RFA
Hai “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước là EVN và Vietnam Airlines luôn kêu lỗ từ năm này sang năm khác nhưng vẫn “bình chân như vại” vì ở thế độc quyền. Vậy ai là người gánh những khoản lỗ như thế, nếu không phải là dân?
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết dự báo lỗ hơn 31.300 tỷ đồng trong năm 2022. Trước đó ít ngày, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) cũng đăng đàn kêu lỗ hơn 2.500 tỷ đồng trong quý 3 năm 2022.
Điệp khúc “lỗ”
Đây là hai doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước “than” làm ăn thua lỗ.
EVN được biết là doanh nghiệp độc quyền bán lẻ điện, theo lẽ đó, việc thua lỗ của EVN có ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế từ nhiều năm qua cho rằng cần xóa bỏ độc quyền trong ngành điện lực, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Cách đây hai năm Bộ Công thương từng “hứa hẹn” đến năm 2025, EVN sẽ hết độc quyền và người dân được đàm phán giá điện. Nhưng xem ra lộ trình năm năm mà Bộ Công thương đưa ra có hơi “quá sức”.
Năm ngoái, tại buổi tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc duy trì độc quyền quá lâu của EVN đã để lại hậu quả nặng nề. Bà nói:
“Nhà nước chỉ giữ lại một đơn vị duy nhất thôi. Tưởng để mình quản lý thì tốt nhất vì nó thuộc về mình, mình đầu tư tất cả cho nó, cán bộ mình bổ nhiệm, tất cả mọi hoạt động của nó mình kiểm soát 100%, bao nhiêu bộ ngành xúm vào quản lý, thế mà đó lại là nơi phát sinh ra nhiều vấn đề nhất, gây tổn thất nhiều nhất cho đất nước. Hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn các vụ việc xử lý với dầu khí. Điều đó chứng tỏ là những cái độc quyền nhà nước mang tính tự nhiên như vậy hoàn toàn không hợp lý, không còn cơ sở để duy trì nữa.”
Chia sẻ quan điểm của mình qua câu chuyện kinh doanh thua lỗ của các DN nhà nước, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn vào sáng 29/11 nói với RFA:
“Vấn đề là cái bộ máy hành chánh của Việt Nam khá nặng nề, rồi có những chi phí đầu tư không hiệu quả. Quản lý về mặt tài chánh thì không minh bạch. Tôi nghĩ đó là một số vấn đề liên quan tới làm ăn của các công ty quốc doanh bị thua lỗ. Thật ra những số liệu về kinh doanh của các công ty hay cơ sở có cổ phần hóa thì chưa hẳn là những số liệu thật. Đôi khi cũng có tình trạng là họ báo cáo lời nhưng thực ra họ lỗ, hoặc ngược lại.
Cũng có khi các công ty như EVN lấy tiền đầu tư qua lĩnh vực khác đó không phải của ngành điện, chẳng hạn như mở ra những cơ sở du lịch. Những cơ sở kinh doanh đó lỗ thì họ gộp chung lại với lỗ của ngành điện.”
Có thể thấy thị trường điện lực Việt Nam được phân chia thành bốn khâu, bao gồm: sản xuất, truyền tải, bán buôn và bán lẻ. Mặc dù Luật Điện lực của Việt Nam quy định Nhà nước chỉ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử, nhưng trên thực tế, EVN đang độc quyền ở tất cả các khâu, trừ sản xuất điện.
Nhà nước chỉ giữ lại một đơn vị duy nhất thôi. Tưởng để mình quản lý thì tốt nhất vì nó thuộc về mình, mình đầu tư tất cả cho nó, cán bộ mình bổ nhiệm, tất cả mọi hoạt động của nó mình kiểm soát 100%, bao nhiêu bộ ngành xúm vào quản lý, thế mà đó lại là nơi phát sinh ra nhiều vấn đề nhất, gây tổn thất nhiều nhất cho đất nước. -Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Trong tất cả các nguyên nhân gây lỗ, lãnh đạo EVN thường giải thích là do chênh lệch tỷ giá nhập khẩu điện; do biến động giá nhiên liệu khiến chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao…Hôm cuối tháng 9/2022, từ các con số báo lỗ của EVN, Bộ Công thương đã đề xuất “trao quyền” tự quyết điều chỉnh giá điện cho “ông lớn” này. Tuy nhiên đề xuất đó gặp phải sự phản đối từ không những người dân mà cả những chuyên gia kinh tế.
Ông Quang, một kỹ sư xây dựng nêu quan điểm của mình với tư cách người dân:
“Nhà nước chỉ nên độc quyền những doanh nghiệp mà tư nhân hoặc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước không có khả năng đầu tư, bởi vì nó không mang lại lợi nhuận cao, hoặc thậm chí không có lợi nhuận. Nhưng nó cần thiết cho nền kinh tế, cho xã hội cho nên Nhà nước mới cần phải đầu tư. Còn tất cả những doanh nghiệp khác đều có thể cổ phần hóa được hết.
Vietnam Airlines hay điện lực là những lĩnh vực mà tư nhân có khả năng đầu tư chứ không phải không. Cho nên ở đây Nhà nước chỉ muốn độc quyền. Và độc quyền thì giá điện tăng bao nhiêu người dân cũng phải chấp nhận. Mà nhà độc quyền thì nó sẽ thối nát. Phải có cạnh tranh thì mới có phát triển.”
Ngủ quên trong “bao cấp”
Thực tế, trong năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra EVN lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả, lỗ do biếu không đơn vị khác cả chục nghìn tỉ đồng. Thậm chí, giá thành bán điện còn bao gồm cả giá thành xây biệt thự, sân tennis…
Trước đó, theo kết luận thanh tra, trong năm 2011 công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ gần 77.000 tỷ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ gần 2.200 tỷ đồng.
EVN từng khai lỗ bằng cách chuyển khoản lỗ từ EVN Telecom để tính vào cho các doanh nghiệp điện lực rồi khai vào lỗ đầu tư điện lực nhằm quyết toán với Nhà nước.
Tương tự EVN, “ông lớn” khác trong ngành hàng không -Vietnam Airlines (VNA) cũng liên tục “than khóc” vì… lỗ. Ông Nguyễn Xuân Thủy, người phụ trách quản trị của VNA cho báo chí biết, kết quả kinh doanh trong quý ba và chín tháng đầu năm 2022 đều thua lỗ vì thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga – Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính như tỷ giá, lãi suất gia tăng.
Trong năm 2020 và 2021, VNA lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng, sau thuế.
Vietnam Airlines hay điện lực là những lĩnh vực mà tư nhân có khả năng đầu tư chứ không phải không. Cho nên ở đây nhà nước chỉ muốn độc quyền. Và độc quyền thì giá điện tăng bao nhiêu người dân cũng phải chấp nhận. Mà nhà độc quyền thì nó sẽ thối nát. Phải có cạnh tranh thì mới có phát triển. – Ông Quang
Sau hàng loạt báo cáo lỗ của các DN lớn, Chính phủ VN thường phải “nhúng tay” vào giải cứu. Và, đối với trường hợp của Vietnam Airlines, vào tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ tín dụng 12 nghìn tỷ đồng giải cứu cho hãng hàng không này.
Tuy đã nhận được gói hỗ trợ nhưng VNA vẫn thua lỗ, vẫn nợ rất lớn và đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết, theo cảnh báo của Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Nói về nguy cơ bị huỷ niêm yết, rời sàn chứng khoán, đại diện VNA cho báo giới biết: “Vietnam Airlines chưa nghĩ đến nguy cơ phải rời khỏi sàn chứng khoán, thời gian từ nay đến cuối năm vẫn còn, chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý”.
Vấn đề là vừa than lỗ xong, lãnh đạo VNA lại phấn khởi hồ hởi khi hôm 18/11, tổ chức YouGov công bố Vietnam Airlines là một trong 10 thương hiệu tốt nhất Việt Nam và là thương hiệu được giới thiệu nhiều nhất năm 2022. Đây là năm thứ tư liên tiếp Vietnam Airlines lọt vào bảng xếp hạng này. Nhiều cư dân mạng bình luận “lỗ càng to, top càng cao ????”.
Leave a Comment