thì các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị đảng CSVN không thể nghe được.
Ông khẳng định “gia đình ông không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á” thì còn chấp nhận được. Sự thật có thể như vậy, có thể không phải như vậy nhưng dù sao đã có “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng” thì tạm tin đó là sự thật, dù cái ủy ban này cũng chỉ là một thứ thiên lôi mà ông chủ lò chỉ vào đâu thì biến nơi đó thành củi chứ chẳng phải là một cơ quan điều tra của một nền tư pháp độc lập. Thôi thì để cho ông ta nói lời cuối, “thanh minh thanh nga” cho vợ con, cho danh dự (và khối tài sản khủng) của gia đình ông thì cũng nên thể tất; dẫu sao ông ta cũng từng là nguyên thủ quốc gia!
Nhưng khi ông Phúc cho rằng ông chỉ “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” thì không ổn. Trong thứ bậc của đảng, ông chưa phải là người có “trách nhiệm” (và quyền lực) cao nhất; trên ông còn có ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cả một “ông vua tập thể” gọi là Bộ Chính trị. Vả lại, theo nguyên tắc tổ chức bộ máy của đảng, các cán bộ “vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng” không phải do ông đưa lên, thủ tướng không có quyền bổ nhiệm các bộ trưởng cũng như cách chức họ mà tất cả đều phải do Bộ Chính trị của đảng quyết định theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức trung ương.
Các “cán bộ vi phạm khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng” – có thể kể ra hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng đã bị mất chức, có người đang bị tạm giam – thì trách nhiệm trước tiên phải thuộc về Bộ Chính trị và Ban Tổ chức trung ương của đảng, đâu phải trách nhiệm riêng của ông Phúc, cho dù ông là thủ tướng, là cấp trên trực tiếp của họ.
Vậy sao cả Bộ Chính trị, đặc biệt là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, không phải chịu trách nhiệm gì cả? Hóa ra trong tập thể “vua” của đảng CSVN, chỉ mỗi ông Phúc là “chính nhân quân tử”, dám nhận trách nhiệm về mình, còn lại là những kẻ “vô trách nhiệm”, không có liêm sỉ hay lòng tự trọng, không xứng làm lãnh đạo?
Lời tuyên bố nhận “trách nhiệm chính trị” của ông Phúc khác chi một câu chửi thẳng vào mặt các đồng chí của ông?
Chính vì vậy mà sau khi hồ hởi đưa tin “Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói về lý do xin thôi nhiệm vụ”, thậm chí rút tít phụ: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á” như trên báo Tuổi Trẻ, thì tất cả các tờ báo trong nước đều âm thầm gỡ bỏ những đoạn viết về lời “thanh minh” của ông Phúc. Đến sáng ngày 6 tháng Hai 2023 thì những bài tường thuật cuộc bàn giao công tác của ông cựu chủ tịch nước vẫn có trên các tờ báo nhưng đoạn ông giải thích lý do xin thôi nhiệm vụ đã không còn tìm thấy nữa; chỉ còn những lời sáo rỗng cảm ơn đảng này nọ…
Những người lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN chắc chắn đã cảm thấy bị chạm nọc với cú đá giò lái của ông Phúc nên cấp tốc lệnh cho báo chí phải gỡ bài, sửa đổi nội dung tin. Nhưng muộn rồi, mạng Internet toàn cầu đã lưu giữ tất cả, các tờ báo quốc tế cũng đã đăng tải đầy đủ mà đảng không thể buộc họ phải rút bài xuống theo lệnh của đảng. Và người dân vẫn có thể có thông tin để phán xét những kẻ đang cai trị họ.
Chúng tôi không nói ông Phúc là người tốt, không nói vụ mất chức của ông ta là oan. Trong thời gian ông ta làm thủ tướng, chính sách “zero-covid” mà ông ta là người chủ trì đã gây bao tang thương mất mát không thể bù đắp cho đồng bào cả nước, nhất là ở thành phố Sài Gòn. Nếu nói đến “trách nhiệm” thì phải nói tới trách nhiệm (và tội lỗi) của ông, của đảng cầm quyền trước cái chết oan khuất và tức tưởi của hơn ba vạn đồng bào vì chính sách chống dịch ngu xuẩn và tàn ác mà chúng tôi đã trình bày trong một bài trước chứ không phải trách nhiệm đối với hành vi tham nhũng của cấp dưới. Nhưng lời nói cuối cùng của ông về “trách nhiệm” đã vô hình trung vạch mặt cả một đám tham quan ô lại đang ngồi trên đầu trên cổ người dân.
Bây giờ ngay đến lời tâm sự cuối cùng của ông cũng bị đảng kiểm duyệt và cắt bỏ, ông cựu chủ tịch nước chắc phải thấm thía thế nào là mất quyền tự do ngôn luận, thế nào là thân phận người dân trong một chế độ toàn trị do đảng của ông độc quyền. Cú “đá giò lái” gây tức tối cho các đồng chí của ông, biết đâu còn có thể mang lại cho ông những tai họa khác trong tương lai.
Hãy chờ xem./.