RFA
Một làn sóng vỡ nợ đối với các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai – một chuyên gia kinh tế đánh giá như vậy và cho rằng Chính phủ cần phải hành động ngay để chặn đứng “thảm hoạ” này.
Kinh tế Việt Nam 2022
Nhận định chung về tình hình kinh tế năm 2022 vừa qua, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, giai đoạn từ năm 1993 đến 2002, cho biết:
“Tình hình năm nay đầy mâu thuẫn. Bên cạnh những thông tin tốt về tăng trưởng kinh tế, phục hồi nền kinh tế sau kiểm soát được dịch bệnh thì cũng lại có các thông tin rất phức tạp về tình hình trái phiếu và chuyện các doanh nghiệp phải đóng cửa. Đây là những thử thách rất nghiêm khắc đối với nền kinh tế Việt Nam.”
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập đánh giá tình hình kinh tế tài chính Việt Nam trong năm 2022 năm ngoài dự báo của các chuyên gia và Chính phủ Việt Nam.
Hồi đầu năm, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ phát triển tốt đẹp với những tín hiệu sáng sủa như Việt Nam và các nước đối tác đã kiểm soát được dịch COVID, nền kinh tế hứa hẹn sẽ nhanh chóng phục hồi, và thực tế cũng xảy ra đúng như dự đoán trong vài tháng đầu năm.
Cho đến gần giữa năm thì tình hình tài chính chứng khoán Việt Nam trở nên xấu đi. Nguyên nhân được tiến sỹ Trí Hiếu nhận định là một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản thuộc hàng lớn nhất Việt Nam như FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát… bị bắt để điều tra về các hoạt động phát hành trái phiếu.
Cộng thêm một số nguyên do khác như ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất. Nó tạo ra một áp lực rất lớn lên tỷ giá của Việt Nam; hay các ngân hàng không đủ room tín dụng để cho vay vào nửa cuối năm 2022 nữa.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, vì các nguyên do nêu trên, mà càng về cuối năm, tình hình ngày càng khó khăn hơn. Các thị trường rơi vào tình trạng thiếu vốn, đặc biệt là thị trường bất động sản, còn thị trường trái phiếu thì gần như là đóng băng sau các vụ đại án kinh tế.
“Nói chung là tình hình kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng là phục hồi và khởi sắc trong năm 2022, thế nhưng hình như là đã không đạt được cái mong muốn đó.” – Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu kết luận.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm đạt 8,83%, vượt dự kiến đặt ra. Tăng trưởng chủ yếu trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong khi đó, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 31% từ đầu năm đến nay.
Doanh nghiệp BĐS trước nguy cơ vỡ nợ
Một bài viết của tác giả Nguyễn Kiều Giang được đăng trên Bloomberg hôm 20/12, đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, và Chính phủ không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng, có thể làm chệch hướng một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Các chuyên gia phân tích cho biết có khoảng 4,6 tỷ đô-la trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn vào năm sau. Tình hình huy động vốn khó khăn như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ về một làn sóng vỡ nợ trong tương lai, từ đó trở thành một cuộc khủng hoảng cho nền kinh tế Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định khả năng vỡ nợ là có thể xảy ra. Ông lý giải, nhà phát hành trái phiếu khi đến hạn mà không có tiền trả cho nhà đầu tư, dù chỉ một ngày, cũng bị xem là trong tình trạng vỡ nợ.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có tiền trả cho trái chủ từ các hoạt động kinh doanh của mình, thì có ba cách để sau để trả nợ:
“Cách thứ nhất là doanh nghiệp bán tài sản đi để có tiền trả nợ; thứ hai là có thể phát hành thêm trái phiếu mới để trả nợ cho trái phiếu cũ và cách thứ ba là đi vay tiền ngân hàng hoặc các tổ chức khác để có thể trả nợ.”
Tuy nhiên, tiến sỹ Hiếu phân tích, cả ba cách trên đều không mấy khả quan trong bối cảnh hiện nay.
Việc phát hành trái phiếu mới để có tiền trả nợ cho trái phiếu cũ hiện rất khó khăn, bởi các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp sau các vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” vừa qua.
Cách thứ hai là doanh nghiệp bán tài sản để trả nợ cũng không được. Bởi thị trường bất động sản đang chững lại, mua bán không còn nhộn nhịp, đất đai rớt giá. Các doanh nghiệp bất động sản muốn lấy đất gán nợ thì chưa chắc trái chủ đã chấp nhận, hoặc là phải chiết khấu sâu để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Cách thứ ba là vay ngân hàng trả nợ trái phiếu. Tiến sỹ Hiếu cho rằng ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư có lẽ cũng không mặn mà gì trong việc hỗ trợ các nhà phát hành trái phiếu:
“Thành ra tình trạng có thể nói là rất là khó khăn cho những trái phiếu đến hạn. Cái dự báo của Bloomberg là một dự báo sát thực tế và nếu Chính phủ không có một biện pháp mạnh thì có thể sẽ đưa đến tình trạng vỡ hàng loạt.”
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Giải pháp
Trong trường hợp xấu nhất là xảy ra vỡ nợ diện rộng, theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ các nhà đầu tư chịu thiệt hại mất tiền của mà ngay cả các ngân hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản này cũng bị ảnh hưởng, từ đó sẽ tác động lan toả ra các thi trường hàng hoá khác.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp để giải quyết trình trạng các doanh nghiệp nợ trái phiếu:
“Tôi nghĩ rằng hiện nay Việt Nam không thể nào có các biện pháp giải cứu một cách tràn lan mà chỉ có thể giải cứu một cách chọn chọn lọc.
Tức là, đưa ra tiêu chí những doanh nghiệp nào là quan trọng, những doanh nghiệp nào là chủ chốt, những doanh nghiệp nào có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì tập trung để cứu, chứ không thể nào cứu hết tất cả các doanh nghiệp đang có trái phiếu được.”
Để chặn đứng nguy cơ về hiện tượng domino xảy ra trên thị trường trái phiếu, tiến sỹ Hiếu đề xuất một giải pháp mà ông gọi là chương trình hoãn nợ quốc gia. Theo đó, Chính phủ sẽ cho phép tất cả những nhà phát hành được phép hoãn nợ trong vòng một năm và các nhà đầu tư trái chủ không được mở các vụ kiện phá sản:
“Tuy nhiên, Chính phủ chỉ có thể hoãn nợ cho những công ty phát hành trái phiếu đúng quy định, làm ăn chân chính; Còn những nhà phát hành trái phiếu không đúng quy định hoặc sử dụng tiền không đúng mục đích thì không được hưởng các ưu đãi đó.”
Để giảm bớt áp lực lên thị trường trái phiếu, vào tháng 10/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ bản sửa đổi Nghị định số 65 quy định đối với trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, một số quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu… sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc sửa đổi nghị định 65 có một số điều khoản hợp lý, tác động tích cực đối với hoạt động trái phiếu của doanh nghiệp.
Ví dụ như việc các doanh nghiệp phát hành có thể hoãn nợ trong vòng hai năm; Quy định các nhà đầu tư cá nhân phải có hai tỷ đồng chứng khoán và giữ trong 180 ngày được lùi đến năm 2024 là để thúc đẩy các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư trong thời gian này.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hiếu, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân, cần phải giữ quy định về xếp hạng tín nhiệm, không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà đối với tất cả các nhà phát hành trái phiếu./.
Leave a Comment