Bộ Tài chính Việt Nam vừa ra thông báo nói rằng nhà đầu tư cần phải tự đánh giá mức độ rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định của họ trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, theo tường thuật của báo chí Việt Nam hôm 14/11.
Tin cho hay Bộ Tài chính giải thích rằng trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.
Bộ khẳng định trái phiếu doanh nghiệp không phải là loại hình tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và có độ rủi ro cao hơn sản phẩm này. Phần chênh lệch lãi suất cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp, bộ nói.
Vì bản chất như vậy, nhà đầu tư cần phải tự đánh giá về mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, về hạn chế trong giao dịch trái phiếu, và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, bộ lưu ý.
Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định nêu trong tài liệu liên quan đến trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp, bộ khuyến cáo, và nói thêm rằng nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.
Thông báo mới nhất của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh những ngày gần đây có nhiều người biểu tình trước trụ sở Ủy ban chứng khoán nhà nước Việt Nam và một số chi nhánh ngân hàng vì họ lo sợ bị mất các khoản tiền đầu tư vào trái phiếu của một số doanh nghiệp.
Theo số liệu nêu trong một bài báo hôm 14/11 của tạp chí Kinh Tế Sài Gòn online, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021.
Trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng, số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là gần 909 nghìn tỷ đồng, các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 nghìn tỷ đồng.
Thông báo vừa được Bộ Tài chính đưa ra thừa nhận rằng đi cùng với sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện “một số tồn tại”.
Đó là có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế; một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ; một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp; một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết phía nhà nước “sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát” cùng với “các giải pháp xử lý nghiêm” để giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp điều chỉnh, hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn.
Thông báo mới nhất của bộ thể hiển một tinh thần khác so với cách đây hơn một tháng. Theo tìm hiểu của VOA, nói với báo chí hôm 10/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “sẽ đảm bảo quyền lợi” cho những người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Phớc được trích lời nói rằng: “Vừa qua, một số doanh nghiệp chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự, song việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Theo đó, các công ty phát hành đều cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”.
Phát biểu của Bộ trưởng Phớc được đưa ra sau khi vỡ lở ra các vụ gồm tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, công ty An Đông và một số pháp nhân liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng./.