Phạm Minh-Tâm
Mới đấy mà biến-cố tang-thương 01-11-1963 thời Đệ-nhất Cộng-hoà đã quá nửa thế-kỷ rồi. Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và người em Ngô-Đình Nhu bị sát-hại ngay ngày hôm sau 02-11-1963 đến nay cũng tròn 59 năm. Rồi nửa năm sau, thêm một người nữa của gia-đình là ông Ngô-Đình Cẩn bị hành-quyết tại khám Chí-hoà vào chiều ngày 09-5-1964, vì người ta muốn “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Cái gốc tự-trọng và tự-tôn dân-tộc, cái gốc vì luôn mang tâm-thức về tinh-thần Quốc-gia và đặt chủ-quyền đất nước lên trên hết. Vì vậy mà chống cả ngoại-bang lẫn cộng-sản.
Hành-sự này của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm khó ai theo kịp nên một số cá-nhân, phe nhóm vẫn cố dùng biến-cố Phật-giáo để kết tội ông, gỡ tội cho mình, cho phe nhóm và tập-thể mình.
Việc trước nhất người viết nhớ lại là ngày 26-10-1963, Quốc-khánh thứ chín mà cũng là quốc-khánh cuối cùng kể từ khi Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm trở thành Tổng-thống, chính-thức khai-sinh nền Đệ-nhất Cộng-hoà vào ngày 26-10-1955. Cũng đồng thời, Quân-đội Quốc-gia khi được thành-lập ngày 08-12-1950 trực-thuộc Quốc-trưởng Việt-Nam nay đổi thành Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa và Tổng-thống Ngô-Đình Diệm là Tổng-tư-lệnh.
Khi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đứng đọc diễn-văn trước một cử-toạ toàn những khuôn mặt quá quen thuộc của các Tổng, Bộ-trưởng trong Chính-phủ, các tướng tá trong Quân-lực, các đại-diện tôn-giáo và các quốc-khách trong Ngoại-giao đoàn, thì chắc-chắn ông và một số người hiện-diện không dám nghĩ rằng lẫn trong các thành-phần đẹp-đẽ kia có một đám như lang sói trá-hình, đang nhìn ông trong tâm-trạng chờ con mồi sa bẫy.
Vào ngày Quốc-khánh này, trong lời hiệu-triệu quốc-dân được phát đi qua làn sóng điện Đài Phát-thanh trên toàn-quốc, tôi nhớ nhất là thành-ngữ “thắt lưng buộc bụng” Tổng-thống Ngô-Đình Diệm dùng kêu gọi đồng-bào chịu khó cùng ông tiếp-tục xây-dựng Đất Nước và chống cộng-sản mà không cần viện-trợ của Mỹ nếu họ muốn cắt. Đây không chỉ là phản-ứng tự-nhiên từ cá-tính cương-trực của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, mà là sự chọn lựa giữa chính-nghĩa về hai chữ “độc-lập” và “tự-chủ”, cũng là tấm lòng trung-trực của bất kỳ người Việt-Nam nào có niềm tự-hào đã ăn sâu, là di-sản chống ngoại-thuộc của đất nước đã có trên bốn ngàn năm. Nhất là sau khi Việt-Nam vừa thoát ra khỏi thời-kỳ Pháp-thuộc gần một thế-kỷ nên Tổng-thống Ngô-Đình Diệm cương-quyết không muốn lại bị lệ-thuộc vào Hoa-kỳ dưới bất cứ hình-thức nào. Thành vậy, ông đã có những phản-ứng cương-quyết chống lại việc Hoa-kỳ cứ càng ngày càng đòi tăng số-lượng người Mỹ tại Miền Nam. Và ông đã trở thành cái gai trong mắt Tổng-thống Kennedy, những chính-khách Mỹ đang muốn đảo-chính ông. Cụ thể là Đại-sứ Hoa-kỳ Henry Cabot Lodge.
Và như tác-giả Nguyễn Tiến Hưng đã viết…Tổng-thống Ngô-Đình Diệm không biết nhiều về ông Lodge nhưng khi nghe tin ông là người cứng rắn sắp thay thế ông Nolting làm đại-sứ, ông Diệm tâm sự với Bộ-trưởng Thuần “Họ có thể gửi mười ông Lodge sang, nhưng tôi không thể để cho chính tôi hay đất nước này bị nhục mạ, dù họ có chĩa đại bác vào dinh Độc Lập” (Khi Đồng Minh nhảy vào. Trang 445- 446).
Chỉ mấy ngày sau, cái bẫy chính-trị tồi-tệ đã sập xuống Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và người em là ông Ngô-Đình Nhu; xuống toàn-bộ nền Đệ-nhất Cộng-hoà, đem di-lụy cho Miền Nam đến ngày 30-4-1975.…
Một trong các mối đại-hoạ của đất nước Vìệt-Nam là càng ngày càng sản-sinh quá nhiều loại chính-khách hoạt-đầu xôi-thịt, lúc nào cũng đầy tâm-điạ ghét ganh nên cứ bị ngoại-nhân lợi-dụng, sai đâu làm đó.
Rồi đến “đồng minh” Mỹ qua ông đại-sứ Henry Cabot Lodge, chỉ lo âm-mưu lật-đổ Chính-phủ mà ông đến trình ủy-nhiệm-thư. Còn những tướng tá Việt-Nam, vì ham-danh háo-lợi nên cam lòng làm bung-sung, làm phu quét dọn hiện-trường cho Hoa-kỳ, sau khi Tổng-thống Kennedy chỉ-đạo …đã đảo-chính thì phải thành-công. Đây chính là một thứ “lệnh hành-quyết” ban ra cho Cabot Lodge thi-hành và đao-phủ là Hội-đồng Quân-nhân Cách-mạng. Họ đã tự-nguyện làm đao-phủ cho Hoa-kỳ thi-hành bản án tử-hình với Đệ-nhất Cộng-hoà, với anh em Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, với các chiến-hữu cùng một tập-thể huynh-đệ chi binh.…Và rồi cũng từ tâm-địa phản-phúc này, họ đã phản-bội luôn anh-linh của biết bao chiến-sĩ đã bỏ mình để bảo-vệ miền đất tự-do.
Vậy, thủ-phạm không phải là một cá-nhân, một đoàn-thể, một phe nhóm, một tập-đoàn chính-trị…mà là tổng-hợp của nhiều hướng gặp nhau…Từ chùa, từ nhà thờ, từ Bộ Tổng-tham-mưu Quân-lực Việt-Nam Cộng-hoà, từ ngay cả trong Dinh Gia-long, trong Toà Bạch-cung bên Hoa-thịnh-đốn và từ Miền Bắc đi vào.
Biết Tổng-thống Ngô-Đình Diệm có thói quen hay dùng những dịp nghỉ lễ để đi thăm dân-tình tại các vùng xa, đặc-biệt là ngày 01-11-1963 nhằm ngày Thứ Sáu, là Lễ Các Thánh trong sinh-hoạt tâm-linh của Công-giáo, cũng là ngày lễ nghỉ cho học-sinh và công-chức từ thời Pháp vẫn còn áp-dụng, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm sẽ đi viếng Nghĩa-trang Quân-đội, cho nên để cầm chân Tổng-thống Ngô-Đình Diệm ở Sài-gòn, Cabot Lodge đã xin hẹn đưa Đô-đốc Marry Felt, Tư-lệnh các Lực-lượng Mỹ tại Viễn-đông đến Dinh Gia-long thăm vào sáng 01-11-1963. Và trong câu chuyện, ông này vẫn còn nói hy-vọng tình-hình chính-trị sẽ tốt hơn. Sau đó, Đô-đốc Marry Felt rời Sài-gòn ngay. Thì ra, trong địa-hạt chính-trị, càng tai to mặt lớn càng gian manh, khó lường.
Khi tên ông tướng Trần Thiện Khiêm và các nhân-sự đồng-mưu được xướng lên qua làn sóng điện cho cả nước nghe là lúc bàn cờ đảo-chính đã được bày-bố theo chỉ-đạo trực-tiếp của Lucien Conein, một nhân-viên C.I.A, có mặt tại Bộ Tổng-tham-mưu ngay từ đầu. Tất cả được núp bằng một cuộc họp theo định-kỳ.
Đại-tá Nguyễn Cao Kỳ có nhiệm-vụ chuẩn-bị sẵn một số máy bay, phòng khi đảo-chính không thành-công thì các tướng tá này có sẵn phương-tiện chạy trốn ngay. Chi-tiết này về sau đã được hai tác-giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt xác-nhận trong cuốn “Nam Việt-Nam 1954-1975 những sự thật chưa hề nhắc tới” như sau…Khi hay tin tổng thống Diệm đã rời khỏi dinh Gia Long, nhóm đảo chính hết sức bối rối lo sợ, người nọ đổ lỗi cho người kia, nhiều người bỏ phòng họp ra ngoài lẩn tránh. Thấy tinh hình biến chuyển mau lẹ và nguy hiểm, tướng Minh kéo một số tướng tá ra góc phòng trấn an: “toa” đừng có lo, “moi” đã liệu rồi, trung tá Nguyễn Cao Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng hai Dakota C-47 bên liên đoàn vận tải để cho chúng ta và gia đình đi khỏi nơi này nếu cần…(sách đã dẫn, trang 244-245).
Để bảo-đảm cho cuộc đảo-chính nhiều hy-vọng thành-công, các tướng lãnh chủ-mưu đã vô-hiệu hoá cá-nhân tướng tá nào họ cho là trung-thành với chế-độ bằng cách giam riêng hoặc giết ngay tại chỗ. Có bốn sĩ-quan bị xếp vào thành-phần thân-tín của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm bị giam riêng lại là Đại-tá Cao Văn Viên, Tư-lệnh Lữ-đoàn Nhảy Dù; Trung-tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư-lệnh Liên-binh Phòng-vệ Phủ-tổng-thống; Thiếu-tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh-trưởng Gia-định và Đại-tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư-lệnh Không-quân.
Đại-tá Tư-lệnh Hải-quân Hồ Tấn Quyền, dù chưa biết việc gì xẩy ra nhưng ngay khi được mời đến họp đã từ-chối. Ông nổi tiếng trung-thành với Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, nhất là từ khi binh-chủng Hải-quân hạ được chiếc máy bay của phi-công Phạm Phú Quốc bỏ bom Dinh Độc-lập năm 1962. Vì thế các tướng lãnh phải nghĩ đến loại-trừ trước. Họ mua chuộc được hai sĩ-quan Hải-quân, dùng lý-do mời Đại-tá Hồ Tấn Quyền đi Thủ-đức để mừng sinh-nhật của ông. Một cơ-duyên sau này, tôi được Hồ-Tấn Bích-Thuỷ là con gái lớn của Đại-tá Hồ Tấn Quyền kể, ông Hồ Tấn Quyền ra đi cùng họ, không đem theo sĩ-quan tuỳ-viên, nên bị họ áp-đảo, bị bắn chết và vất xác trên xa-lộ.
Tiếp đến là Đại-tá Lê Quang Tung, Tư-lệnh Lực-lượng Đặc-biệt, một sĩ-quan tình-báo quan-trọng, còn trẻ và được các tướng tá đồng-thời nể-nang vì có tài và có đức. Đại-tá Lê Quang Tung đến Bộ Tổng-tham-mưu họp như thường-lệ và bị quản-thúc ngay trong phòng họp. Khi cuộc bàn cãi về việc đảo-chính đến lúc căng-thẳng, Đại-tá Lê Quang Tung đứng dậy tỏ thái-độ phản-đối quyết-liệt nên bị quân-cảnh áp-giải ra khỏi phòng, không ai biết thêm gì nữa. Em trai ông là Thiếu-tá Lê Quang Triệu, đang ở Thủ-đức nghe tin có đảo-chính, vội về Tổng-tham-mưu tìm anh, cũng bị bắt giữ ngay sau khi Đại-tá Lê Quang Tung vừa bị áp-giải đi và cùng bị sát-hại ngay sau đó. Cho đến nay, khi viết đến những dòng này, cũng đã 59 năm trôi qua, gia-đình cả hai anh em ông Đại-tá Lê Quang Tung và Thiếu-tá Lê Quang Triệu vẫn chưa tìm ra chút dấu tích nào.
Như vậy, đang khi các tướng tá quây-quần trong một căn phòng tại Bộ Tổng-tham-mưu Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa, xưng danh là Hội-đồng Quân-nhân Cách-mạng, dưới sự điều-động của một nhân-viên C.I.A để “làm cách-mạng”, thì bàn tay các ông đã vấy máu ba “huynh-đệ chi binh” của mình. Nếu Đại-tá Tư-lệnh Hải-quân Hồ Tấn Quyền và Đại-tá Tư-lệnh Lực-lượng Đặc-biệt Lê Quang Tung bị giết vì tội liên-can đến chế-độ Đệ-nhất Cộng-hoà, thì như tác-giả Lê Tử Hùng viết…ngay ở căn bản Hội Đồng Tướng Lãnh phải cùng chung số phận…vì những sao đeo trên cổ, những hoa mai đeo trên vai của các Tướng Lãnh đều chớm nở dưới bầu trời chế độ Diệm…(Những cái chết trong cách mạng 1-11-1963. Trang 72).
Tiếng súng đảo-chính bắt đầu khoảng một giờ rưỡi ngày 01-11-1963.
Theo kế-hoạch của Hoa-kỳ mà Cabot Lodge và Lucien Conein đề-xuất, đích-điểm phe đảo-chính nhắm là bắt cho được Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và ông Ngô-Đình Nhu. Cũng khó biết rõ về các binh-chủng hay đơn-vị quân-lực nào theo hay chống đảo-chính, bởi lẽ các chỉ-huy của họ đều đã bị cầm chân tại Bộ Tổng-tham-mưu theo nhiều cách như đồng-tình với chủ mưu đảo-chính, bị ép vào thế phải xuôi theo chiều hoặc bị cô-lập giam lỏng hay vị Tư-lệnh của họ đã bị sát-hại như hai binh-chủng Hải-quân và Lực-lượng Đặc-biệt.
Sáng ngày 02-11, Đại-sứ Úc-đại-lợi là Brian Clarence Hill đề-nghị với Cabot Lodge cùng đi gặp các tướng lãnh can-thiệp đừng sát hại Tổng-thống Ngô-Đình Diệm nhưng Cabot Lodge từ-chối. Sau đó, ông Brian Clarence Hill và hai tuỳ-viên quân-sự đến thẳng Bộ Tổng-tham-mưu đòi gặp các tướng lãnh đảo-chính để trình-bày mục-đích mà ông không biết khi đó thi-thể hai anh em Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đã nằm trong chiếc thiết-vận-xa M-113 trước mặt ông.
Giờ này chỉ nhớ lại mà đầu óc tôi vẫn chập-chờn theo những cảm-xúc còn bềnh-bồng. Chỉ không đầy 24 giờ đồng hồ mà tiền-đồ nước tôi đã thay đổi vì cuộc biến-loạn như cơn lốc, xoáy vào đời sống Miền Nam đến chóng mặt với nhiều xáo-trộn sau đó xẩy đến cho đất nước tôi như căn nhà bị bão-tố lật tung. Chưa có cuộc cách-mạng, đảo-chính hay biến-loạn gì khác mà mau chóng như vậy.
Về ba người con của ông bà Ngô-Đình Nhu là Ngô-Đình Trác lúc đó mới 15 tuổi, đang cùng hai em là Ngô-Đình Quỳnh và Ngô-Đình Lệ-Quyên ở Đà-lạt, đã được người sĩ-quan tuỳ-viên đưa vào trốn trong rừng. Hội-đồng Quân-nhân Cách-mạng vừa phái quân-đội vào rừng tìm kiếm vừa cho trực-thăng bay lượn trên vùng trời cao-nguyên kêu gọi sĩ-quan tuỳ-viên đem ba anh em họ ra khỏi rừng. Báo-chí thuật lại là lúc đầu sĩ-quan tuỳ-viên không tin-tưởng vào lời kêu gọi, vẫn tiếp-tục đưa họ đi vào rừng sâu. Song vì cô em út Ngô-Đình Lệ-Quyên đang lên cơn sốt nên chính Ngô-Đình Trác quyết-định nói sĩ-quan tuỳ-viên liên-lạc để đưa em về chữa bệnh. Tôi nhớ câu chuyện này mãi cho đến khi đi gặp được đoạn kể của tác-giả Mai Thạch Lê Nguyên Phu mới hết bùi-ngùi…Câu chuyện thầm kín này do chính ông Huỳnh Hữu Nghĩa, cựu Bộ Trưởng Bộ Lao Động, đồng chí thân thiết của ông Ngô-Đình Nhu từ năm 1952, kể lại cho tôi nghe sau ngày 1-11-1963. Ông Huỳnh Hữu Nghĩa cho tôi biết một hôm ông vào Dinh Gia-Long thăm ông Nhu, trong lúc bên ngoài tình hình vì vụ Phật Giáo đã trở nên nghiêm trọng, bất ổn. Ông Nghĩa nói với ông Nhu: “Anh con cái nhiều, sao anh không cho các cháu ra ngoại quốc để tránh những diễn biến bất ngờ trong nước.” Ông Nhu lúc đối thoại với thân hữu vẫn dùng hai tiếng toa (toi) moa (moi) để trả lời ông Nghĩa như sau: “Toa cũng biết, cái đường lối và mục đích của moa là muốn phục vụ đất nước, tránh cái họa Cộng Sản cho nhân dân Miền Nam. Vậy dù có gian nan nguy hiểm mấy, moa cũng không chùn bước và sẵn sàng chấp nhận mọi sự hy sinh lớn lao. Con cái của moa chúng nó đều biết đã sinh ra trong gia đình này, tất nhiên phải chịu chung hoạn nạn với gia đình và đất nước như cha mẹ. Đó là một điều vô cùng hãnh diện cho các con, nên moa không muốn chúng đi ra nước ngoài…(Trong Bóng Tối Lịch Sử. Trang 177).
Dù đã cố gắng ngăn chặn giới truyền-thông ngoại-quốc, song hình ảnh hai anh em Tổng-thống Ngô-Đình Diệm mình-mẩy đẫm máu nằm chết, hai tay bị trói quặt phía sau lưng với nhiều vết dao đâm, vết đạn bắn, do một ký-giả ngoại-quốc ghi được đã nhanh chóng tố-cáo với dân-chúng Hoa-kỳ và thế giới về tội ác dã-man và kinh-tởm của chính-quyền Kennedy, của Hoa-kỳ và những kẻ a-dua thừa-hành. Vừa để tránh các phản-ứng bất-lợi từ giới ngoại-giao tại Sài-gòn, để làm dịu bớt sự phẫn-nộ của công-luận thế-giới đối với Hoa-kỳ vừa từ sự vận-động của bà Ngô-Đình Nhu, người con gái lớn Ngô-Đình Lệ-Thuỷ và nữ ký-giả Marguerite Higgins, ba người con của ông bà Ngô-Đình Nhu đang nằm trong tay phe đảo-chính đã được mau chóng ra đi theo cách nói là vì lý-do nhân-đạo.
Có ai trả lời cho tôi là nếu không nhân-đạo thì sao đây…?
Đại-tá Nguyễn Hữu Duệ, vào thời khắc đảo-chính, đang giữ chức Tư-lệnh Lữ-đoàn Phòng-vệ Phủ Tổng-thống, sau này viết lại trong cuốn “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô-Đình Diệm”…khi được tin báo về lực-luợng phòng-vệ của các tướng tá đảo-chính rất lỏng-lẻo, ông đã xin được đem lực-luợng thiết-giáp đến Tổng-tham-mưu bắt hết, nhưng Tổng-thống không chịu, lại còn ra lệnh cho sĩ-quan tuỳ-viên…bảo Duệ đừng nóng nảy, Tổng Thống đang liên lạc với các tướng lãnh để cố tránh đổ máu….(trang 92).
Những lời xác-nhận ông Cao Xuân Vỹ sau đây, có thể lý-giải phần nào phong-cách của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm khi gần như ông không cố tìm cách đối-đầu hay triệt-hạ nhóm tướng tá phản-loạn trong thời-gian xẩy ra đảo-chính như sau:
…Chính tôi nghe điện-thoại của ông Duệ và trình lên Tổng Thống. Tổng Thống la tôi: các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ An các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả? Tôi thưa: nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng Thống. Chẳng lẽ để phải chết sao? Ông quát lên: chết thì đã sao…
Đúng, đối với ông chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần của Miền Nam. Ông còn nói quân đội là để bảo vệ tổ quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng Thống. Ông bảo tôi liên lạc với ông Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc Hội yêu cầu cho triệu tập Quốc Hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Nhưng tôi gọi ông Lễ bốn lần không được. Lúc ấy không phải chỉ có Lữ Đoàn xin lên tấn công tổng hành dinh của nhóm đảo chính. Mà còn có cả một đại đội biệt kích của Lực Lượng Đặc Biệt đi hành quân ở Tây Ninh vừa về đến Sài Gòn cũng báo cáo là lực luợng phòng vệ của các tướng đảo chính ở Tổng Tham Mưu rất yếu, đại đội biệt kích xin phối hợp với hai tiểu đoàn của Lữ Đoàn Phòng Vệ phủ Tổng Thống để đột kích vào bắt hết các tướng đảo chính. Tướng Phạm Văn Phú, lúc ấy còn là thiếu tá tiếp xúc với tôi về việc này. Nhưng như vừa nói, Tổng Thống không chấp thuận.
Viên đại úy đại đội trưởng Biệt Kích đề nghị cho lực luợng của Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có xe bọc thép dẫn đầu tiến tới bao vây bộ Tổng Tham Mưu, còn đại đội của anh ta sẽ đột kích bọc hậu từ phía sân vận động vào bắt sống các tướng. Tôi rất buồn bực và lấy làm khó hiểu tại sao ông cụ lại không cho đánh. Ông Nhu ngồi cạnh đó cũng chẳng nói gì…(Minh Võ. Ngô-Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc. Trang 291-292).
Thiết-tưởng bấy nhiêu đó cũng đã quá đủ để hiểu lẽ thắng thua, chính-tà trong cuộc bạo-loạn ngày 01-11-1963. Phần tôi, từ trong các nguồn tài-liệu đa-dạng sau này, tôi đã tìm được cho mình nhiều câu trả lời minh-bạch về những điều vẫn ấm-ức từ hơn nửa thế-kỷ trước.
Lý-do đơn-giản, trước tháng 11-1963, tôi đã từng quen tên, biết mặt tất cả trên báo-chí, ít nhất cũng bằng tâm-thức trong sáng của một người trẻ đầy niềm tự-hào với suy nghĩ thế-hệ mình còn được ngồi trên ghế nhà trường là nhờ vào sự nỗ-lực của thế-hệ đàn anh này đang hết lòng bảo-vệ hậu-phương và tận tình chiến-đấu với cộng-sản ngoài tiền-tuyến. Rồi giờ này, cũng lại những bậc đàn anh đó quay mũi súng lại giết nhau, phá đổ một chế-độ mà chẳng có kế-hoạch cụ-thể gì cho Đât Nước, đã để Miền Nam sau đó chỉ còn là chốn tranh hùng tranh bá, đảo-lộn kỷ-cương.
Tác-giả Nguyễn Tiến Hưng dẫn-chứng lại trong sách “Khi Đồng Minh Nhảy Vào”…Theo như ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ tá Chính trị của Tổng thống Thiệu, thì chính ông Thiệu đã kể lại rằng “nếu ông Diệm và ông Nhu không ra trình diện vào sáng ngày 2 tháng 11, chỉ cần nán lại tới trưa cùng ngày thì các tướng lãnh sẽ lên máy bay chạy hết vì lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau” (trang 521).
Nhà thờ cha Tam đã đi vào lịch-sử khi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đã chọn đến vào giờ cuối cùng còn trong tư-thế vị Nguyên-thủ nền Đệ-nhất Cộng-hoà và Tổng-tư-lệnh Quân-lực Việt-Nam trước khi ông bị các tướng lãnh dưới quyền bắt đem đi tế-sát cho tham-vọng của họ và bạo-lực của siêu-cường Hoa-kỳ. Lúc Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và ông Ngô-Đình Nhu bị đẩy lên thiết-vận-xa M-113, đều đang trong y-phục chỉnh-tề. Lộ-trình từ Chợ-lớn về đến Tổng-tham-mưu cũng không xa và chỉ có mấy phút ngừng chờ xe lửa ngang qua làm sao kịp cho Đại-uý Nguyễn Văn Nhung mở nắp xe bắn xuống một loạt đạn như nhiều tướng tá tuyên-bố, sao thân-thể hai ông vừa bị trói vừa đầy các thương-tích như bị đánh-đập, bị tra-tấn. Và ai đã kê cái chậu để hấng máu dưới đầu Tổng-thống Ngô-Đình Diệm…
Và xin dẫn chứng dăm ba nhận-định của một học-giả và các nguyên-thủ siêu-cường nói về Tổng-thống Ngô- Đình Diệm thay cho nén hương bái-vọng.
Denis Warner, học-giả người Úc, đã gọi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm là…Người hiền-triết Khổng-giáo cuối cùng (The Last Confucian). Tổng-thống Pháp, Vincent Auriol, ghi trong tập hồ-sơ lưu-trữ Journal du Septennat… Một người quốc-gia thuấn-tuý. Một người đã chống đối lại chúng ta một cách kịch-liệt. Một người rất khó để có thể điều-khiển nhưng trung-thực và liêm-khiết. Rất là đố-kỵ với “thối nát lúc nhúc” chung quanh Bảo Đại và là người có uy-tín lớn-lao”…
Tổng-thống Hoa-kỳ Eisenhower gọi ông là con người của phép lạ ở Á-châu (the miracle man of Asia).
Tổng-thống Hoa-kỳ Lyndon Johnson đã thú nhận “Tôi nghĩ chúng ta đã lầm khi không ủng hộ Ông Ngô-Đình Diệm và tôi tin rằng việc sát hại ông Ngô-Đình Diệm đã tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng…
Tổng-thống Richard Nixon thì nhận-định: Tổng-thống Diệm ổn định Việt Nam, ví như viên Đá Đỉnh Vòm giữ vòm nhà đứng vững. …. Chỉ khi nào đá đỉnh vòm được lấy đi, người ta mới thấy là nó quan trọng. Thì cũng y hệt như vậy, chỉ khi Ông Ngô-Đình Diệm chết rồi, toàn thể hệ thống chính trị miền Nam Việt Nam sụp đổ tan tành, người ta mới nhận rõ vai trò sinh tử của ông ta….
Tổng-thống Kennedy, người quyết- định cho đại-sứ Cabot Lodge đảo-chính, mà chỉ hai ngày sau khi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm bị sát-hại đã phải đọc cho nhân-viên ở Bạch-cung viết xuống bản ghi nhớ ngày 04-11-1963, trong đó có câu rằng… Tôi cảm thấy rằng chúng ta phải chịu phần lớn trách nhiệm…(I feel that we must bear a good deal of responsibility… (Nguyễn Tiến Hưng. Khi Đồng Minh nhảy vào. Trang 671).
Melbourne, nhân ngày 02-11-2022
Nguồn: Thời Luận – https://www.dropbox.com/s/ebvvbldp3l4f6h1/baothoiluan11032022.pdf?dl=0
Leave a Comment