Quảng Cáo

Lãnh đạo vào lò, tiền dân có được trả lại không?

Quảng Cáo

Nguyễn Tuân

Gần 2.000 chuyến bay giải cứu, mỗi chuyến trừ chi phí thu lợi khoảng hai tỷ đồng. Tính ra khoảng 4.000 tỷ đồng.
4.000 tỷ đồng này là tiền của ai?

Của các Việt kiều, Việt… cộng chung số phận bị kẹt ở nước ngoài khi dịch bùng, gặp khó khăn trong cuộc sống, muốn về nước trốn dịch và phải đóng tiền để được có ghế trên các “chuyến bay giải cứu”.

Vậy, khi đã xác định các chuyến bay giải cứu là một kế hoạch làm tiền độc ác và gian trá với đồng bào gặp nạn thì phần tiền dôi dư phải được trả lại cho họ. Đó là đạo lý, là pháp luật.

Chứ không phải sung vào công quỹ.

Bạn tôi qua Mỹ chơi với chồng chưa cưới. Định đi một hai tháng. Dịch nổ ra, không đủ tiền và không thể mua được vé chuyến bay giải cứu, bạn kẹt lại Mỹ luôn một lèo ba năm. Đến tận tết này mới về được nhà. Nói thì hơi vô duyên, nhưng thật may mắn khi trong ba năm tình cảm của bạn và chồng vẫn khắng khít nên bạn vẫn có mái nhà che đầu và bánh mì mỗi bữa. Nếu không như thế, bạn sẽ hoàn toàn bơ vơ trơ trọi giữa xứ người, tiếng chưa rành, không tiền, không người quen thân, không nghề nghiệp có thể nuôi sống mình.

Con của nhiều người bạn tôi “may mắn” được về trong những chuyến bay giải cứu đầu tiên. Tụi nó đang học đại học, chương trình chuyển sang online khi dịch bùng. Bạn bè các nước hầu như về hết, cả ký túc xá chỉ còn vài đứa loe hoe tự nhốt trong các phòng, chỉ biết cắm đầu vào máy tính cho mọi nhu cầu học hành, giao tiếp và giải trí. Thời điểm đó không ai có thể đoán nổi dịch sẽ diễn tiến ra sao, chỉ thấy hết lệnh phong tỏa này tới lệnh phong tỏa khác nối tiếp nhau. Ba bốn tháng cô độc ở ký túc xá đủ làm cha mẹ và cả tụi nó đều muốn phát bệnh vì lo sợ. Thậm chí là nỗi sợ mất con, nếu nó chẳng may dính dịch trong hoàn cảnh cô đơn ở một đất nước có số người chết dịch lên đến hàng ngàn mỗi ngày.

Vậy là bao nhiêu tiền cũng chi để con được về nhà. Quay lại học tiếp hay không chỉ là thứ yếu. Chỉ cần con thoát được ổ dịch, về nhà an toàn cùng cha mẹ, nếu cả nhà mắc bệnh, thậm chí chẳng may chết vì dịch cũng được ở bên nhau!

Bây giờ, khi COVID đã trở thành quen thuộc như một cơn cảm lạnh với dân Việt Nam, có người lần lượt dính đủ mặt các biến chủng SARS-COV-2 vẫn phà phà đi công tác, đi du lịch như đi chợ… thì ý nghĩ đó nói ra nghe có vẻ ủy mị làm sao. Nhưng đó là tâm lý có thật của rất nhiều gia đình ở thời điểm cách đây ngót nghét 20 tháng.

Bao nhiêu tiền cũng chi!

Trang web của Bộ ngoại giao, Hãng hàng không quốc gia, Đại sứ quán…. có đủ các thông tin và mẫu điền yêu cầu mua vé chuyến bay giải cứu, nhưng gọi điện thoại đến lãnh sự hay đại sứ quán hầu như không bao giờ được cầm máy. Mớ thủ tục thì rắc rối và vô lý đến nỗi  không thần thánh nào thể tuân thủ được. Thế là có ngay hàng chữ xinh xinh phía dưới:

“Các gói dịch vụ, hỗ trợ trọn gói các dịch vụ công văn”.

Biết bị móc túi đau đớn đấy nhưng vẫn phải nghiến răng. Bao nhiêu tiền cũng chi để cứu mạng! Được người ta nhận cho còn òa khóc vì quá vui mừng.

Về đến Việt Nam, bị nhốt tiếp vào các khu cách ly hay các khách sạn làm dịch vụ cách ly, giá lưu trú, giá vé xe di chuyển, giá xét nghiệm PCR… đều đắt gấp ba gấp bảy. Thế nhưng cũng chỉ ở vài nơi, vài việc bị móc túi thái quá như cho ăn suất ăn không an toàn, bị ngộ độc, phòng ốc quá dơ bẩn, hay bị cách ly đến trên 30 ngày… mới có người thắc mắc. Còn hầu như tất cả đều cảm thấy biết ơn.

Cũng như khi mới có vắc-xin. Vắc-xin thời điểm đó chính là mạng sống. Đến nỗi người ta không nhịn được mà phải khoe lên trên mạng việc mình được ưu tiên tiêm trước vì quen anh Bảy, anh Ba.

Cũng như khi dịch bùng phát.

Tôi nhớ những thây người chết ngồi ngay trên ghế salon nhà mình. Chỉ cách đó một mét, người vợ lử lả cạnh bình ôxy ngửa đầu ra sau thở dốc. Những thân người la liệt xếp lớp như cá phơi trong sân bệnh viện giữa cảnh trên trời mưa dội xuống, dưới chân nước trào lên. Những kiếp người ôm chiếc bình ôxy như ôm chân Đức Chúa, cô độc còng queo trong những con hẻm hẹp chỉ đủ một người đi qua, nửa thân vùi trong bóng tối  mịt mùng, chỉ trên cao có chút ánh đèn vàng heo hắt. Những hàng người ôm bình tro cốt đi vào khu xóm nghèo, nhà nào cũng có một, hai, thậm chí ba bốn bình tro để nhận. Những lời kêu cứu dằng dặc suốt ngày đêm vì thiếu ăn, không có ôxy thở. Rau quả ở vùng trồng bị bỏ khô cháy, thối rữa vì không thể mang đi bán trong khi nơi tập trung dân cư phải nâng niu từng cọng rau muống. Heo gà, cá tôm chết già trong chuồng dưới ao với cùng lý do. Tài xế xe chở hàng rởn gai ốc vì bị chọc mũi mỗi ngày vài lần: chở vào địa phương: chọc; chở ra địa phương: chọc tiếp. Doanh nghiệp khóc lặng vì cơ nghiệp tan tành. Hàng ngàn đứa trẻ mồ côi.

Đau thương, mạng sống, thiệt hại không kể xiết về  tiền của, cơ hội học hành, làm việc, kinh doanh… của người dân, của cả đất nước này… hóa ra lại là cái giá để đổi lấy tiền muôn bạc vạn cho gia đình lãnh đạo.

Thế mà giờ đây họ có thể an yên thôi giữ chức, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Tuy mất vài năm vơ vét nhưng bù lại được rũ sạch mọi việc, đắc chí rung đùi ngồi ăn khối tài sản cực lớn hút từ máu người dân. Tiền của người dân mất vẫn mất, sinh mạng đã ra đi phải ngậm miệng chết oan ư?

Trời ơi đâu ra cái lý khốn nạn ấy?

Không thể chấp nhận hạ cánh an toàn. Không thể chấp nhận một bè lũ tội phạm khốn nạn đến tận cùng lại được chùi sạch tất thảy tội lỗi, chui thoát khỏi mọi trừng phạt và đền bù chỉ bằng vài dòng mờ mịt qua loa kiểu “có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng” hay “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”.

Để công bằng với chính họ và với người dân cả nước, tất cả những hành vi, sai phạm … phải được nêu rõ trước pháp luật, được soi xét công khai bằng pháp luật, quy định đền bù bằng pháp luật, và trừng trị bằng pháp luật.

Vi phạm gì? Khuyết điểm ra sao? Gây hậu quả rất nghiêm trọng đến mức nào? Trách nhiệm trước Đảng là trách nhiệm gì? Trách nhiệm trước nhân dân là trách nhiệm gì? Trách nhiệm đó phải được khắc phục bằng cách nào? Có hay không việc che chắn, thông đồng, ăn hối lộ, tổ chức ăn chia, làm trùm cuối… như vô số lời đồn đoán? Nếu có thì là bao nhiêu? Việc thôi giữ chức, nghỉ hưu, nghỉ công tác… chỉ là những biện pháp hành chính, chỉ có thể tính là biện pháp bổ sung, không thể tính là trừng phạt. Nếu vi phạm pháp luật, bất cứ ai cũng phải bị xử lý theo pháp luật. Cụ Tổng Trọng đã nói như thế, hình như rất nhiều lần.

Đảng không thể đứng ngoài pháp luật. Đảng viên, lãnh đạo vi phạm pháp luật, ngoài bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền thì phải bị xử lý theo pháp luật và công khai quá trình, kết quả xử lý như với mọi công dân khác. Sự nghiêm minh của luật pháp là ở đó chứ không phải là kết quả được thông báo từ một vài cuộc họp bất thường và bí mật, mà ở đó người ta nói ất giáp gì cũng chẳng một nạn nhân nào được biết để mà đòi công lý.

________________

Tham khảo:

https://congan.com.vn/tin-chinh/quoc-hoi-mien-nhiem-chuc-vu-chu-tich-nuoc-voi-ong-nguyen-xuan-phuc_142546.html

https://tuoitre.vn/ly-do-mien-nhiem-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-vu-duc-dam-2023010916265009.htm

https://tuoitre.vn/bao-nhieu-quan-chuc-nhan-hoi-lo-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-20221223145003173.htm

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux