Trần Minh Nhật
Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2022 được trao tặng cho thấy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là sự ghi nhận mà tôi thấy hoàn toàn xứng đáng. Giải thưởng mang tên nhà hoạt động Lê Đình Lượng nhằm vinh danh những tổ chức hay cá nhân đang đấu tranh cho nhân quyền và tự do đích thực cho người dân Việt Nam. Tôi thật sự vui mừng khi thầy Nguyễn Năng Tĩnh là khôi nguyên giải thưởng mang tên người anh, người bạn của mình bởi cả hai đã có một quá trình kề vai sát cánh nỗ lực cho lý tưởng mình theo đuổi.
Hẳn có người tới nay vẫn chưa biết là cả hai anh đều là những người không xa lạ gì với nhau và với những ai hoạt động ở các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Sự đơn sơ và nhiệt huyết trên từng cây số có lẽ là điểm chung lớn nhất của hai anh. Ở một khía cạnh nào đó có thể nói cả hai anh là phần linh hồn của những ngọn nến sáng lung linh trong các cuộc cầu nguyện hàng ngàn người ở miền trung trong suốt nhiều năm qua. Bao nhiêu tù nhân lương tâm/chính trị bị bắt là những lần cả hai anh lặn lội khắp nơi để vận động các giáo xứ thắp nến cầu nguyện cho họ.
Thầy Tĩnh là giáo viên thanh nhạc trường Cao Đẳng Văn Hoá Nghệ Thuật Nghệ An, một địa vị xã hội mà nhiều người sẽ sẵn sàng bịt tai che mắt trước những ngang trái của thời cuộc. Thế nhưng thầy không vì chút tư lợi của mình mà ngậm miệng làm thinh trước các bất công. Ngược lại, thầy dùng chính lời ca tiếng hát của mình để góp phần vào công cuộc khai dân trí cho thế hệ tương lai. Trong các báo của nhà nước khi lên án thầy Nguyễn Năng Tĩnh đã nói rằng thầy lợi dụng vị trí của mình để “tuyên truyền chống chính quyền” với những việc như hát và dạy trẻ em hát các bài hát “phản động” như bài Trả Lại Cho Dân do nhạc sĩ Việt Khang sáng tác. Video các em nhỏ học sinh hát “trả lại cho nhân dân tôi quyền tự do quyền con người” từng lan truyền với hàng triệu view trên internet là lời khẳng định kiêu hùng về ý chí tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người.
Câu chuyện đằng sau bài hát đó mới thật đáng trân trọng. Các em nhỏ hát bài Trả Lại Cho Dân ở giáo xứ Đông Yên, tỉnh Hà Tĩnh. Giáo xứ Đông Yên nằm cạnh ngay khu công nghiệp nơi là tâm điểm của thảm hoạ môi trường biển miền trung do Formosa gây ra. Hơn 155 em học sinh không được đến trường một chính sách kìm kẹp để o ép tàn phá một xứ đạo bình yên. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã vượt cả gần trăm cây số tình nguyện đến đây để dạy học cho các em trong những ngày hè để bổ sung kiến thức và bù đắp những thiệt thòi mà nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã gây ra.
Tôi thường không quá ấn tượng với những gì quá lớn lao, dù dĩ nhiên nó rất đáng tuyên dương, nhưng lại ấn tượng với những gì nhỏ bé mà chạm vào tới sâu thẳm của mình. Thầy Nguyễn Năng Tĩnh từng tâm niệm rằng chẳng làm gì to tát, nhưng tiếng hát của thầy đã thức tỉnh bao con người. Đâu chỉ các em học trò được thầy dạy cho bài học về tìm kiếm sự thật, sống đời nhân nghĩa, chống lại bất công. Thầy đã gieo hạt giống tự do vào những học trò bé nhỏ. Và chính tôi, mỗi lần nghe lại những ca từ do các em hát không phải được thu âm từ các studio lại cảm thấy đầy sức sống hơn.
Có người từng nói rằng “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình.” Nền giáo dục nước ta còn thiếu những thầy cô không chỉ giỏi chuyên môn mà quan trọng nhất là thiếu người tâm huyết với thế hệ tương lai. Động lực nào đã thôi thúc thầy Tĩnh vượt trăm cây số để đến với các học sinh thiệt thòi? Đó là gì nếu không phải là tình thương, nghĩa đồng bào?
Thật ý nghĩa biết bao, trong ngày quốc tế nhân quyền năm nay, khi giải thưởng Lê Đình Lượng được trao cho thầy Nguyễn Năng Tĩnh vì tiếng hát lẻ loi trong nhà tù sẽ không bị lãng quên. Vâng, thầy đã dạy cho các em nhỏ hát từ giữa ngục tù rộng lớn. Và nay từ sau song sắt của nhà tù nhỏ, xin thầy cứ an tâm sẽ chẳng có ai chặn được tiếng hát của tự do đâu, thầy ạ./.
Leave a Comment