Khi những sự cố “lừa đảo” xảy ra, nhân dân là người chịu trận cuối cùng. Đúng là như vậy, nhưng: Liệu nhà nước có vô can?
Theo tôi là có. Nhà nước được dựng lên là để quản lý xã hội và phục vụ nhân dân. Quản lý xã hội là bằng các công cụ pháp lý và cơ chế giám sát việc thực thi các công cụ pháp lý đó.
Hiện nay pháp luật Việt Nam đã phát triển khá đầy đủ, bao trùm được hầu hết các ngóc ngách của đời sống. Chưa nói chúng ta còn có cả một “hệ thống chính trị” dày đặc đến tận thôn xóm cũng hưởng lương từ thuế của dân.
Không một hành động lớn, có tính đại chúng nào mà qua mặt được Nhà nước.
Cho nên việc VTP phát hành trái phiếu, rồi SCB bảo lãnh hay Tân Việt phát hành liên tục trong nhiều năm phải có sự tiếp tay hoặc ít nhất là sự “thờ ơ – negligence” của các cơ quan quản lý.
Theo định nghĩa chung của luật pháp thì sự thờ ơ, “negligence” là đã không quan tâm một cách đúng mức, điều mình cần quan tâm, dẫn đến hậu quả thiệt hại cho người khác.
Loại trừ trường hợp cố ý, thì kể cả vô ý, mà không thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội cũng phải chịu trách nhiệm vì luật buộc “phải thấy trước” và trong trường hợp này là “có thể thấy trước” hậu quả xảy ra cho xã hội.
Những ai đã từng đi đến giao dịch tại Ngân hàng thường được nhân viên mời chào, tư vấn mua trái phiếu, hoặc mua bán đô la, hoặc các nghiệp vụ của họ…. Điều này ai cũng biết, giám đốc ngân hàng thương mại biết, NHNN biết, cơ quan quản lý biết hết.
Biết mà vẫn để hậu quả xảy ra cho dân, đó là sự không vô can.
Những nạn nhân có quyền lên tiếng phản đối và yêu cầu Nhà nước, ít nhất là những người quản lý, phụ trách trực tiếp, chịu trách nhiệm phần nào trong những tổn thất của mình./.
Leave a Comment