Quảng Cáo

Rộ tin đồn Nguyễn Xuân Phúc mất ghế chủ tịch nước

Quảng Cáo

Hiếu Chân (SGN)

Mạng xã hội ở Việt Nam mấy hôm nay rộ lên tin ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Việt Nam, sẽ bị mất ghế trước Tết Quý Mão vì gia đình ông liên quan tới đại án tham nhũng “bộ xét nghiệm Việt Á”.

Bà Lê Nguyễn Hương Trà, một người viết facebook thường đưa tin về chính trị cung đình ở Hà Nội, đã viết trên trang cá nhân ngày 14 tháng Giêng 2023: “Căng thẳng và kịch tính đến tận những phút cuối cùng, ngôi sao CLB bóng đá Quảng Nam đã bị rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu. Anh chuẩn bị rời sân, chấm dứt sự nghiệp cầu thủ nhà nghề.” Trước khi ra Hà Nội đảm nhiệm những chức vụ cao trong đảng và chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và được coi là một trong vài nhân vật Quảng Nam leo cao nhất về chính trị.

Có những nguồn tin khác chưa kiểm chứng được trên mạng xã hội nói quyết định bãi nhiệm ông Phúc sẽ được đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) công bố vào ngày thứ Ba 17 tháng Giêng – chỉ bốn năm ngày trước Tết Nguyên đán – và người lên thay ông ở chiếc ghế chủ tịch nước là Thượng tướng Tô Lâm, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tuy nhiên, do ông Phúc là một trong “tứ trụ” của chế độ nên việc bãi chức ông phải được Ban chấp hành trung ương đảng CSVN và Quốc hội bù nhìn của Việt Nam bỏ phiếu chấp thuận trong các hội nghị bất thường. Một người viết facebook có tiếng khác là ông Bùi Thanh Hiếu đưa tin Trung ương đảng CSVN sẽ họp vào ngày 17 (thứ Ba), sau đó Quốc hội họp ngày 18 (thứ Tư) để công bố các quyết định liên quan tới ông Phúc.

Thông tin ông Phúc bị bãi chức và ông Tô Lâm lên thay hiện chỉ là lời đồn đoán của dư luận, chúng tôi không kiểm chứng được và đưa tin với sự dè dặt cần thiết để bạn đọc lưu ý.

Thật ra thông tin ông Nguyễn Xuân Phúc có thể bị ngã ngựa vì vụ tham nhũng Việt Á đã rộ lên từ lâu, khi nghi phạm quan trọng nhất của vụ án là Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc công ty Việt Á bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra cuối năm 2021. Lần theo hành tung của nghi phạm này, người ta thắc mắc ai là “trùm cuối” của một kế hoạch tàn bạo, lũng đoạn nhà nước để trục lợi; ai là người sở hữu 80% cổ phần của công ty Việt Á và có đủ thế lực để vận động chính phủ cộng sản Hà Nội phải quyết liệt bắt buộc toàn dân phải “ngoáy mũi”, tạo điều kiện cho Việt Á cấu kết với chính quyền các tỉnh thành tiêu thụ lượng “test-kit” khổng lồ có nguồn gốc từ Trung Quốc, phẩm chất đáng ngờ nhưng được bán với giá cắt cổ.

Vụ tham nhũng bộ xét nghiệm Việt Á bị đổ bể vào ngày 17 tháng Mười Hai 2021, nhưng do chính phủ của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính có dấu hiệu bao che cho các quan chức ngành y tế và khoa học công nghệ có vai trò quyết định trong vụ án nên ngày cuối năm 2021, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực – một ban của đảng CSVN do ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng chủ trì với Bộ Công an giữ vai trò hành động – quyết định “đưa vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo” mà không để cho chính phủ của ông Chính điều tra nữa. Những ngày sau đó, lần lượt nhiều quan chức của các bộ Y tế và Khoa học Công nghệ, chính quyền các địa phương… bị bắt giam, đỉnh điểm là các ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bị tra tay vào còng số tám.

Đến lúc đó, vụ Việt Á không chỉ là một vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi mà bắt đầu có mùi đấu đá trên thượng tầng cai trị ở Hà Nội. Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng, với quy mô và tính chất của vụ trục lợi, ông Long, ông Anh có thể chưa là “trùm cuối” mà phải có một thế lực cao hơn nữa, điều khiển được cả hai ông bộ trưởng này phục vụ cho kế hoạch hút máu đồng bào tàn bạo của họ; nghĩa là phải có ít nhất một nhân vật trong hàng ngũ “tứ trụ” ngồi trong bóng tối điều binh khiển tướng mà ngay cả các bộ trưởng cũng không tránh né được.

Mọi con mắt đổ dồn vào ông Thủ tướng Phạm Minh Chính – người ra lệnh bắt buộc xét nghiệm toàn dân, thần tốc! Một luồng dư luận khác cho rằng “trùm cuối” là bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – một người có tai tiếng lạm dụng chức vụ và quyền hạn của chồng để trục lợi. Vụ tham nhũng Việt Á xảy ra trong thời gian ông Phúc làm thủ tướng và sau đó là chủ tịch nước từ tháng Tư 2021, ông Chính lên thay và đẩy mạnh chính sách “chống dịch như chống giặc” của người tiền nhiệm. Liệu có sự cấu kết giữa ông Chính với gia đình ông Phúc để tiếp tục thi triển cái kế hoạch trục lợi mang tên Việt Á hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Tín hiệu rõ nhất cho sự ngã ngựa của ông Phúc là trong những ngày đầu năm 2023, cơ quan điều tra đã bắt thêm một số nhân vật liên can tới vụ Việt Á và thân cận với gia đình ông Phúc. Ngày 4 tháng Giêng 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, 55 tuổi – một giáo viên đã nghỉ hưu và bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, 45 tuổi giám đốc công ty SNB Holdings bị khởi tố và bắt tạm giam với cùng một tội danh: “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Theo nguồn tin trên một tờ báo ở hải ngoại, bà Thủy là em chú bác với ông Phúc, còn bà Linh là bạn thân với con gái ông Phúc, bà Nguyễn Thị Xuân Trang, và bà Trang cũng được cho là người nắm quyền sở hữu của mạng lưới công ty SNB Holdings. Những thông tin về bà Thủy và bà Linh chưa thể kiểm chứng được và cũng chưa rõ hành vi “lợi dụng ảnh hưởng…” của hai bà này cụ thể như thế nào.

Ngày 14 tháng Giêng 2023, Ban Bí thư trung ương đảng CSVN cũng đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng và quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ở cương vị này, ông Dũng là phụ tá thân cận nhất của ông Nguyễn Xuân Phúc, điều hành công việc hàng ngày của văn phòng thủ tướng suốt nhiệm kỳ của ông Phúc (2016-2021).

Mọi ngả đường dường như đang dẫn về một mối. Ông Nguyễn Xuân Phúc, 68 tuổi, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là chủ tịch nước thứ mười của Việt Nam. Ông cũng đang kiêm nhiệm các chức danh phụ như chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Liệu ông có giữ được những chiếc ghế này cho đến sau Tết Quý Mão 2023 hay không vẫn chưa biết được, nhưng có nhiều phần là sự nghiệp chính trị của ông đã đến lúc hạ màn và không chừng còn phải chịu thêm nhiều tai họa sát thân khác./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux