“Chuyện bé xé ra to, vớ vẩn”. Nhiều người cho rằng Nguyễn Viết Dũng chối tội, chạy tội bằng cách bao biện như thế. Tôi thì nghĩ ông ta nói thật lòng. Trong nhận thức và thói quen của mình, ông này coi chuyện đó là bình thường. Đánh người ta một gậy đến ngất xỉu phải nhập viện mà coi đó là “chuyện bé” thì cái sự hằn sâu vào nếp nghĩ và lối sống đã trở nên một bản tính: tính ác.
Không phải là suy diễn, cứ xem cách ông này đòi “xử lý nghiêm” báo chí và mạng xã hội đưa tin về hành động đánh người của mình thì thấy. Ông ta tự tin và thật lòng, một cách rất hồn nhiên.
Tiền và quyền được dung túng và không có kiểm soát đã khiến khiến con người tha hóa đến mất hết cảm nhận về các giá trị làm người, người ta chỉ còn hành động theo bản năng. Tôi từng biết, một quan chức “thường thường bậc trung” ở một TP nọ, nhà chỉ cách cơ quan hơn một cây số, nhưng phải có xe đưa rước mỗi ngày, thậm chí người đó đi café buổi đêm cũng do tài xế và xe cơ quan đưa đi đón về. Nó chỉ là một ví dụ cho một mặt bằng chung, không phải cá biệt. Quan triều đình thời phong kiến chưa chắc được vậy. Người ta không tha hóa thì phải nói là một bản lĩnh phi thường.
Làm ác mà biết mình làm ác và chạy tội là lưu manh – loại này còn có hi vọng cứu được. Nhưng làm ác mà không biết mình ác nữa thì đó là vô tri rồi. Đã đến lúc chúng ta phải chứng kiến cảnh tượng tràn ngập “sự tầm thường của cái ác” – những cỗ máy không có linh hồn./.
Thái Hạo
Leave a Comment