Nguyễn Minh
Nhiều năm gần đây, những quần thể chùa – khu du lịch luôn gắn với các công trình vật chất đồ sộ và xưng tụng “lớn nhất” (như tượng phật ngọc lớn nhất thế giới, tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, bảo tháp lớn nhất, quần thể rộng lớn nhất…, thậm chí “linh thiêng nhất” như khu Đại Nam quốc tự ở Bình Dương, chùa Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)… Chùa sau to lớn hơn, vẽ ra nhiều thứ hơn, tốn nhiều tiền hơn chùa trước. Chúng tôi từng theo chân một vị cựu quan chức TP HCM đi dự lễ an vị tượng Phật ở thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, một ngôi chùa cực lớn gần TP HCM. Chùa được xây dựng cấp tập trên những khoảnh ruộng và vườn vừa mua lại của người dân, và tuy cực lớn nhưng nó vẫn lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông nằm tận vùng rất sâu so với trục đường chính. Quanh chùa, xi măng vôi vữa vẫn ngổn ngang giữa đất ruộng vừa móc lên và vườn tược của người dân quanh vùng. Hôm an vị tượng Phật có cả một vị nguyên thủ quốc gia về dự, công an và cảnh sát vòng trong vòng ngoài bảo vệ từ cách gần 10 cây số. Người dân từ TP HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông đổ về như thác, ô tô đỗ cả ngàn chiếc, xe máy phải gửi từ cách vài cây số rồi đi bộ vào chùa mà đường vẫn chen chúc kín đặc người. Từ những hôm trước, vị VIP mà chúng tôi đi cùng đã cùng những vị VIP khác cao hơn đặc biệt chuẩn bị cho buổi lễ này, bằng rất nhiều tiền bạc và vật phẩm. Nguồn tiền? Bà nói từ kinh doanh và từ những người bạn đóng góp.
Nguồn tiền ở đâu để những ngôi chùa vĩ đại ngày càng mọc lên trong những khoảng thời gian ngắn ngủi kỷ lục, sắm những tượng Phật ngày càng to lớn và đắt tiền và đổi lại, nguồn thu trở về của nó cũng vĩ đại không kém? Tại sao nằm trọn vẹn trong vườn quốc gia hay vùng đất nông nghiệp mà nó lại được cho phép chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng chóng vánh, dồi dào đến thế?
Hỏi đã là trả lời.
Xưa kia, quan chức đi chùa, cúng vái các nơi thờ tự có tiếng linh thiêng chỉ để cầu xin phù hộ cho con đường làm quan an toàn và thênh thang. Cạnh đó là để “tán lộc”, phân phát lại một phần của cải đã nhận được, thấm nhuần quan điểm “lộc bất tận hưởng” của người Việt Nam. Con số cúng dường ngày càng cao lên với sự bất an về chức quan, biến thành hối lộ thần linh. Nhưng khi nhận ra lợi nhuận ngất ngưởng và an toàn từ việc khai thác niềm tin tâm linh và tín ngưỡng của người dân thì từ hối lộ thần linh đến việc chủ động lôi kéo đồ đệ của các ngài vào công cuộc phát mãi thần linh làm giàu, chỉ cách một bước chân.
Từ lâu, dân Việt Nam đã mỉa mai dùng từ “chùa quốc doanh”, “sư quốc doanh”, “công ty TNHH Chùa”… để gọi những ngôi chùa sặc mùi tiền và những ông sư giỏi “làm kinh tế”. Những vị như trụ trì Thích Thanh Toàn, trụ trì Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng lừng danh với vụ bắt phật tử nộp tiền để cúng oan gia trái chủ, trụ trì Thích Thanh Quyết chùa Phúc Khánh (từng bị gọi là Thích Hành Quyết) mỗi năm thu tiền cúng sao giải hạn với giá 150.000 đ/người, mà số người ngồi vây quanh chùa kẹt hết mấy con đường… chỉ là một số ít nổi bật trên cái nền mạt pháp nói chung. Còn nhiều sư nhậu nhẹt, chơi gái, chụp hình cầm súng ống, khoe tiền bạc của cải, hành xử như lưu manh với phật tử.
Thế nhưng vì cớ gì những điều nghịch đạo ấy cứ ngang nhiên phơi giữa bạch nhật mà không một chức sắc nào của Giáo hội Phật giáo dám thật sự ra tay chỉnh đốn mà chỉ phê phán trên báo chí? Chỉ mãi đến khi các “công ty” quá ngang ngược lộng hành, công luận và người dân phẫn nộ thì các sư mới bị …luân chuyển đi nơi khác, và… tiếp tục lên chức tại đó.
Như sư Thích Trúc Thái Minh sau vụ ầm ĩ chùa Ba Vàng năm 2019, bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong giáo hội (chức vụ cao nhất là Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam) thì về Quảng Bình và mới đây nhất, vừa lên chức Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027./.
Bài trích đoạn
Leave a Comment