Người Tân Định (VNTB)
“Việt Nam xếp thứ 30 trong nhóm quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”
Báo Nhân Dân: Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam [sic]- ngày Thứ Ba, 03/01/2023, trịnh trọng đưa lên bản tin “Việt Nam xếp thứ 30 trong nhóm quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.
Báo Nhân dân đã lập lờ đánh lận con đen khi đặt tiêu đề có tính che mắt người đọc. US News & World Report năm 2022 khảo sát tình trạng về nhiều phương diện trong đó có phần power, mà báo Nhân Dân dịch là hùng mạnh, của nhiều quốc gia.
US News & World Report định nghĩa power của một quốc gia là mức độ tin tức liên quan đến nước này được lưu ý trên thế giới, mức độ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách bận và mức độ tác động đến các mô hình kinh tế toàn cầu. Chính sách đối ngoại và ngân sách quân sự của họ được các nước liên quan theo dõi một cách cẩn thận. Khi họ đưa ra lời cam kết, ít nhất một số người trong cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng họ sẽ giữ lời cam kết đó. Các quốc gia này có ảnh hưởng đến thế giới. Việt Nam xếp thứ 30 trên tổng số 85 quốc gia.
5 quốc gia có power được xếp hàng đầu trong năm 2022 kể theo thứ tự Mỹ, Trung quốc, Nga, Đức, Anh. Còn nếu thêm cho đủ chục hàng đầu thì là Nam Hàn, Pháp, Nhật, United Arab Emirates, (Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc A Rập Thống Nhất và Do Thái. Như thế với thứ hạng 30 Việt Nam chỉ trên trung bình trong bảng xếp hạng. Báo Nhân Dân, tiếng nói của Đảng CS và nhà nước Việt Nam, nói Việt Nam nằm trong những nước hùng mạnh nhất là xảo ngôn.
Càng dối trá hơn nữa khi tờ Nhân Dân viết thêm Bảng xếp hạng những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới do US News & World Report công bố, đánh giá khách quan mức độ ảnh hưởng của các quốc gia, chính sách đối ngoại cũng như sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của nước đó trên khắp thế giới.
Việt Nam được xếp hạng 30 về power, nhưng còn nhiều mặt khác bị xếp hạng rất thấp, thậm chí ở mức gần chót trong các nước được đánh giá.
Đánh giá tổng quát (Overall Rank) Trong năm 2022, US News & World Report xếp VN vào hạng thứ 47 trên 78 quốc gia được khảo sát, tụt 7 hạng so với năm 2021. Việt Nam bị xếp hạng dưới nhiều nước thuộc vùng Đông Nam Á như Singapore hạng 19, Thái 28. Mã Lại 39, Indonesia 41, Philippines 46 (2).
Báo cáo của US News & World Report viết:
Những cải cách chính sách kinh tế “Đổi mới” bắt đầu từ năm 1986 đã giúp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuyển đổi sang một quốc gia hiện đại hơn, cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp, vốn từng độc quyền trong nền kinh tế, đang mất dần vị thế khi quốc gia nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững thông qua thương mại và công nghiệp cởi mở hơn, bao gồm chế biến thực phẩm, sản xuất hàng may mặc, chế tạo máy và khai thác mỏ. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại nổi bật nhất của quốc gia này, một vị trí được củng cố bởi chuyến thăm của cựu Tổng thống Obama tới nước này vào năm 2016.
Những tiến bộ tương tự đã không được thực hiện trong lĩnh vực nhân quyền. Biểu hiện chính trị và tôn giáo bị kiểm soát chặt chẽ, và những quan điểm bất đồng chính kiến bị trừng phạt nghiêm khắc. Các dân tộc thiểu số đặc biệt dễ bị tổn thương. Mặc dù mức độ đói nghèo nhìn chung đã giảm nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch kinh tế rõ rệt giữa thành thị và nông thôn.
Về giáo dục (Education)
Việt Nam xếp hạng thứ 62 trong 78 nước, thua cả Azerbaijan, một nước có GDP 54,6 tỷ đô la so với Việt Nam 363 tỷ.
US News đánh giá giáo dục dựa vào các tiêu chí như quốc gia đó liên quan đến việc họ có hệ thống giáo dục công phát triển tốt hay không, liệu mọi người có cân nhắc việc theo học đại học ở đó hay không nếu quốc gia đó có các trường đại học chất lượng hàng đầu.
Việt Nam đã không thực hiện các quyền về giáo dục của con người mà hiến pháp của họ đã quy định, mặc dù phải trả tiền học phí rất cao dù hiến pháp của họ quy định miễn phí cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, sự đáp ứng nhu cầu, chất lượng học tập của chính phủ cho người dân vẫn thuộc loại rất thấp. Giáo dục và y tế công cộng không phát triển. ĐCSVN không giáo dục về nhân quyền như một giá trị cao quý có ý nghĩa phổ quát đối với loài người, mà gắn liền nhân quyền với lợi ích của chủ nghĩa cộng sản.
Nuôi dậy trẻ em (Raising Children)
VN bị xếp hạng tệ hại trong bảng đánh giá các quốc gia nuôi dạy trẻ em với hạng 69/78 nước, dưới hầu hết các quốc gia vùng Đông Nam Á, chỉ hơn Kampuchia. Năm trước, tại phiên rà soát của Uỷ ban LHQ về Quyền Trẻ Em với Việt Nam, Việt Nam khoe khoang là nước có chính sách bảo vệ trẻ em rất tốt, nhưng đã không trả lời được các câu hỏi thực tế về quyền trẻ em Việt Nam bị vi phạm của Ủy Ban này.
Chất lượng cuộc sống (Quality of Life)
US News xếp hạng phụ về Chất lượng Cuộc sống dựa trên điểm trung bình liên quan đến chất lượng cuộc sống ở một quốc gia: giá cả phải chăng, thị trường việc làm tốt, kinh tế ổn định, gia đình thân thiện, bình đẳng thu nhập, chính trị ổn định, an toàn, hệ thống giáo dục công phát triển tốt và hệ thống y tế công cộng phát triển tốt. Phần này, Việt Nam chỉ được xếp hạng thứ 40 với số điểm rất thấp 17,5/100, thua nhiều nước vùng ĐNÁ như Singapore, Mã Lại, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chỉ hơn được Miến Điện.
Mục đích xã hội (Social Purpose) Việt Nam lại chỉ được điểm thấp hơn nữa, 1,9/100 và xếp hạng 78, gần chót bảng về việc chính quyền quan tâm đến nhân quyền, môi trường, bình đẳng giới, tự do tôn giáo, tôn trọng quyền sở hữu, quyền lực chính trị đáng tin cậy và được phân bổ hợp lý. Các thuộc tính khác bao gồm bình đẳng chủng tộc, quan tâm đến quyền động vật, cam kết thực hiện các mục tiêu khí hậu và cam kết thực hiện công bằng xã hội.
Cuộc sống Xanh (Green Living)
Việt Nam bị tuột 6 hạng so với năm 2021. Năm 2021 Việt Nam xếp hạng 52, đến 2022 tuột xuống hạng 58, về người dân được hưởng cuộc sống xanh tươi, thân thiện với môi trường. Môi trường lành mạnh góp phần tạo nên những con người khỏe mạnh và khái niệm sức khỏe cá nhân gắn liền với môi trường xung quanh. Thứ hạng của Việt Nam về Cuộc Sống Xanh đã thấp từ năm 2021, lại xuống hạng năm 2022 cho thấy những lời kêu gọi bảo vệ mội trường cùa nhà nước Việt Nam là xáo rỗng.
Dự Đoán Tương Lai (Forward Thinking)
Việt Nam không phải là một quốc gia có tương lai ổn định và có thể dự đoán được, Forward-Looking Country, Việt Nam chỉ được xếp hạng 45, tuột 11 hạng so với năm 2021. Mức độ ổn định của tương lai của quốc gia này thấp hơn Indonesia, Mã Lai, Thái Lan, và thua rất xa Nam Hàn hạng 5, Nhật hạng 2. Mức độ ổn định của tương lai có thể giúp bảo đảm an toàn cuộc sống hàng ngày của người dân. Những quốc gia được coi là có tương lai ổn định cho phép mọi người thích nghi nhanh chóng với các vấn đề như biến đổi khí hậu, xung đột, bệnh tật và những chấn động khác mà thế giới ngày nay phải đối mặt càng trở nên quan trọng hơn khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do COVID-19 gây ra khi đại dịch vẫn tiếp diễn. Việt Nam xếp thứ hạng thấp hơn trung bình trong những nước được xếp hạng chứng tỏ sự điều hành quốc gia tồi của nhà cầm quyền cộng sản.
Ảnh Hưởng Quốc Tế (International Influence)
Việt Nam đứng hạng thứ 47 trong số 78 nước có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Trái với những gì giới lãnh đạo đảng CSVN thường huyênh hoang tự đắc, ảnh hưởng của VN trên thế giới ở mức dưới trung bình trong các nước được xếp hạng. 5 quốc gia hàng đầu ảnh hưởng lên thế giới xếp theo thứ tự là Mỹ, Tàu, Anh, Pháp, Đức và Nga. Đánh giá này dựa trên tham vấn hơn 17 ngàn người trên thế giới thuộc giới “thượng lưu có hiểu biết”, có trình độ đại học trở lên và theo dõi tin tức thế giới ít ra là 4 ngày một tuần. So với năm 2021, ảnh hưởng của VN đối với thế giới không thay đổi và vẫn còn thua cả Mã Lai, Indonesia, và thua xa Singapore.
Phụ Nữ (Women)
Việt Nam đứng hạng 74, trong số 78 nước được đánh giá, tuột 22 hạng so với năm 2021, chỉ hơn 4 nước cuối bảng Ấn Độ, Cameroon, Kenya và Cambodia.
Hơn 9 ngàn phụ nữ trên thế giới tham gia cuộc khảo sát năm thuộc tính cụ thể liên quan đến họ như quyền phụ nữ, bình đẳng giới, bình đẳng thu nhập, tiến bộ và an toàn. Hạnh phúc của người phụ nữ VN xếp hạng gần chót so với thế giới. Người phụ nữ VN còn bị đối xử tệ hại hơn với đồng giới của họ tại Trung quốc, nơi vẫn xem đàn bà phải phụ thuộc đàn ông và còn thua xa đàn bà của nhiều xứ Hồi Giáo, nơi thường bị ngộ nhận về vai trò phụ nữ trong xã hội.
Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam câm như hến, dấu nhẹm người đọc tờ báo này, hầu hết là đảng viên, các phần khác được US News & World Report đánh giá khách quan về Việt Nam. Nói cách khác tờ báo Nhân Dân cũng như những miệng lưỡi khác của Đảng và nhà nước Việt Nam thường, cách này, cách khác, lợi dụng và xuyên tạc tin tức từ phía thế giới tự do để lừa bịp người dân thiếu thông tin.
____________
Tham khảo
Leave a Comment