BỨC THƯ CỦA CHỒNG TÔI KỂ VỀ 1 THÁNG CHỒNG TÔI BỊ ĐƯA ĐI GIÁM ĐỊNH TÂM THẦN.
Thu thương, hôm nay anh đặt bút viết mấy dòng thư gửi với em, chiều nay anh gọi điện nói chuyện với em, anh rất vui, anh cảm nhận được tình yêu qua giọng nói của em, một sự ấp áp kỳ diệu, khi ra về anh hồi tưởng lại mỗi câu em nói. Vậy là chỉ còn 8 ngày nữa là bước sang năm 2023 rồi.Em, các con lại đón thêm một tuổi mới, nhân dịp này anh chúc em, các con cùng toàn thể gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, luôn bình an và may mắn, chúc hai con trai Bảo và Đoàn hay ăn, chóng lớn, biết nghe lời và học giỏi, chúc vợ yêu mãi luôn xinh đẹp nha.
Thư này anh kể em nghe câu chuyện anh ở viện giám định pháp y tâm thần Trung ương nhé. Câu chuyện này anh ghi nhớ trong ký ức, vì ở viện và ở trại tạm giam không có giấy bút để ghi đến An Điềm anh mới viết lại vào cuốn nhật ký của anh:
“Ngày 1-3-2021 quản giáo vào báo tôi chuẩn bị nội vụ đi trích xuất, tầm 11h trưa cơ quan ANĐT dẫn tôi ra xe đưa đi giám định tâm thần ở Thường Tín. Tôi đến việc giám định pháp y lúc gần 17h chiều, khi làm thủ tục nhập viện tôi đã hỏi bác sĩ phó trưởng khoa tên bác sĩ là Biết, ông cho tôi hỏi đây có phải là cơ quan giám định độc lập không? Bác sĩ Biết trả lời rằng đây là cơ quan giám định độc lập của Bộ y tế, sau đó tôi được đưa xuống khu giam giữ, tôi phải gửi quần áo đang mặc vào kho của viện và thay bằng bộ quần áo bệnh nhân, quần áo được đóng dấu dòng chữ viện giám định pháp y tâm thần TW. Tôi được phát cho 1 cái đệm, 1 chiếc cốc nhỏ, 1 cái vỏ chăn mỏng, bàn chải, kem đánh răng. Tầm 15 phút sau khi đã vào buồng giam riêng số 1, thì có một bác sĩ và nữ y tá đi vào buồng giam gặp tôi, bác sĩ nói với tôi rằng “có 2 vấn đề cần trao đổi với anh, thứ nhất là ở đây nếu anh không ăn thì chúng tôi có đủ biện pháp để đưa thức ăn vào đến dạ dày của anh, thứ hai là anh phải uống thuốc hàng ngày”.
Vấn đề thứ nhất tôi không trả lời, nhưng vấn đề thứ hai thì tôi nói rằng: tôi không có bệnh gì, sức khỏe và tinh thần tôi hoàn toàn bình thường, tôi không uống thuốc”. Sau đó các bác sĩ ra về, suốt 1 tháng ở đây ngày nào y tá cứ 8h tới là phát thuốc cho tất cả những người đi giám định, còn tôi ngày nào cũng phải lặp lại câu nói “sức khỏe và tinh thần tôi hoàn toàn bình thường, tôi không uống thuốc”, y tá cũng không bắt ép tôi phải uống thuốc, mà ép tôi uống thuốc cũng đâu phải dễ, trừ khi gây mê tôi. Y tá đó chỉ thực hiện việc giao thuốc cho tôi, tôi từ chối thì lại mang thuốc về, có hôm tôi hỏi y tá đây là thuốc gì vậy, thì nhận được câu trả lời là đây là thuốc bác sĩ kê đơn. Tôi thấy lạ với câu trả lời này, bởi có ai đã khám cho tôi đâu, có cho tôi biết tôi bị mắc bệnh gì đâu mà kê đơn chứ.
Buồng giam tôi ở là buồng số 1, nhiều y tá còn hay hỏi nhau rằng: ” số 1 ăn chưa, số 1 uống thuốc chưa.” Tôi có tên đầy đủ, nhưng có vẻ ở đây chẳng ai quan tâm đến cái tên, buồng giam tôi có diện tích tầm 6m2, có 1 chiếc giường một, cái bệ phốt để đi vệ sinh, không có đường ống dẫn nước, có 1 cửa sổ ngay trên đầu giường, cửa sổ và cửa chính được làm từ những thanh sắt hộp hàn lại, có khe hở giữa các thanh sắt chỉ vừa đủ đưa được tay và chiếc cốc uống nước qua, trong suốt 1 tháng ở đây tôi phải luồn tay qua những khe cửa đó để lấy nước, nước uống thì phải nhờ người đi giám định khác lấy từ bình nước lọc mang tới, còn nước vệ sinh cá nhân thì tôi nhờ người xách cho 1 xô nước,để ở cửa buồng giam rồi tôi tự lấy cốc múc vào, phải múc rất lâu mới đầy được cái xô tầm 7 lít, bởi cái cốc chỉ chứa được tầm 100ml.
Khi vừa vào buồng giam tôi phải mất nhiều thời gian để dọn đống phân chuột, khắp buồng chỗ nào cũng có phân chuột. Anh Khôi, người cũng đi giám định là người múc nước đến cửa buồng giúp tôi những ngày đầu khi đến đây, vì hôm đầu tôi chưa được phát xô đựng nước, nên sau đó khi tắm tôi phải luồn tay qua cửa múc từng cốc nước để tắm anh khôi đến trước tôi tầm 2 tuần, anh ấy thấy tôi tắm khó khăn như vậy thì anh bảo tôi ngồi sát cửa, sau đó anh đi múc thêm nước và tạt cả xô nước qua khe tắm, lúc đó trời rất lạnh, nước cũng lạnh, mỗi xô nước anh khôi tạt vào thì chỉ có phần nước được tạt lên người tôi, phần thì bị thanh cửa chắn lại, phần thì bị bắn ra ngoài, tôi kỳ cọ người rồi lại phải đợi một lúc sau anh Khôi mang nước đến để tạt tiếp vào, lúc đó tôi thấy bên ngoài còn có người quan sát cảnh tôi tắm kiểu đó, có lẽ viên cảnh sát đó trong suốt quá trình công tác ở đây chưa thấy ai tắm như tôi, quả thực đây cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi phải lắm kiểu cực hình như thế này.
Tắm xong tôi bị lạnh toát hết cả người, hai bàn chân tôi bị run lên, cũng trong tối hôm đó mấy người qua hỏi thăm tôi vài câu, họ cũng không dám nán lại lâu vì trước cửa buồng giam tôi có 2 cảnh sát giám sát tôi ở khoảng cách hơn 10m, một số người còn cho tôi gói thuốc lá, bánh kẹo..
Ở viện cho phép sử dụng tiền lưu ký nên những người có tiền lưu ký có thể mua thêm được nhiều đồ ăn, còn tôi đến đây không có lưu ký nên chẳng mua được gì cả, tôi cũng đề nghị các bác sĩ liên lạc với gia đình tôi, nhắn gửi tiền lưu ký cho tôi, nhưng không được đồng ý, mấy hôm đầu đến đây tôi ngủ không quen, mấy con chuột cứ chạy qua chạy lại dưới nền làm tôi khó ngủ hơn, tôi không sợ chuột, nhưng chỉ sợ nó leo lên giường rồi biến mấy ngón chân của tôi làm bữa tiệc thịnh soạn của chúng.
Hai hôm sau cô Tơ ở buồng giam bên cạnh, buồng cũng nhỏ như buồng giam của tôi, nhưng không bị khóa cửa, cô Tơ quê ở Yên Khánh-Ninh Bình, cô đến nói chuyện với tôi một lúc, cô đưa 50 nghìn nhờ anh Đài đi mua lương khô 5 sao cho tôi, sau đó cô còn bảo tôi rằng: “để cô ra căng tin đặt bánh mì 1 tháng cho cháu ăn sáng” (bánh mì pate) tuy nhiên tôi đã từ chối đề nghị của cô, cô nói chuyện được một lúc thì bị đuổi đi ra xa khỏi buồng giam tôi. Mấy hôm sau anh Tiến ở La Phù- Hoài Đức cũng đến giám định, khi vừa đi qua buồng giam tôi, qua khe cửa anh đã nhận ra tôi, tôi không biết anh, anh nói anh ở nhà hay theo dõi Fb của tôi. Sau đó anh mang cho tôi mấy hộp bánh, mấy hộp sữa và 1 bao thuốc lá, anh cũng đề nghị đặt cho tôi xuất xôi 1 tháng để ăn sáng, nhưng tôi từ chối, ở đây gặp nhiều người yêu mến, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Ở viện có trên dưới 50 người đi giám định, người ra, người đến khá đông, hầu hết họ đến từ các trại tạm giam trên cả nước. nhiều người quý mến tôi, và họ cũng muốn chia sẻ với tôi, ở đây chỉ có mình tôi bị biệt giam với sự giám sát của cảnh sát 24/24h, về sau cũng có 1 người bị giam riêng, nhưng không bị giám sát, còn mọi người thì ở phòng chung, được tự do đi lại từ sáng cho đến 22h đêm, tôi rất muốn được ra sân đi lại, được hứng trọn ánh nắng cho làn da xanh xao của tôi, nhưng gần đến ngày về tôi mới được mở cửa buồng giam 2 lần, mỗi lần hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi đi đâu thì cảnh sát cũng đi theo.
Sau khi đến viện được 3 ngày thì tôi được 4 cảnh sát áp giải đi tét tâm lý và điện não đồ, đến phòng tét tâm lý 4 cảnh sát đứng ngoài cửa, cửa khép hờ, vào phòng tôi gặp nữ bác sĩ tuổi trạc 40, chị ấy nói với tôi rằng chị cũng ở Dương Nội, nhưng chị không nói địa chỉ cụ thể, khi chuẩn bị tét tâm lý, tôi đã nêu tình hình vụ án của tôi và những lập luận tôi đưa ra để bác sĩ hiểu rằng tôi hoàn toàn bình thường, tôi không mắc bệnh tâm thần, và nguyên nhân tôi có mặt ở đây tất cả chỉ vì tôi im lặng trong quá trình điều tra, tôi cũng nói thêm với bác sĩ rằng em còn hai đứa con nhỏ, nếu đưa ra kết luận giám định sai sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm, sinh lý của các con em, em mong chị và các bác sĩ ở đây, bằng lương tâm và trách nhiệm hãy đưa ra kết luận giám định khách quan”, bác sĩ trả lời tôi rằng “em cứ yên tâm, chị sẽ làm khách quan, những điều em vừa nói thì em cũng nói lại với bác sĩ phụ trách giám định em nữa nhé.”
Bác sĩ thực hiện tét tâm lý tôi bằng cách hỏi đáp nhanh 30 câu hỏi danh sách câu hỏi được in sẵn. Bác sĩ hỏi tôi rằng:
Em đã từng bị thôi miên chưa? – Đáp: “em chưa”. Sau đó bác sĩ bắt đầu đặt các câu hỏi, dặn tôi trả lời có hoặc không. 1: em có bị đau ở đâu không? – Đáp: không; 2: em có bị hoa mắt, chóng mặt không? – Đáp, không; 3 em có bị đau đầu, buồn nôn không? – Đáp: không; 4: em có nghĩ mình bị đau dạ dày không? – Đáp, không; 5: em có nghe, nhìn được không? – Đáp: có; 6 em có ăn ngủ được không? – Đáp: có; 7: em đi lại có bị mất thăng bằng không? – Đáp, không; 8: em có hay gặp ác mộng không? – Đáp, không; 9: em có lo lắng ai đó sẽ làm hại mình không? – Đáp: không; 10: em có nghĩ mình đáng bị trừng phạt không? – Đáp: Không; 11: em có tự trách bản thân mình về một việc gì đến mức không thể tha thứ cho bản thân mình không? – Đáp: không; 12: em có nghe thấy tiếng vove trong tai không? – Đáp: không; 13: đứng ở nơi đông người em có cảm thấy cô đơn không? đáp: không; 14: em có cảm thấy bồn chồn, lo lắng không? – Đáp: không; 15: em có bị bối rối khi gặp người khác không? – Đáp: không; 16: em có bị khó nói ra suy nghĩ của mình không? đáp: Không; 17: em có hay quên không? – Đáp, không; 18: em có nghiện bia, rượu không? – Đáp, không; 19: em có hạnh phúc không? đáp: có; 20: em có muốn hạnh phúc như người khác không? – Đáp: em không lấy hạnh phúc của mình đem so sánh với người khác, nhưng em muốn được hạnh phúc; 21: em có nghĩ mình được bạn bè yêu mến không? – Đáp: Có; 22: bố mẹ em có bằng lòng với các mối quan hệ của em không? – Đáp: có; 23: em có hay cáu gắt không? – Đáp: không; 24: Sau khi cáu gắt em có cảm thấy mình đã cáu gắt vô lý không? – Đáp, không; 25: em có bịa đặt, nói xấu ai không? – Đáp: không; 26: theo em lời nói và suy nghĩ thứ nào nhanh hơn? – Đáp: Suy nghĩ; 27: em có nghĩ có những tình huống phải nói dối để thành gặp phiền phức không? – Đáp: em không nói dối – vậy mọi người trong xã hội có những tình huống như vậy không? – Đáp: có; 28: em có gặp khó khăn khi xử lý công việc không? – Đáp: không; 29: em có bi quan không? – Đáp: không, em rất lạc quan; 30: em có hài lòng với cuộc sống của mình không? – Đáp: Có.
Sau khi trả lời nhanh các câu hỏi của bác sĩ, tôi đã kết thúc quá trình tét tâm lý, bác sĩ tỏ vẻ đồng cảm với tôi, tôi chào bác sĩ rồi ra cửa, 4 cảnh sát tiếp tục đưa tôi đến phòng điện não đồ, không chỉ lần đầu tiên tôi tét tâm lý, mà đây cũng là lần đầu tiên tôi trải qua điện não đồ. Tôi nằm trên chiếc giường y tế, các bác sĩ chụp vào đầu tôi 1 thiết bị đầu nối các dây từ máy tính vào thiết bị, tôi nhẩm trong đầu các con số từ 1 đến 100. Sau đó thì kết thúc các bước kiểm tra này. Tôi được đưa trở lại buồng giam, những ngày sau bác sĩ phụ trách nghiên cứu hồ sơ thực hiện tiếp xúc với tôi, bác sĩ gặp tôi nhiều lần và hỏi tôi rất nhiều câu, có một số câu hỏi liên quan đến vụ án của tôi thì tôi từ chối, tôi cũng nói rõ với bác sĩ rằng tôi từ chối trả lời là vì tôi vẫn còn ở trong giai đoạn điều tra, có hôm bác sĩ hỏi tôi rằng: anh bị thu hồi đất, anh cố sống cố chết đòi mảnh đất đó thì tôi còn hiểu được, tôi mà là anh tôi cũng làm vậy, nhưng anh không có lợi ích gì ở Đồng Tâm, thì nguyên nhân gì mà anh lại lên tiếng về vụ Đồng Tâm? Tôi trả lời bác sĩ rằng: Tôi không đặt nặng lợi ích kinh tế, và tôi lên tiếng về vụ Đồng Tâm là vì lương tâm, lương tâm không cho phép tôi im lặng.”
Vị bác sĩ nhẩm lại vài lần 2 từ lương tâm rồi đi ra.
Có hôm tôi đang ngủ trưa thì y tá gọi thật to hỏi ngày, tháng, năm sinh của tôi, vừa giật mình tỉnh giấc tôi phải trả lời câu hỏi của y tá, tuy nhiên tôi cũng không giận y tá vì đã phá giấc ngủ của tôi, tôi nghĩ đó là nghiệp vụ của y tá nhằm kiểm tra trí nhớ của tôi, chứ ngày tháng, năm sinh của tôi đã có trong hồ sơ của viện rồi.
Khoảng hơn 20 ngày sau thì các bác sĩ đưa tôi đi chụp MRI (cộng hưởng từ). Một y tá và 2 cảnh sát đưa tôi đi chụp MRI ở phòng khám 16A-Hà Đông, đến phòng khám không có chỗ đỗ xe, vì rất đông người đến khám, xe phải quay lại đỗ cách phòng khám tầm gần 100m. Vậy là tôi được đi dạo phố, đúng nghĩa, y tá đi trước và 2 cảnh sát đi sau tôi hôm nay tôi vẫn mặc chiếc áo in chữ viện giám định pháp y tầm thần TW và mặc chiếc quần tôi không biết dùng từ ngữ nào để miêu tả được, chiếc quần ngắn cũn, chỉ qua đầu gối vài cm, bó sát đùi, tôi đoán nhìn bộ dạng tôi, chắc ai cũng nghĩ tôi bị tâm thần thật.
Tôi bỏ khẩu trang ra, vừa đi vừa nhìn vào những quán ven đường tôi thấy bà chủ quán nhìn tôi, rồi quay ra thì thào với người trong quán, chắc họ thấy lạ mắt lắm khi nhìn thấy bộ dạng của tôi, lại bị áp giải bởi 2 cảnh sát đi đến phòng khám. Một y tá đo nhiệt độ cho tôi khi qua cửa, đến phòng chụp MRI, tôi nằm trên chiếc giường y tế. Y tá hỏi tôi “trước đây anh có bị ngã hay chấn thương ở đâu không?” Tôi trả lời không? Sau đó y tá đẩy chiếc giường đưa tôi vào phòng chụp MRI. Y tá lắp máy chụp sát vào đầu tôi, sau đó đóng cửa lại, người phụ trách chụp MRI hôm đó mang hàm đại tá, sau khi chụp xong tôi ra ngoài ngồi, y tá đợi lấy kết quả. Tôi gỡ bỏ khẩu trang, nhiều người nhìn tôi vẻ tò mò, tôi cũng hi vọng gặp người quen, gặp ai đó biết tôi, nhưng chẳng có ai cả.
Sau khi có kết quả chụp MRI, tôi hỏi y tá là tôi bị sao không, y tá nói anh không có vấn đề gì đâu, tôi tạm yên tâm. đến ngày 29-3-2021 tôi được đưa đi thực hiện bước cuối cùng là giám định, y tá nói tôi phải cắt móng tay đi mới giám định được. Tôi thấy lạ và tự hỏi móng tay thì liên quan gì đến giám định. Sau này tôi mới hiểu. Sau khi cắt móng tay tôi được y tá và 2 cảnh sát dẫn vào 1 căn phòng, chờ đợi tôi là hội đồng giám định gồm 3 người. Một bác sĩ phụ trách nghiên cứu hồ sơ ngồi phía bên phải tôi, bên trái tôi là bác sĩ trưởng khoa, và người ngồi chính giữa tôi không biết là ai. Có nhiều người sau này nói với tôi đó là giám đốc viện giám định pháp y.
Bác sĩ ngồi bên phải hỏi tôi nhiều câu hỏi mang tính kiểm tra trí nhớ, và bác sĩ này cũng là người tốc ký, ghi lại cuộc hỏi đáp giữa tôi và các bác sĩ, bác sĩ ngồi bên trái hỏi tôi nhiều câu hỏi xoáy, nhằm đưa tôi vào thế khó trả lời. Tuy nhiên tôi vẫn trả lời thuyết phục tỉ như khi tôi đề cập đến nghị định các căn cứ để chúng tôi khiếu kiện đất đai thì bác sĩ trưởng khoa lại hỏi tôi rằng “Nghị định là của bộ nào đưa ra nhỉ?” Tôi trả lời rằng “bộ không có thẩm quyền đưa ra Nghị Định, mà chỉ có chính phủ mới có quyền đưa ra Nghị Định”, bác sĩ cũng hỏi tôi nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án của tôi, nhưng tôi từ chối trả lời với lý do chưa kết thúc giai đoạn điều tra.
Sau khi trả lời các câu hỏi của hội đồng giám định và đưa ra lập luận, căn cứ về vụ việc khiếu kiện đất đai của chúng tôi, và kết thúc hỏi đáp. Tôi cũng đã nhấn mạnh rằng, tại Dương Nội chúng tôi, có nhiều người thành đạt, có nhiều người cũng vào ngành y như các vị bác sĩ đây, tất cả cũng từ mảnh ruộng, từ cây lúa mà trẻ em được cắp sách đến trường được thành đạt. Sau đó bác sĩ ngồi chính giữa nói với tôi rằng: cháu nói rất thuyết phục và cháu có trí nhớ rất tốt, không phải ai cũng có thể nhớ được hết các mốc thời gian và sự việc như cháu rồi bác sĩ nói rằng: “có lẽ vậy thôi nhỉ”, bác sĩ bên phải lại hỏi tôi một lần nữa trước khi kết thúc giám định “em nói lại tất cả các ngày làm việc với cơ quan ANĐT”, tôi trả lời rằng: “các ngày làm việc là ngày 24-6, 30-6, 9-7, 25-8, 9-9, 21-10, 27-10, 10-11, 2-12, 25-12 năm 2020; ngày 9-2-2021. Bác sĩ ghi lại, rồi bác sĩ ngồi giữa hỏi tôi rằng: “cháu có đề nghị gì không?” – Đáp: cháu đề nghị các bác sĩ liên lạc với gia đình cháu, nhắn gia đình cháu gởi tiền lưu ký cho cháu (lưu ký không quan trọng mà tôi cần thông báo cho gia đình tôi biết là tôi đang ở đây) và đề nghị mở cửa buồng giam cho cháu ra gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Bác sĩ trưởng khoa nói rằng “mai về rồi”.
Sau khi kết thúc giám định tôi cảm thấy đỡ lo lắng hơn, các bác sĩ đã có phản hồi tốt đối với tôi, đến sáng hôm sau thì cơ quan ANĐT đến đưa tôi về trại tạm giam Hoả Lò. (Ngày 30-3-2021). Tôi vẫy tay chào mọi người; bé Quý một cô gái ở quận Hoàng Mai, người hay xách nước cho tôi, và hay mời tôi ăn kẹo dồi cũng vẫy tay chào tôi và dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp, cô Tơ hẹn tôi về thì đến nhà cô chơi…
Tôi bước chân ra khỏi viện sau 1 tháng ở đây, lúc này tôi vẫn không nhận được kết luận giám định hoặc thông báo rằng tôi có bị mắc bệnh tâm thần hay không, thời gian giám định này tôi đã phải chịu áp lực vô cùng lớn, bệnh tâm thần không phải là điều gì xấu, nhưng một người đang bình thường mà bị kết luận là bị mắc bệnh tâm thần thì đó quả là điều khủng khiếp để lại hệ quả rất lớn, trong buồng giam có một ít dầu gội tôi xin được, tôi quét dầu gội lên tường gạch hoa và cuộn cái vỏ lương khô lại để viết. Tôi viết tất cả các câu hỏi của bác sĩ, các câu trả lời và mọi thông tin liên quan lên tường, tôi chuẩn bị sẵn phương án để chứng minh cho các bác sĩ thấy rằng tôi không có biểu hiện tâm thần và tôi đặt ra 2 giả thiết: 1. Tôi bị kết luận là mắc bệnh tâm thần, 2. Tôi được kết luận là không mắc bệnh tâm thần. Nếu các bác sĩ kết luận là tôi không bị mắc bệnh tâm thần thì tôi không phải suy nghĩ gì nữa, nhưng nếu kết luận tôi bị bệnh tâm thần thì tôi phải làm gì? Tôi tự hỏi mình rồi vạch ra các phương án ứng phó phù hợp với tình huống này.
Xe đưa tôi về Hỏa Lò đi qua Dương Nội, nhà tôi chỉ cách đường Lê Trọng Tấn tầm 100m, tôi tự hỏi không biết vợ tôi làm gì, tôi cứ nhìn về phía nhà tôi, không biết vợ tôi có cảm nhận được tôi đang ở rất gần không…
Khi về đến Hỏa Lò, quản giáo bất ngờ khi thấy tôi về sớm, bởi lệnh trích xuất tôi là 3 tháng, quản giáo N.Q. Điển đã nói với tôi rằng: “Vừa rồi tôi nhận được công văn yêu cầu tôi nhận xét anh có biểu hiện tâm thần không tôi có văn bản trả lời là anh sinh hoạt bình thường, hòa đồng, không có biểu hiện gì bất thường.” Tôi đã nói lời cảm ơn quản giáo, quản giáo nói tôi “chỉ đưa ra nhận xét khách quan thôi “.
Đến ngày 15-6-2021 tôi mới nhận được bản KLĐT, đọc bản kết luận điều tra, lúc này tôi mới chắc chắn là các bác sĩ đã kết luận tôi không mắc bệnh tâm thần, bản KLĐT ghi: “Ngày 29-03-2021, viện giám định pháp y tâm thần trung ương -Bộ y tế có kết luận giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu số 84/KLGĐ kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội (vào các ngày 09; 10; 11/01/2020) và tại thời điểm giám định bị can Trịnh Bá phương không có bệnh tâm thần. Tại các thời điểm trên bị can Trịnh Bá Phương đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi năng lực trách nhiệm hình sự của bị can Trịnh Bá phương thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.”
Tôi rất vui mừng khi biết được kết luận này, những biện pháp tôi vạch ra để ứng phó với viện giám định pháp y đã không cần phải xử dụng nữa. Tôi chia sẻ niềm vui với các anh em tù, nhiều người hiểu vấn đề thì họ biết đây là kết luận tốt cho tôi, nhưng cũng có vài người lại còn mong muốn có bệnh án tâm thần, họ cầu được miễn, giảm trách nhiệm hình sự.
Những ngày sau đó tôi tiếp tục tập thể dục đều, nhưng thời gian tập ít hơn những ngày ở viện pháp y, ở viện tôi tập thể dục từ 4-6h ngày, lúc ra viện tôi cân chỉ còn 59kg, lúc mới bị bắt tôi cần được 68kg.
Thu thương thư này gồm 5 trang, em nhận thư mà thiếu thì cho anh biết nhé, gia đình mình cũng cần biết rõ quá trình anh đi giám định tâm thần.
Thư cũng khá dài rồi, anh dùng bút đây, tạm biệt vợ yêu.
An Điểm ngày 23-12-2022
Trịnh Bá Phương.
Tái bút: Thư này anh viết sang ngày hôm sau nên để ngày 23-12 nha em.
Còn một điều trong thư anh quên ghi là ở viện anh cũng đã được đưa đi xét nghiệm máu, nhưng anh không được xem kết quả xét nghiệm.
Leave a Comment