Hoài Nguyễn -VNTB
Tổng bí thư: Người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải truy tố, xét xử, không thể thoát được.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều này trong phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai’.
Vậy ai đã chống lực cho bà: quan chức cao nhất trong chính phủ, hay lãnh đạo cao nhất của Đảng mà giờ cần phải xử gấp, bất chấp chuyện bà Nhàn đã bóng chim tăm cá…
Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật” – trích phát biểu hôm 18/11/2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong ý phát biểu trên, công luận hiểu rằng ông Nguyễn Phú Trọng ngầm nhắc đến vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Tại buổi làm việc thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết thúc hôm 18/11/2022, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nói rõ ở vụ án AIC và việc các bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bỏ trốn nhưng vẫn bị đề nghị truy tố là thực hiện theo yêu cầu của Tổng bí thư, vì ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói trước công luận rằng dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật.
“Hiện nay Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu các quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Nếu trốn ra nước ngoài, quy định của pháp luật chúng ta vẫn có thể xử vắng mặt thì tiến hành xử vắng mặt” – ông Học dẫn lại Khoản 2 điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì có thể xét xử vắng mặt.
Góc nhìn khác, một số nhà quan sát cho rằng cần xử nhanh vụ án liên quan bị can đầu vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vì nếu bà Nhàn xuất hiện trước tòa và được luật sư yêu cầu làm rõ nhiều tình tiết thì rất có thể đe dọa cả một vương triều thuộc một trong ba nhiệm kỳ mà ông Nguyễn Phú Trọng ngồi ghế Tổng bí thư.
Tóm tắt về riêng vấn đề này: Ông Trần Đình Thành – cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – khai vào năm 2010, khi bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu – cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – báo cáo ông Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho phần thiết bị bổ sung.
Ông Thành điện thoại bà Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn trung ương và được bà Nhàn đồng ý.
Sau đó, việc xin vốn diễn ra thuận lợi. Bà Thu hiểu bà Nhàn đã tác động đến cơ quan trung ương để hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong việc tăng vốn cho dự án. Qua đó, Công ty AIC được tỉnh tạo điều kiện trúng thầu cung cấp phần trang thiết bị cho dự án.
Nhưng cụ thể bà Nhàn và lãnh đạo tỉnh tác động như thế nào lên trung ương để việc xin vốn diễn ra thuận lợi thì bà Thu không biết.
Tương tự, lời khai của ông Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng hé lộ “quyền lực ngầm” của bà Nhàn. Ông Thái khai năm 2009, thông qua giới thiệu của ông Thành, ông Thái đã được bà Nhàn đặt vấn đề tạo điều kiện cho AIC tham gia và trúng thầu các gói thầu dự án bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Năm 2010, ông Thái ký quyết định bổ sung chi phí thiết bị y tế cho dự án với số tiền 754 tỉ đồng, mục đích là để bà Nhàn hỗ trợ tỉnh xin vốn ngân sách trung ương nên ông Thái biết phải tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.
Trong khi đó, ông Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khai biết bà Nhàn từ đầu năm 2010 thông qua giới thiệu của ông Thành. Công ty AIC đã trúng một gói thầu cung cấp máy can thiệp tim mạch trị giá trên 10 tỉ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai cũ. Ông Vũ biết bà Nhàn có mối quan hệ “lớn”, thường xuyên giao tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Như vậy chỉ với tình tiết ông Thành điện thoại bà Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn trung ương và được bà Nhàn đồng ý, cho thấy khi mà một bí thư tỉnh, to nhất tỉnh mà phải “xin” và được “đồng ý” thì quả là thế lực của bà Nhàn không hề nhỏ.
Vậy ai đã chống lực cho bà: quan chức cao nhất trong chính phủ, hay lãnh đạo cao nhất của Đảng mà giờ cần phải xử gấp, bất chấp chuyện bà Nhàn đã bóng chim tăm cá…
Leave a Comment