Chuyện tham nhũng ở Việt Nam

- Quảng Cáo -

Văn Toàn (NhậtKýYêuNước)

Chuyện tham nhũng ở Việt Nam là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” giờ chẳng ai quan tâm nữa, nhưng câu hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kiêm trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng Tiêu Cực, khiến người ta buồn cười.

Truyền thông trong nước cho hay, tại phiên họp thứ 21 của ban chỉ đạo này hôm 20 Tháng Giêng vừa qua, ông Trọng đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó? Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”

Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn,” càng chống càng lan tràn như khối ung thư di căn người dân ai cũng thấy, cũng ngán ngẩm, mà sao bây giờ ông Trọng vẫn còn thắc mắc?

- Quảng Cáo -

Câu hỏi mà ông nêu lên trước hội nghị có thể chân thành, thật thà, nhưng nó bộc lộ sự kém hiểu biết đến kinh ngạc của một nhà lãnh đạo chính trị hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống.

Cái gốc sinh ra tham nhũng không phải là lòng tham của con người mà là quyền lực. Là người, ai cũng ít nhiều có lòng tham nhưng không phải ai cũng có thể tham nhũng. Tham nhũng gắn liền với quyền lực, người không có quyền lực thì không thể tham nhũng dù rất muốn. Mà ở Việt Nam, quyền lực gắn liền với tấm thẻ đỏ của đảng viên Cộng Sản; không là đảng viên CSVN, không có thẻ đảng trong túi thì đừng mơ tới chuyện có quyền dù chỉ là chút quyền cỏn con cấp thôn xã. Quyền lực sinh ra tiền, tiền lại mua chuộc quyền lực, tạo ra sự câu kết chặt chẽ giữa đám quan chức của đảng và đám trọc phú đỏ, thành một hệ thống tội phạm thống trị và bóc lột người dân Việt Nam tới tận xương tủy.

Nói đâu xa, ngay trong thời gian dịch COVID-19, đã diễn ra những vụ tham nhũng có quy mô phạm vi và tác hại khủng khiếp như vụ bộ xét nghiệm của công ty công nghệ Việt Á hoặc chương trình tổ chức những “chuyến bay giải cứu” với giá trên trời để bắt chẹt những người Việt Nam xa quê cần trở về nhà. Tội phạm trong những vụ này – mà nhiều người cho rằng mới chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng khổng lồ trong cơ thể của chế độ – không ai khác hơn là đám quan chức cao cấp trong guồng máy cầm quyền; không có quyền thì chúng không thể lũng đoạn nhà nước như vậy.

Ông Trọng thắc mắc sao bọn tội phạm ấy “không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra.” Ô hay, ông tự xưng là nhà lý luận về chủ nghĩa Cộng Sản, hẳn ông không quên câu nói của Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa này: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm.” Marx viết câu đó cách đây 170 năm, vào buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản; bây giờ thì các nhà tư bản đã phải nhường thành tích bóc lột cho các quan chức Cộng Sản nhưng câu nói đó vẫn đúng ở chỗ khi có lợi nhuận cao thì người ta sẽ không từ thủ đoạn nào, bất kể tư bản hay Cộng Sản. Các quan chức “thẻ đỏ, tim đen” ở Việt Nam đang vơ vét lợi nhuận không chỉ 300% mà cao hơn gấp nhiều lần thì có treo cổ họ thì họ vẫn không chùn tay trước sức quyến rũ của đồng tiền.

Một ví dụ, công ty Việt Á nhập lậu bộ test-kit của Trung Quốc giá chỉ 21,500 đồng (95 cent) nhưng được độc quyền bán lại cho các cơ sở y tế trong cả nước giá 470,000 đồng ($20), lợi nhuận hơn 2,000%. Một vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam, bình thường dao động trong mức $500-$700, chính quyền của ông cấm các hãng máy bay nước ngoài để độc quyền đặt ra cái gọi là “chuyến bay giải cứu” với đủ thứ thủ tục nhiêu khê, bán vé giá $2,000-$5,000 thu lợi khoảng 400-800%. Lợi nhuận cao chất ngất như vậy thì làm sao họ xấu hổ, làm sao họ không “trơ” ra được? Chưa kể những vụ thông đồng cưỡng chế thu hồi đất của dân oan với giá bồi thường ngang với giá vài bát phở rồi bán lại cho các tư bản đỏ giá vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ bạc mỗi mét vuông như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm mới đây, thì dù có bị tru di tam tộc thì các quan chức Cộng Sản cũng không ngán.

Do kém hiểu biết, không nhận ra cái gốc của tham nhũng là quyền lực không kiểm soát nên ông Trọng rất nhiều lần đề cao cái gọi là “tu dưỡng đạo đức,” “phê và tự phê [bình],” “học tập và làm theo tấm gương đạo đức…” như là giải pháp chính. Tại cuộc họp nói trên, ông giải thích tình trạng tham nhũng lan tràn là do “công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực…” Từ đó, “tổng bí thư yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.” Ông Trọng đã không biết, hay giả vờ không biết đảng của ông càng quyết tâm thì tham nhũng càng dữ dội, giống như xoa dầu cù là để chữa bệnh ung thư trong gan ruột.

Ông phát động chiến dịch “đốt lò” từ năm 2016. Nhưng mấy năm qua, cái lò của ông lúc cháy lúc tắt, chỉ đốt được những nhánh củi bé bé, xử được một số quan chức tham nhũng cấp thấp và thực tế đã bị lạm dụng vào cuộc thanh trừng phe phái, loại trừ những ai không cùng vây cánh với ông và bao che cho những đồ đệ biết nịnh hót, cung phụng. Cái lò của ông đỏ hay tắt phụ thuộc vào tình trạng đấu đá tranh giành chức quyền giữa các phe nhóm chính trị hay nhóm lợi ích trong việc ăn chia quyền tham nhũng mà bị lộ ra cho công chúng thấy.

Ông ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết buộc cán bộ phải kê khai tài sản nhưng trong một guồng máy đã mục nát vì đồng tiền chẳng ai thi hành chỉ thị của ông, tất cả đều bị vô hiệu hóa. “Chống tham nhũng là ta đánh ta, khó lắm,” chính ông cũng phải thừa nhận như vậy.

Hầu như quốc gia nào cũng có nạn tham nhũng, ít hay nhiều, nhưng không đâu tham nhũng là quốc nạn thâm căn cố đế như ở Việt Nam. Ở các nước, người ta xử lý tham nhũng từ cái gốc của nó: phân chia và kiểm soát quyền lực sao cho người làm việc công không thể lạm dụng chức quyền để trục lợi cho bản thân, gia đình và phe cánh./.

- Quảng Cáo -