Cát-Tường Lê
Tháng 11, năm 2019, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật Lao Động sửa đổi cho phép công đoàn độc lập được thành lập, và luật này bắt đầu hiệu lực và đầu năm 2021. Cho tới hiện giờ, sự thành lập công đoàn độc lập vẫn gặp nhiều trở ngại, và người lao động Việt Nam vẫn đang bị bóc lột bởi các doanh nghiệp mà không có một tổ chức công đoàn nào dám đứng ra bênh vực họ.
Trong năm 2022, đã có hơn 41 ngàn người lao động bị cho thôi việc và gần nửa triệu người lao động bị các doanh nghiệp cắt giảm giờ làm việc một cách đáng kể. Cuộc sống của những người lao động này rất bấp bênh và đang gặp nhiều khó khăn. Hiện giờ, có tới 30 doanh nghiệp thiếu tiền lương của gần 7 ngàn người lao động, và số tiền có thể lên tới hơn 110 tỷ đồng. Hơn nữa, có khoảng 120 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của hơn 32 ngàn người lao động với tổng số tiền hơn 237 tỷ đồng.
Vậy, những người lao động bị các doanh nghiệp cho thôi việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Và liệu tiền trợ cấp thất nghiệp có đủ cho họ trang trải trong một thời gian giới hạn? Theo thư viện Pháp Luật của Việt Nam, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12-36 tháng thì mới được hưởng 3 tháng tiền thất nghiệp, và họ có thể hưởng thêm 1 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp cho mỗi 12 tháng mà họ đóng góp. Tiền trợ cấp thất nghiệp thì bằng khoảng 60% tiền lương.
Cách thiết lập các đòi hỏi để người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp này quá khắc nghiệt vì người lao động phải làm việc và đóng góp 6 năm mới có thể được hưởng 6 tháng tiền trợ cấp. Trong khi ở những nước phát triển khác như ở tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, người lao động đã có thể hưởng 6 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp, với đòi hỏi là họ chỉ cần làm ít nhất là 680 giờ làm việc.
Còn những người lao động bị tạm hoãn hợp đồng thì sao? Những người lao động bị tạm hoãn hợp đồng không được các doanh nghiệp trả lương và bảo hiểm xã hội. Họ cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì trên mặt pháp lý, những người công nhân lao động này vẫn còn hợp đồng với các doanh nghiệp. Họ cũng không thể ký hợp đồng mới với các doanh nghiệp khác cũng vì lý do trên. Đa số, những người lao động này phải làm những công việc khác tạm thời để trang trải cuộc sống.
Nếu xã hội Việt Nam có những công đoàn độc lập, được lập ra chỉ để bảo vệ và đòi hỏi quyền lợi cho người lao động thì thật tuyệt vời. Người lao động Việt Nam sẽ được trả lương và có bảo hiểm xã hội hay được bồi thường khi bị tạm hoãn làm việc. Các doanh nghiệp sẽ trăn trở nhiều hơn trước khi sa thải người lao động vì họ phải tìm ra lý do chính đáng. Các công đoàn độc lập còn có thể đàm phán với các doanh nghiệp và chính phủ để giảm các đòi hỏi hà khắc của việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với công đoàn độc lập, người dân sẽ được bảo vệ và hưởng các quyền lợi của họ nhiều hơn và cuộc sống sẽ vững vàng hơn./.
Cát-Tường Lê
Leave a Comment