RFA
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 29/11 cho rằng, trong một chế độ khi mà mức lương nhà nước chi trả cho công chức quá thấp, vốn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng cơ bản của họ, thì chuyện quan chức tìm cách “kiếm thêm”, hay còn gọi là tham nhũng, nhờ dựa vào chức vụ của họ là chuyện dễ hiểu. Ông Vũ nói tiếp:
“Nền kinh tế chạy được vì quan chức cần những mắc xích dự án chạy để họ nhận được “phí giấy tờ”.
Ngược lại, khi các quan chức bị soi xét một cách quá chặt chẽ chuyện tham nhũng, họ dần mất đi động lực để thúc đẩy các dự án chạy. Kết quả là mọi thứ sẽ bị ù lỳ.
Nhưng nếu không chống tham nhũng, tài sản của chính quyền nhanh chóng rơi vào túi của các quan. Trong những trường hợp khác, tham nhũng bẻ cong công lý và luật lệ, làm tổn hại lợi ích quốc gia. Việc tham nhũng tiếp tục sẽ khiến ngân sách trống rỗng và tài nguyên đất nước rơi vào túi một nhóm nhỏ người.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, song song với chống tham nhũng, muốn bộ máy xét duyệt dự án chạy được, chính quyền buộc phải tăng lương cho những quan chức nằm ở những bộ phận này. Để những vị trí đó trở thành một nơi cạnh tranh và hấp dẫn về đãi ngộ một cách lành mạnh, và luôn sẵn sàng để thay thế những người mới. Ông đưa ra giải pháp:
“Nhưng để có thể trả lương một cách hấp dẫn cho các vị trí trong chính quyền, buộc chính quyền trung ương phải sa thải bớt công chức hành chính, sắp xếp lại bộ máy hành chính tinh gọn hơn. Chẳng hạn, bỏ bớt lực lượng công an; bỏ bớt các cơ quan của Đảng, tinh giản bộ máy chính quyền các cấp, v.v.
Cuộc cải cách hành chính này do đó phải đi cùng một cuộc cải cách thể chế.
Ngược lại, nếu chỉ chống tham nhũng mà không cải cách thể chế thì cuối cùng mọi thứ sẽ trở về chỗ cũ.”
Leave a Comment