Cát Tường (VNTB)
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần phải đọc sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế.
Trao đổi với báo chí ở ngày phát hành cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhìn nhận đây là một cẩm nang về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Để cẩm nang đi vào cuộc sống, tạo thành một xu thế, phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì trước hết mọi người phải biết, phải hiểu, nhận thức sâu sắc, đầy đủ về nội dung cuốn sách, từ đó vận dụng và thực hiện trong thực tế.
Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và người dân ở địa phương, đơn vị mình. Không chỉ có sách giấy mà bản điện tử của cuốn sách đã được cung cấp miễn phí để mọi người có thể truy cập, tìm hiểu” – ông Nguyễn Thái Học phát biểu mang tính “định hướng tuyên truyền”.
Các phát biểu mang tính chính trị ở trên trong ngợi ca về một cuốn sách ở ngày phát hành linh đình của tác giả Nguyễn Phú Trọng, theo ý kiến của một cựu biên tập viên từng làm việc ở nhà xuất bản Công an nhân dân, thì các bên liên quan dường như đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết của việc nhất quán trong chính sách thực phi pháp luật.
“Tôi cho rằng khi Đảng đã yêu cầu sửa đổi luật pháp về phòng, chống tham nhũng, thì chuyện giờ đây Đảng lại yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải đọc sách viết về quan điểm phòng, chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để biết cách phòng, chống tham nhũng như lời của ông Nguyễn Thái Học – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, nếu đó không phải là việc nịnh nọt ông Tổng bí thư của cá nhân ông Học, thì đây sẽ là một thất bại trong quản trị quốc gia, khi pháp luật được đứng sau các quan điểm chưa được kiểm chứng của một cá nhân” – vị cựu biên tập viên kể trên, có lưu ý như vậy.
Lưu ý này được viện dẫn từ căn cứ của “Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do Ban Nội chính Trung ương ban hành, có số hiệu: 1949-CV/BNCTW, ngày ban hành và hiệu lực: 12-04-2022.
Trong văn bản trên có đoạn nhân danh Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu:
“Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán,…; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Như vậy, thay vì người đứng đầu Đảng tốn công nhọc sức để viết sách – kiểu như một luận thuyết tư tưởng về phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì hãy để chuyện đó được quản trị như cả thế giới đang làm là dùng pháp luật tương ứng để điều chỉnh.
Sẽ thiết thực hơn nhiều khi người đứng đầu Đảng đầu tư trí tuệ cho soạn thảo luật về đảng chính trị, vì đây là điều tối cần thiết cho hiệu quả mọi hoạt động điều hành. Bởi như chính cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận: đảng viên tham nhũng đang là giặc nội xâm.
Vậy tại sao không điều chỉnh mọi hành vi của đảng viên bằng một luật pháp về đảng thật chính quy, danh chính ngôn thuận; đồng thời chỉ khi ấy mới thực thi được nội dung Điều 4.3 “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”./.
Leave a Comment