Trong đợt khủng hoảng xăng lần này ở các thành phố lớn (và các lần trước cũng vậy), người trong ngành thuộc hành chính nhà nước thường an ủi nhau rằng cứ yên tâm, xăng vẫn sẽ bình ổn giá, nhất là các thành phố lớn, các thủ phủ của quốc gia sẽ không hề hấn gì, bởi nhiệm vụ chính trị của các thành phố này rất lớn, đó là an dân, tạo niềm tin trong quần chúng và bình ổn thị trường cũng như củng cố trật tự chính trị. Và mỗi khi hữu sự, các đảng viên hay nhắc tới nhiệm vụ chính trị. Thế nhưng nhiệm vụ chính trị là cái gì? Có có nên tồn tại hay không?
Trước nhất, phải nói rằng nhiệm vụ chính trị là nói láo, làm cho mọi thứ rối như canh hẹ, tung hỏa mù, và hơn hết, nhiệm vụ chính trị vẫn có cái thật thà của nó nhưng càng thật thà là càng hỏng, đâm ra nhiệm vụ chính trị là nói láo, càng láo càng có lợi. Nhưng, nên nhớ, chỉ có các quốc gia độc tài mới đặt nặng nhiệm vụ chính trị vào bụi chuối mụt măng, con gà con qué, lít xăng ký gạo, chứ các quốc gia dân chủ và tiến bộ, chẳng ai đủ điên để đặt mấy thứ vớ vẩn đó vào nhiệm vụ chính trị.
Ví dụ như nhiệm vụ chính trị của một quốc gia lớn, đa đảng, đa nguyên, chắc chắn các vấn đề xăng cộ, thóc lúa, bột mì hay thịt gà, thịt lợn lên giá, người ta sẽ bằng mọi giá điều chỉnh để người dân khỏi kéo ra đường biểu tình. Ở những nước độc tài thì khác, mọi thứ cần được bưng bít, có đói cũng nói no căng, có thiếu hụt cũng nói dư thừa, và nói cho cùng là làm sao để mọi thứ trong quốc gia đều tốt, ngon lành, không tì vết. Tỉ như phiếu bầu chọn lãnh đạo thì tỉ lệ hầu như 100%, mọi thứ đều tuyệt đối tốt!
Thử nhìn lại các nhiệm vụ chính trị mà người dân có thể nhìn thấy được. Đầu tiên là nhiệm vụ chính trị tư cách đảng viên. Hầu như mọi đảng viên Cộng sản đều được giao cho một trong số các nhiệm vụ chính trị là làm sao phải thanh liêm, nói tới đảng là nói tới trong sạch, liêm khiết, cần kiệm, trung thực, trung thành tổ quốc, chung thủy trong gia đình. Và, vì nhiệm vụ chính trị, hầu hết các đảng viên cho đến thời điểm này đều rất trong sạch, rất thanh liêm, rất cần kiệm, và có thể sự trong sạch này tỏa sáng trên từng trang sách của họ viết để dạy dân chúng về cách làm người tử tế, cách để giữ tốt đạo đức và học tập đạo đức Hồ Chí Minh ra sao… Mọi thứ luôn được đánh bóng và làm cho nó lung linh, sự lung linh này kéo dài mãi cho đến khi không thể kéo dài, không thể bưng bít, không thể dùng nước hoa để xịt bên ngoài bởi cái bịch rác nhân cách đã tự bục vỡ, họ phải đưa tay vào còng số tám và chuẩn bị bước ra vành móng ngựa. Xem như nhiệm vụ chính trị chấm dứt. Nhưng đừng quên, trước khi bị bắt, họ phải được khai trừ khỏi đảng, họ phải chẳng có liên quan gì đến đảng, bởi đó cũng là nhiệm vụ chính trị của họ.
Một kiểu nhiệm vụ chính trị khác, đó là cân đối lương thực nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Mỗi khi có biến cố, như hiện nay là biến cố khủng hoảng khí đốt và khủng hoảng ngành ngân hàng tài chính sau một loạt các bắt bớ nhắm vào các cá mập bất động sản và ngân hàng. Hiện tại, các đoàn rồng rắn nối đuôi để đổ nhiên liệu, các cửa hàng xăng dầu báo khan hàng, một số nơi người ta không mua được xăng dầu… là có thật. Thế nhưng hầu hết các quan chức trong ngành đều phải giữ nhiệm vụ chính trị, tức không nhìn thẳng vào sự thật, không chấp nhận khan hiếm xăng dầu mà vẫn giữ luận điệu “do có người còn nửa bình xăng vẫn vào đổ xăng” hoặc “do các kênh nhập lậu xăng dầu khiến cho thị trường bất ổn”… Đủ các kiểu lập luận. Thậm chí, ở các thành phố lớn, nhiệm vụ chính trị hàng đầu được đặt ra là bằng mọi giá phải cung cấp xăng dầu cho dân, đó là nhiệm vụ chính trị. Nói thì nói vậy, chứ có nhiệm vụ nào được hoàn thành đâu! Nhễ!
Nhiệm vụ chính trị khác, cũng dễ thấy nhất, đó là tiêm vaccine Covid-19, mặc dù cán bộ đã nhìn thấy tiêm vaccine không những không hiệu quả mà còn dẫn tới các phản ứng phụ, các bệnh lý mới, chứng mất trí nhớ, đông máu… và cả chết người. Thế nhưng cán bộ, đảng viên, có ai tránh được mũi kim đâu, bởi đó là nhiệm vụ chính trị. Thậm chí ai lanh lẹ một chút thì đút tiền mà hối lộ cho cán bộ chuyên môn để nó gật đầu xem như đã tiêm rồi, cấp giấy thông hành cho mà ngồi lại cơ quan, đi ngân hàng, nhà hàng, sân bay… Rồi chuyện ngăn sông cấm chợ, bắt bớ đưa vào trại cách ly đối với người dương tính Covid-19, nhìn chung mọi thứ loạn cào cào lên, chết hàng vài chục ngàn mạng người vì nhiệm vụ chính trị. Và rồi im lặng mà lấp liếm, không có ai nhận lỗi, cũng không có lời xin lỗi hay động thái ăn năn của bất kì lãnh đạo nào… cũng là nhiệm vụ chính trị, để dần biến nó thành quên lãng, biến mọi thứ gần như chưa từng xảy ra hoặc không hề có chuyện chết người, đó cũng nhiệm vụ chính trị.
Nhưng có vẻ như nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, bền bĩ nhất của nhà nước độc tài lại là chính sách dân số, hay nói khác đi là nhiệm vụ GDP. Vậy nhiệm vụ GDP là gì? Nếu ai chịu khó để ý, sẽ thấy rằng suốt gần hai chục năm nay, dân số Việt Nam luôn cán mốc hơn 90 triệu dân và không trồi, không sụt. Điều này hết sức vô lý, bởi trong vòng hơn mười lăm năm nay, tình hình kinh tế có phát triển, tỉ lệ trẻ mới sinh rất cao do tỉ lệ hôn nhân trong dân số tăng cao đột biến. Một gia đình bình thường, sau hai mươi năm, số người trong gia đình đó tăng gấp đôi lần, thậm chí hơn gấp đôi. Và số người qua đời rất thấp so với số người sinh ra. Thậm chí trong vòng mười năm nay, tỉ lệ sinh trong dân số luôn có dấu hiệu bùng nổ, nhân mãn. Thế mà dân số vẫn cứ cán mốc hơn 90 triệu dân là sao?
Là vì nhiệm vụ chính trị, trong suốt 20 năm nay, Việt Nam là “kỳ quan kinh tế thế giới”, là “mặt trời tỏa hào quang ở Việt Nam”… Và chỉ số GDP, tức thu nhập bình quân trên đầu người luôn tăng trưởng hàng năm. Vì sao? Vì người lao động ngày càng tăng, tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng, mà số dân để chia vẫn giữ như trước đó gần hai thập kỉ, thì chắc chắn GDP phải tăng trưởng, thậm chí con số này là thật một khi chia với hơn 90 triệu dân, khỏi phải lấp liếm, sửa số ở bất kì nơi nào. Và, đó là nhiệm vụ chính trị, một nhiệm vụ dài hơi, nó làm cho người ta thấy rằng Việt Nam luôn phát triển thần thánh, không có người nghèo, đói. Nhưng sự thật ra sao, chắc người ta cũng không cần tìm hiểu khổ nhọc vẫn nhìn thấy.
Và đương nhiên, chỉ có những quốc gia độc đảng, độc tài mới có những kiểu nhiệm vụ chính trị kì quái, chẳng giống ai như vậy. Bởi ở các quốc gia dân chủ, đa nguyên đa đảng, thì chả có lý do gì để đặt ra các nhiệm vụ chính trị láo toét và bịp bợm như vậy. Vì các đảng phái luôn quan sát, khống chế nhau. Còn ở các quốc gia độc tài, đảng và nhân dân chính là hai lực lượng đối lập, đảng lãnh đạo, dân quan sát và ngao ngán, đảng cấm cửa, nhân dân lén lút, đảng khống chế, nhân dân còng lưng mà chịu đựng… Và còn cả một ngàn lẻ một nhiệm vụ chính trị khác mà nhân dân chỉ được quyền nghe, tin và làm chứ không được phép hoài nghi hay phản biện.
Vì sao? Vì một khi mọi thứ nhân danh nhiệm vụ chính trị, thì đến một lúc nào đó, nhiệm vụ chính trị cũng nhân danh chính nó để phá vỡ tất cả mọi qui ước trước đó. Một khi như vậy, chuyện gì xảy ra, chắc cũng không cần bàn thêm!
Leave a Comment