Nhiều doanh nghiệp may mặc, giày da tại Nghệ An, Thanh Hóa gặp khó khăn khi các đơn hàng bị cắt giảm thời điểm cuối năm, thu nhập của người lao động bị sụt giảm đáng kể. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự…
Từ tháng 10/2022 đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 25 doanh nghiệp phải cắt giảm từ 100 lao động trở lên. Tổng số lao động cắt giảm là hơn 5.500 người, trong đó 100% là lao động phổ thông. Các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động chủ yếu thuộc ngành dệt may, giầy da với 65,32%, ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 34,68%. Nhiều doanh nghiệp mới ký kết đơn hàng chỉ đủ sản xuất từ 50 – 60% công suất trong tháng 11, tháng 12.
Dự báo do thiếu đơn hàng, trong những tháng cuối năm sẽ có thêm 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cắt giảm từ 100 lao động trở lên, với khoảng 4.500 lao động.
Còn tại tỉnh Nghệ An, theo số lượng khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 25 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cắt giảm đơn hàng, chủ yếu là những đơn vị thuộc ngành may mặc, giày da xuất khẩu thị trường Mỹ và châu Âu. Có gần 20.000 lao động bị giảm giờ làm, gần 1.800 lao động chấm dứt hợp đồng và 452 người tạm hoãn hợp đồng lao động.
Cụ thể, Công ty TNHH Matrix Vinh giảm 435 lao động (trên tổng số 466 lao động toàn công ty), Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế ABC- chi nhánh Nghệ An giảm 371 lao động, Công ty TNHH Merry & Luxshare giảm 250 lao động, Công ty TNHH Tân Việt Trung giảm 101 lao động và Công ty CP Thế giới gỗ giảm 100 lao động…
Phân theo ngành nghề, dệt may – da giày chiếm hơn 64%, tiếp đến là ngành điện – điện tử chiếm gần 20%, còn lại là lao động thuộc ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa.
Tết Nguyên đán cận kề, nhiều công nhân từ Bắc chí Nam bị mất việc, giảm giờ làm,… cuộc sống khó khăn bộn bề. Hơn lúc nào hết, người lao động rất cần sự hỗ trợ của chính phủ VN vào những lúc như thế này để “không để ai bị bỏ lại phía sau” như những khẩu hiệu thường được rêu rao./.
Leave a Comment