Hồi đầu tháng 12, một tòa án miền bắc nước Đức mở phiên tòa kết án một phụ nữ 97 tuổi, vì bà ta có vai trò đồng phạm sát hại hơn 10.000 người trong Trại tập trung cải tạo Holocaust của Phát-xít Đức. Khi đó, bà mới vừa qua tuổi thiếu niên vào những năm 1940.
Từ năm 1943 đến năm 1945, bà Irmgard Furchner làm thư ký tại trại tập trung Stutthof, gần Gdańsk ở Ba Lan do Đức Quốc Xã chiếm đóng. Bà Furchner đã bị kết tội là tay sai đắc lực cho việc giết hàng ngàn người một cách có hệ thống trong thời gian làm công việc thư ký.
Dù nay đã 97 tuổi, nhưng phiên tòa được tổ chức diễn ra trước một tòa án vị thành niên, vì khi phạm tội, Furchner vẫn còn trong độ tuổi chuyển từ thiếu niên sang trưởng thành. Các luật sư của bà Furchner đã tranh luận để bà được tha bổng, vì cho rằng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy bà ta biết về vụ giết người hàng loạt ở Stutthof.
Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của tòa án với người phụ nữ 97 tuổi này, hoàn toàn là kẻ đã phạm tội. Dù tòa án được tổ chức theo kiểu dành cho tuổi vị thành niên, nhưng thẩm phán xác định rằng ở tuổi 18 bước qua 19 lúc đó, bà ta có đủ suy nghĩ để nhận biết về cái chết và nỗi đau của người khác. Quan trọng là dù không tham gia trực tiếp vào tội ác, nhưng bà ta đã sắp xếp trình tự những cái chết, mà dửng dưng không hề quan tâm đến nó như thế nào.
“Việc thúc đẩy các hành vi này của bị cáo diễn ra thông qua việc hoàn thành các thủ tục giấy tờ cụ thể… Hoạt động này là mục đích rõ để tổ chức trại cải tạo và thực hiện các hành vi giết người tàn ác, có hệ thống”, tòa án cho biết trong một tuyên bố.
Nói lời sau cùng, người phụ nữ 97 tuổi xin lỗi về những gì đã xảy ra, và nói rằng bà hối hận vì thời làm việc ở trong trại tập trung.
Việc đem một thủ phạm bị coi tham gia tội ác chiến tranh ra xử ở tuổi 97 cũng gây nhiều tranh cãi. Trong những bình luận về vụ xử, cũng có ý kiến cho rằng có thể bà ta không thích Đức Quốc Xã, nhưng sinh ra vào một thời đại buộc phải phục vụ cho chế độ đó mà không thể bày tỏ quan điểm khác biệt.
Tuy nhiên cũng có ý kiến phản bác nói rằng, nếu không thích, bà ta có thể chọn một nghề nghiệp khác chứ không chọn nhận công việc tham gia hệ thống giết người, với những quyền lợi hơn hẳn những công dân Đức bình thường khác vào lúc đó.
Câu chuyện này chợt nhắc đến Việt Nam, những kẻ đã phạm tội ác với nhân dân, từ trong trại giam đến đời thường, lẫn tòa án… chắc chắn chí có thể ung dung được một giai đoạn trong bổng lộc đầy máu và nước mắt nhân dân. Những án oan như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Lê Đình Công, Lê Đình Chức… những kẻ vu cáo giấu mặt trong các vụ án của Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh… rồi chắc chắn sẽ phải bị đưa ra trước ánh sáng của lịch sử để soi xét, một ngày phải tới. Những kẻ như vậy, dù nhiều đến mức nào, công lý vẫn đuổi theo đến tận cùng.
Ở bất cứ nơi nào, và chắc chắn trong tương lai, mọi tội ác đối với cho con người dù nhân danh chính quyền, hay chỉ là “thi hành theo mệnh lệnh”, cũng sẽ bị phán xét nghiêm khắc, bất chấp lúc đó thủ phạm đang ở trong tình trạng như thế nào.
Sẽ không có loại chính quyền nào là “chính nghĩa” mãi mãi để phục vụ hay nương nhờ, mà bỏ quên hiện thực ra sao. Mọi thứ có thể đổi thay, nhưng nỗi đau con người sẽ được ghi lại thành những hồ sơ lịch sử, để phán xét vào mai sau.
Câu chuyện của bà Irmgard Furchner còn nhắc về một điều khác, dửng dưng trước những bất công – khổ đau mà đồng loại phải gánh chịu, cũng là một loại tội ác không thể tha thứ./.
Leave a Comment