Đừng biểu diễn

- Quảng Cáo -

Lưu Trọng Văn

Phải thừa nhận rằng tại các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây hệ thống an sinh xã hội cho công nhân rất tốt. Các kí túc xá dành cho công nhân miễn phí, người lao động không phải mất tiền ở và tiền đi lại từ kí túc xá đến công xưởng.

Gã từng thăm và ở các kí túc xá công nhân trẻ chưa lập gia đình tại Liên Xô, Bungari, Balan, Đông Đức, Tiệp Khắc, trung bình một phòng hiện đại có hai hoặc ba công nhân ở. Bếp, vệ sinh tập thể, sân chơi, câu lạc bộ, phòng đọc sách, sân vận động đâu đó.

Năm 1975 gã thấy nhiều nhà máy thuộc Việt Nam Cộng Hòa có các chung cư cho gia đình công nhân của mình. Nhiều nhà máy cấp đất hoặc căn hộ cho công nhân tay nghề cao, cho cán bộ quản trị của nhà máy.

- Quảng Cáo -

Rất tiếc các chế độ đặc biệt về nhà ở trên cho công nhân sau 1975 không còn được các nhà máy, khu công nghiệp, công đoàn thực sự quan tâm nữa.

Tình hình an sinh của công nhân đã đến lúc phải liên tục hú còi báo động. Đặc biệt chỗ ở đang là mối lo hàng đầu đối với hàng triệu công nhân. Tất cả công nhân đều phải tự túc lo chỗ ở của mình. Nhà nước chưa hề có chính sách ưu tiên để công nhân được tiếp cận nhà trọ giá rẻ, điều kiện sinh hoạt tối thiểu chứ chưa nói đến nhà ở miễn phí.

Lương trung bình của công nhân nếu không tăng ca là 5-7 triệu/ tháng, họ phải trả trung bình 2 triệu/ tháng cho nhà trọ, điện, nước, chưa kể xăng xe đi lại.

Hãy tính đi, còn bao tiền để ăn, thuốc thang,dành dụm cho bố mẹ ở quê?

Nếu gia đình có con nhỏ nữa thì tiền ăn học cho con lấy đâu ra?

Vì thực trạng vậy, hàng triệu công nhân hiện nay phải vắt kiệt sức lao động, tăng ca gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, không ngày nghỉ, mới hy vọng tạm đủ tiền trang trải đời sống.

Gã theo dõi hoạt động của đa số lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ kể cả tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chưa thấy ai có cuộc tự mình đến các nhà trọ của công nhân hiện nay, coi họ-đại diện “giai cấp tiên phong lãnh đạo đảng”, sống, ăn ở ra sao?

Cụ Hồ chỉ nói thực tiễn chứ không ồn ào lý luận, dù trăm công ngàn việc, dù già yếu, hom hem cụ vẫn luôn dành thời gian thăm hỏi cuộc sống bà con nghèo trong đó có công nhân lao động. Một tết cụ Hồ tới nhà một lao động nghèo, người nữ thợ nghèo đã khóc: Bác ơi, sao Bác lại tới nhà con? Cụ Hồ bảo: Bác không tới bà con công nhân nghèo thì Bác tới ai?

Các vị luôn nói học tập theo gương cụ Hồ sao không học cái lõi đạo đức của cụ là Lòng thương Dân?

Vừa qua, thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Một trong vấn đề trọng tâm cuộc làm việc này là cải thiện nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo:

“Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện các giải pháp quyết liệt, giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động.

Bộ VH-TT-DL tích cực hoàn thiện các thiết chế, để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động và gia đình họ.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính không phải tự dưng nhấn mạnh:

“Ngay trong tháng 2, các bộ, ngành làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam, sâu sắc sát với tình hình thực tế, đưa ra mục tiêu, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, không hình thức, không biểu diễn”.

Người công nhân với trải nghiệm của mình quá hiểu rằng từ chỉ đạo của thủ tướng đến cái ngày ước mơ chỗ ở tử tế, giá rẻ của mình thành hiện thực còn xa vời vợi. Tuy vậy những gì thượng tầng đang cố gắng rục rịch, chút nào đó an ủi họ. Và điều hàng triệu công nhân mong muốn thì bất cứ ai cũng biết như thủ tướng đã biết: hãy hành động chứ đừng biểu diễn nữa!

- Quảng Cáo -