Bản báo cáo mà công ty Vinfast gửi cho Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ ngày 6/12 cho thấy công ty có tổng tài sản là hơn 4,4 tỉ đô la, nợ tổng cộng là 8,8 tỉ đô la, và lỗ luỹ kế là gần 4,7 tỉ đô la.
Chuyện nợ gấp đôi tài sản hay lỗ là chuyện bình thường đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cái quan trọng đối với một doanh nghiệp là dòng tiền và tiềm năng.
Trong những tháng ngày tới, ít nhất là vài năm tới, liệu rằng dòng tiền vào có đủ để nuôi công ty tiếp tục chạy nữa hay không mới quan trọng. Việc bán một phần công ty bằng cách kêu gọi vốn trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ có lẽ vì lý do đó: Vinfast cần tiền để tiếp tục nuôi công ty.
Nhưng muốn các nhà đầu tư bỏ tiền vào dự án thì Vinfast phải chứng tỏ họ là một công ty có tiềm năng đầu tư sinh lời.
Vinfast ban đầu dự định tự định giá công ty khoảng 60 tỉ đô la khi chào bán ra công chúng (IPO). Đây là một mức giá khá cao trong thời điểm hiện tại, khi mà thị trường tài chính thế giới đang rất khó khăn, và dòng tiền dễ dãi không còn nữa như cách đây vài năm.
Vinfast không phải là công ty xe điện duy nhứt của nước ngoài muốn chào bán cổ phiếu trên thị trường Mỹ. Bốn năm trước, một công ty xe điện khác của Trung Quốc cũng đã chào bán cổ phiếu của họ trên thị trường Mỹ. Đó là công ty NIO. NIO là một công ty đã thiết lập được tên tuổi và dần hiện diện trên thị trường Châu Âu và Mỹ. Họ cũng đã nhận được các khoản góp vốn của các hãng đầu tư có tên tuổi như Temasek của chính phủ Singapore hay Sequoia — công ty đầu tư mạo hiểm đỡ đầu cho một loạt các công ty công nghệ lúc khởi đầu.
NIO cũng có phương thức kinh doanh giống Vinfast đó là họ thành lập hẳn một công ty riêng chuyên quản lý việc cho thuê pin nhằm giảm giá thành bán ra của xe hơi điện.
Nếu so với Vinfast, khi một nhà đầu tư quyết định nên đầu tư vào đâu, rõ ràng NIO có nhiều ưu điểm hơn. Phía sau NIO là một thị trường Trung Quốc khổng lồ. NIO cũng dễ dàng hơn trong việc tìm được các nhà cung cấp linh kiện giúp đẩy giá thành sản phẩm giảm xuống. Lực lượng lao động của Trung Quốc cũng dễ dàng tìm kiếm được những chuyên gia lành nghề. NIO đã bắt đầu có tên tuổi và có được một lượng khách hàng sau một thời gian hoạt động. Các chi nhánh của họ cũng đang được phát triển ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Với những ưu thế vượt trội đó, NIO có một vị thế hơn hẳn Vinfast.
Đến giữa năm 2022, NIO công bố họ đã sản xuất ra được 200 ngàn chiếc xe.
Nhưng vốn hoá thị trường của NIO hiện chỉ có hơn 21 tỉ đô la Mỹ. Do đó, với mức tự định giá 60 tỉ đô la Mỹ, tức gấp ba lần giá của NIO, đó là một mức giá quá cao đối với Vinfast, một công ty chưa có tên tuổi trên làng xe hơi điện.
Việc chào bán một phần cổ phiếu của Vinfast trên thị trường tài chính Mỹ sẽ giúp Vinfast có tiền mặt để nuôi công ty trong một vài năm tới.
Nhưng cái khó của Vinfast trong những ngày tới rất nhiều.
Thị trường trong nước vẫn chưa là một thị trường hấp dẫn với xe điện. Người dân mới giàu, tiền bạc của giới trung lưu có được không dễ dàng gì, nên tâm lý của họ là thích chọn những loại xe bền, vừa túi tiền, dễ sửa, và phù hợp với địa hình. Xe điện vẫn chưa thể đáp ứng được những tiêu chuẩn đó trong thời gian vài ba năm tới.
Thị trường nước ngoài thì cạnh tranh khốc liệt. Giới mua xe điện ở nước ngoài thường là người khá giá có rủng rỉnh tiền bạc. Họ mua xe điện để chọn cho mình một sự tiện nghi. Tiện nghi đi kèm với nó là công nghệ, chất lượng phục vụ, và chất lượng sản phẩm. Cả ba điều đó Vinfast khó mà cạnh tranh được với các hãng của Mỹ và Châu Âu vốn có kinh nghiệm lâu đời làm xe hơi.
Việc làm ra một sản phẩm không khó, để một sản phẩm thương mại hoá có lời nó mới khó.
Con đường dễ dàng nhất của Vinfast do đó có lẽ chỉ còn là chào bán ra công chúng và thông qua đó, những cổ đông chính nhanh chóng thoái vốn vào những tài khoản ở nước ngoài, để mặc Vinfast nổi trôi được điều hành bởi những cổ đông và người lãnh đạo mới. Nhưng bán với giá nào và liệu có lời hay không, đó lại là một câu chuyện khác, không dễ dàng gì, nhất là khi mà thị trường toàn cầu đang ở trong trạng thái khủng hoảng như hiện nay./.
Leave a Comment