Hàn Lam – VNTB
Lãi suất thực gấp 3 lần lạm phát khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực có biên lợi nhuận lớn như bất động sản.
“Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Trung ương sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế.
Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản lãi suất”, ông Lê Xuân Nghĩa – một chuyên gia về tài chính ngân hàng có phát biểu như vậy tại Đối thoại Điều hành tỷ giá USD – VND ở cuối tuần qua.
Ông Lê Xuân Nghĩa lưu ý rằng Châu Âu lãi suất 3% nhưng lạm phát lên 10%; Mỹ lạm phát 8%, lãi suất cho vay khoảng 3%/năm. Trong khi đó Việt Nam ngược lại. Điều này tạo gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong khoảng đầu quý III tới giờ thì doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn thực sự
Với doanh nghiệp, lãi suất và tỷ giá đều là hai gánh nặng trên vai tại thời điểm này.
Ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, năm nay là một năm rất khó khăn với ngành thép. Trong đó, tỷ giá đã khiến các doanh nghiệp thành viên của công ty tăng chi phí từ vài chục tỷ đồng lên tới 70 – 80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất thực sự đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là lý do khiến kết quả quý III/2022 của đa phần doanh nghiệp thép đều thê thảm.
Về lãi suất, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam chia sẻ thêm: “Vừa rồi, thậm chí có những doanh nghiệp chúng tôi được biết là phải đi vay nóng.
Mà vay nóng để xử lý những vấn đề tiền lương rồi những vấn đề sản xuất thì quả thật là không thể chấp nhận được. Cho nên, là chúng tôi kiến nghị chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem lại và để điều chỉnh cái lãi suất.
Mục tiêu của chúng ta để kiềm chế lạm phát, chúng ta đã thành công, nhưng tiếp tục với cái cơ chế lãi suất này thì hiện nay làm khó cho các doanh nghiệp. Mà mục tiêu của chúng ta là phải phục hồi kinh tế, mà muốn phục hồi kinh tế là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cái doanh nghiệp kinh doanh phát triển”, ông Ngọc kiến nghị.
Theo đánh giá của các chuyên gia, áp lực tỷ giá đang dịu dần nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn không thể chủ quan.
Ở chiều tích cực, có thể thấy lạm phát của các nước, đặc biệt là Mỹ giảm khá nhanh dù vẫn neo ở mức cao. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD cũng ghi nhận giảm từ đỉnh. Điều quan trọng hơn, nếu Mỹ kéo dài tình trạng đồng USD tăng giá như hiện nay thì kinh tế của Mỹ cũng đối diện nhiều áp lực. USD đắt ảnh hưởng rất xấu đến cán cân thương mại của Mỹ.
Do đó, các chuyên gia đánh giá sớm muộn gì Mỹ cũng phải tìm cách hạ chỉ số USD xuống bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giảm mức độ tăng lãi suất. Chuyên gia dự báo trong đợt tăng lãi suất gần nhất Mỹ có thể tăng lãi suất 0,5% và kỳ sau có thể 0,25%.
Tuy vậy, theo nhìn nhận của ông Lê Xuân Nghĩa, thì chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi đà tăng trưởng rất tốt, nhưng tình trạng như kể trên làm cho khan hiếm thanh khoản trong toàn bộ nền kinh tế và lãi suất này sẽ làm cho đà phục hồi bị chững lại.
“Tôi nghĩ rằng nếu không cẩn thận thì nó có thể lan truyền từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sang thị trường cổ phiếu, sang thị trường bất động sản. Đến lúc bấy giờ đang từ tự chủ, cả thế giới đang ca ngợi Việt Nam là quốc gia quản lý vĩ mô tốt lại rơi xuống tình trạng tệ hại, thậm chí hơn cả những quốc gia đang gặp khó khăn về lạm phát. Trong khi đó thì chúng ta không lạm phát gì ghê gớm”, ông Lê Xuân Nghĩa bình luận.
Giải thích về thực trạng này, vị chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do phương pháp điều hành. Tiền trong lưu thông rất thiếu. GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%, trong khi cung tiền chỉ tăng 3%. Năm ngoái, cung tiền tăng 11% trong khi GDP và lạm phát cộng lại chỉ 4,5%, tức năm ngoái dư thừa 6,5%, nên mới kéo dài tăng trưởng sang quý I – quý II năm nay. Nhưng đến quý III/2022 thì thanh khoản bắt đầu có vấn đề.
“Nhưng Ngân hàng Nhà nước lại gặp khó khăn là muốn bơm tiền ra thì phải mua trái phiếu chính phủ vào, song điều này phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại, trong khi đó các ngân hàng thương mại lại đã trót mang trái phiếu chính phủ đi thế chấp.
Nếu không mua được trái phiếu chính phủ, tiền không được bơm ra. Chúng tôi rất lo ngại, về cuối năm, thanh khoản của toàn nền kinh tế đang tính từng ngày”, ông Lê Xuân Nghĩa cảnh báo về bức tranh kinh tế đầy ảm đạm trong khi Tết cổ truyền đang cận kề…
Leave a Comment