Chuyến đi của ông Volodymyr Zelensky từ Bakhmut, tỉnh Donetsk, Ukraine qua Washington diễn ra trong bí mật như phim gián điệp. Buổi sáng ông đến thăm binh sĩ đang chiến đấu bảo vệ một thành phố đang bị quân Nga tấn công hàng ngày. Sau đó ông đi hơn 400 cây số đường bộ tới một phi trường Ba Lan gần biên giới, rồi bay 11 tiếng đến căn cứ Andrews, ở thủ đô Mỹ. Từ ngày Ukraine bị Nga xâm lăng ông chưa đi thăm thủ đô một nước nào trong khối NATO dù việc đi lại dễ dàng giản dị hơn nhiều.
Zelensky biết rằng Mỹ sẽ không viện trợ tất cả những thứ vũ khí mà Ukraine yêu cầu. Vì ông Joe Biden muốn tránh không để Vladimir Putin lấy cớ mở rộng cuộc chiến. “Khối NATO không muốn một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga,” ông Zelensky nói, “Họ không muốn thấy Thế Chiến Thứ Ba bùng nổ!” Tổng thống Biden cũng nghĩ như vậy. Nhưng ông Zelensky vẫn thấy cần thuyết phục quốc hội Mỹ, là cơ quan nắm “quyền chi tiền” cho Tòa Bạch Ốc!
Sự kiện ông Zelensky đứng nói trước các đại biểu cả hai viện quốc hội ở Washington đã là một thông điệp mạnh mẽ. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã khuyến cáo ông rằng chắc chắn Putin sẽ đánh, và đề nghị kế hoạch giải cứu ông ra khỏi thủ đô Kyiv. Các nước Âu châu cũng nghĩ rằng quân Nga sẽ chiếm được Kyiv trong vài ngày, và biết rằng gián điệp Nga đang thi hành kế hoạch ám sát Zelensky cùng toàn bộ các nhà lãnh đạo Ukraine. Nhưng Zelensky can đảm ở lại, thề sống chết với thủ đô Kyiv, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng cự. Quân đội và nhân dân Ukraine đã chứng tỏ họ sẽ chiến thắng, họ chỉ cần thêm vũ khí và rất đáng được giúp! Trước khi ông Zelensky đến, quốc hội Mỹ đã biểu quyết các ngân sách $1,85 tỷ và $45 tỷ viện trợ Ukraine.
Volodymyr Zelensky đã nói với các đại biểu quốc hội bằng ngôn ngữ kinh doanh của người Mỹ, như nhật báo The Wall Street Journal viết ngày 22 tháng 12: Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư với lợi suất rất cao! Một đạo quân thù nghịch quan trọng bậc nhất của nước Mỹ đang bị đánh tơi tả, mà không một người lính Mỹ nào phải hy sinh!
“Nước Mỹ giúp Ukraine không phải là một việc làm phước thiện!” Zelensky không đến Mỹ để xin bố thí! Tờ báo Wall Street vốn là tiếng nói của giới tư bản và khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ dẫn lời kinh tế gia Timothy Ash mới phân tích lợi hại (costs and benefits): Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư ít tốn kém đáng kinh ngạc (incredibly cost-effective investment): “Thiêu rụi sức mạnh quân sự của nước Nga mà chỉ tốn mấy phần trăm ngân sách Ngũ Giác Đài,” tức bộ quốc phòng Mỹ.
Volodymyr Zelensky đã được Biden hứa sẽ gửi ngay các tên lửa phòng không Patriot, nhưng biết trước rằng mình sẽ không được tặng những thứ mà ông tha thiết nhất: xe thiết giáp, chiến đấu cơ phản lực, và hỏa tiễn tầm xa.
Món thứ nhất bị từ chối là các hệ thống hỏa tiễn mang tên ATACMS, bắn tầm xa 300 cây số. Thứ nhì là các thiết giáp Abrams và chiến đấu cơ F-16. Muốn biết sử dụng các món này quân Ukraine cần được huấn luyện trong nhiều tháng. Nhưng trở ngại lớn nhất là việc bảo trì các xe tăng và máy bay này rất phức tạp, ở Mỹ vẫn phải thuê các nhà thầu tư nhân, mà không thể nào đưa các công nhân đó qua chiến trường Ukraine.
Món thứ ba bị từ chối là các máy bay nhỏ không người lái (drones) loại dùng để tấn công như MQ-1C Gray Eagle và MQ-9 Reaper, có khả năng đánh các mục tiêu ở xa, hoặc lấy tọa độ để thông tin cho pháo binh. Bộ Quốc Phòng Mỹ không muốn gửi cho Ukraine các thứ drones này vì sợ nếu bị bắn rớt, lọt vào tay Nga, sẽ bị khám phá nhiều bí mật về kỹ thuật rất quý mà Nga chưa hề biết.
Năm 1999, một chiếc máy bay “tàng hình” của Mỹ bị bắn rớt tại chiến trường Kosovo trong lúc giúp quân xứ này bảo vệ độc lập, chống chính quyền Nam Tư. Máy bay F-117 Nighthawk do công ty Lockheed sản xuất có khả năng tàng hình vì bên ngoài được sơn bằng một chất đặc biệt khiến máy radar không nhận ra được. Trung Cộng đã gửi người sang mua một mảnh của chiếc F-117, đem về tìm hiểu chất liệu bí mật trên. Tháng Giêng năm 2011, bản tin Associated Press tiết lộ rằng Trung Cộng đã chế tạo được những chiến đấu cơ tàng hình J-20 nhờ nghiên cứu các mảnh máy bay F-117 bị hạ này.
Dù Tổng thống Zelensky khẩn khoản yêu cầu nhưng chính quyền Biden vẫn không cung cấp cho Ukraine ba loại khí giới tối tân trên. Ông Zelensky có thể hy vọng trong tương lai Mỹ thay đổi ý kiến nếu quân Nga thay đổi chiến thuật hoặc bắt đầu sử dụng các vũ khí nguy hiểm hơn trong chiến trường Ukraine.
Trước đây, bộ quốc phòng Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine những dàn tên lửa HIMARS và Patriot. Nhưng khi Nga bắt đầu rút các bộ chỉ huy ra ngoài, ở rất xa mặt trận khiến các đại pháo không thể tấn công, thì Mỹ đã gửi qua các hệ thống HIMARS với khả năng pháo kích tới mục tiêu xa hàng trăm cây số. Tương tự, gần đây Nga bắn hỏa tiễn tầm xa liên tiếp tấn công hệ thống điện các thành phố Ukraine thì Mỹ quyết định sẽ gửi qua tên lửa Patriot có thể bắn chặn phá các hỏa tiễn Nga. Sự kiện này khiến Vladimir Putin phải chú ý. Trong cuộc họp báo ngày Thứ Năm 21 tháng 12, Putin tuyên bố quân đội Nga sẽ có vũ khí chống lại các mũi tên lửa Patriot.
Khi giúp khí giới cho dân Ukraine bảo vệ nền độc lập, nước Mỹ đang giúp tất cả các nước Âu châu chặn đứng mối đe dọa của Nga. Nếu dân Ukraine mất nước, Putin sẽ có thể tạo áp lực trên các quốc gia khác trước đây từng nằm trong Liên bang Xô Viết. Những nước Moldova, Georgia hiện đang giúp Ukraine vì mối lo đó, mà các nước ở trong vùng Trung Á châu cũng vậy.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức phải giúp Ukraine là cuộc tranh hùng giữa hai hệ thống chính trị: Những nước dân chủ tự do phải đoàn kết chống cuộc bành trướng của các chế độ độc tài chuyên chế của Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Có những nhà chính trị nói rằng nước Mỹ phải bỏ Ukraine để lo ngăn chặn Trung Cộng. Nhưng Putin và Tập Cận Bình đã tuyên bố họ là những đồng minh thân thiết nhất. Cho tới nay, Trung Cộng vẫn không ngăn cản Putin trong cuộc phiêu lưu gây chiến, mặc dù bên ngoài vẫn nói tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Nếu để cho Putin nuốt trôi Ukraine thì cũng khuyến khích Tập Cận Bình nhòm ngó Đài Loan và các nước miền Đông châu Á.
Trước sau, Mỹ phải giúp Ukraine giữ gìn nền độc lập và thể chế tự do dân chủ. Viện trợ Ukraine còn khiến nước Mỹ được hưởng những lợi lộc khác trong tương lai. Nhà kinh tế Timothy Ash nói thẳng rằng: Cuộc chiến Ukraine là một cửa hàng trưng bày của các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, và Anh, Pháp, Đức, đối đầu với công nghiệp quân sự của Nga, Trung Cộng, cùng Bắc Hàn và Iran! Những quốc gia đứng ngoài, nếu đang tính mua xe thiết giáp hay hệ thống phòng không của Nga sẽ phải suy nghĩ lại coi có nên mua hay không. Họ sẽ tìm coi “hàng hóa” của các công ty Mỹ và Âu châu, trong đó Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất.
Chính phủ Biden vẫn dè dặt không giúp Ukraine những vũ khí tối tân nhất vì muốn tỏ ra không muốn khiêu khích Vladimir Putin khiến ông ta phản ứng mạnh, mở rộng cuộc chiến qua các nước NATO. Nhưng họ có thể đã lo ngại quá đáng. Báo New York Times ngày 22 tháng 12 thuật lời Tướng Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ ở Âu châu, nói rằng, “Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục quá lo lắng về mối nguy chiến tranh sẽ lan rộng, và quá coi thường khả năng sáng tạo và ứng biến của quân đội Ukraine trong cuộc chiến.”
Nếu Ukraine không bảo vệ được nền độc lập thì lịch sử sẽ ghi một tiền lệ: Một nước nhỏ bị một nước lớn chiếm gọn bằng sức mạnh quân sự, mà thế giới không làm gì được! Các nước Á châu sẽ phải kinh hoàng thấy Putin gợi ý cho Tập Cận Bình noi gương! Cho nên người Việt Nam phải chọn thái độ trong cuộc chiến Ukraine: Không chấp nhận để tiền lệ đó xảy ra./.
Leave a Comment