Ông Tập Cận Bình đã lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm qua, ít nhất ông ta sẽ còn trị vì 5 năm nữa. Sáu dấu hiệu cho thấy người đàn ông quyền lực nhất thế giới này đã định hình Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như thế nào.
Tập Cận Bình đang ở đỉnh cao quyền lực (cho đến nay). Tổng bí thư 69 tuổi của Đảng Cộng sản là nguyên thủ quốc gia đầu tiên kể từ khi nhà độc tài Mao Trạch Đông tại vị nhiệm kỳ thứ ba, đã phá vỡ mọi quy tắc có hiệu lực vào cuối tuần trước, trước những tràng pháo tay như sấm của các đảng viên. Với sự kiểm soát gần như tuyệt đối của mình, ông Tập hiện được cho là người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Việc Đảng Cộng sản quỳ mọp trước một người đàn ông duy nhất là kết quả của một quá trình thay đổi được sắp xếp một cách vô cùng tỉ mỉ. Tầm nhìn của ông về “sự trẻ hóa vĩ đại” đã đơm hoa kết trái rất dồi dào nhưng với một cái giá rất đắt. Ông là người đầu tiên trong số các đồng chí của ông không chỉ hứa mà đã thực hiện. Khi ông Tập lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012, ông đã thầm nguyện chấp nhận đổi tự do chính trị và tự do cá nhân để trỗi dậy về kinh tế và đoạt cho được tầm quan trọng về địa chính trị.
Trong mười năm sau đó, đế chế Trung Hoa cuối cùng đã thoát khỏi địa vị là công xưởng của thế giới để trở thành một siêu cường, cả về kinh tế, công nghệ và quân sự.
Tổng quan về cách vị “hoàng đế” mới của Trung Quốc đã định hình đất nước như thế nào.
Thanh lọc chính trị: sự cáo chung của “Văn hóa đồi trụy”
Trong nhiệm kỳ 10 năm của mình, ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng được cho là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Theo kênh truyền hình CNN của Mỹ, một số người cho rằng đây là một cuộc thanh trừng chính trị, những người khác lại coi là cuộc chiến chống lại một “nền văn hóa đồi truỵ”. Như New York Times đã đưa tin vào năm 2012, chỉ riêng gia đình của Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi đó đã có tài sản tích lũy ít nhất là 2,7 tỷ USD. Ôn Gia Bảo không phải là người duy nhất vơ vét tài sản của của nhà nước vào tài khoản của mình.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, 4,6 triệu quan chức đã bị điều tra, trong đó có cả các nhân vật có quyền ra quyết định (“Những con hổ”). Trong công cuộc tổng vệ sinh mùa xuân ông cũng đã đè bẹp không biết bao nhiêu “con ruồi” (quan chức cấp thấp). Dường như không một ai được miễn dịch.Theo đánh giá của Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King ở London về chiến dịch “đả hổ giệt ruồi” này.
Cũng thời gian này ông Tập đã đưa ra một danh sách tám điểm về các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm chấm dứt thời kỳ vung tay quá trán, lãng phí tiền bạc của nhà nước. Một trong số đó, theo cổng thông tin “Grid”, là: “Bỏ các loại khẩu hiệu, biểu ngữ chào mừng, không trải thảm đỏ, không được cắm hoa hoặc chiêu đãi tiệc tùng xa hoa lãng phí dành cho các cuộc thăm viếng của quan chức cấp cao. Với các biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm ngặt nhắm vào lớp cán bộ “thoái hóa, biến chất”, ông Tập không chỉ nhận được cảm tình và sự ủng hộ của người dân, mà còn tìm ra một phương pháp đã được thử thách để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình. Trong kỳ đại hội đảng gần đây nhất, ông Tập đã tìm cách bố trí, sắp xếp để Ủy ban Thường vụ, cơ quan quyền lực thực sự trong bộ máy đảng, chỉ gồm những người trung thành với mình.
Với con mắt cú vọ, con đường trở thành một nhà nước giám sát
Trong việc kiểm soát người dân ông Tập cũng tỏ ra triệt để và kiên quyết. Những người bất đồng chính kiến bị đàn áp một cách có hệ thống. Các nhà hoạt động và những người bảo vệ quyền con người gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc. Đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực công nghệ đã mang lại cho chế độ một số lựa chọn giám sát mới. Theo báo cáo của CNN, ước tính có khoảng 770 triệu camera giám sát đã được lắp đặt trên toàn thế giới vào năm 2019 – hơn một nửa trong số đó là ở Trung Quốc. Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói với Grid.
Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng khi bắt đầu đại dịch corona – một lý do thích hợp để đưa công nghệ cao vào hoạt động giám sát một cách toàn diện. Cho đến nay, giới lãnh đạo vẫn chưa dời một milimet nào khỏi “chiến lược zero Covid”, trong đó có các khu đô thị như Thượng Hải đã bị cách ly trong nhiều tháng.
Kiểm duyệt Internet, “bức tường lửa nhà nước”, cũng được tăng cường mạnh mẽ dưới thời ông Tập. Điều này cũng áp dụng cho các phương tiện truyền thông và báo chí. Theo tờ “Người bảo vệ” của Anh, không có chính phủ nào bắt giữ nhiều nhà báo như Trung Quốc trong ba năm qua. Chỉ tính riêng trong năm 2021, theo “Tổ chức phóng viên không biên giới”, 100 nhà báo được cho là đã bị tống giam. Điều này cũng được áp dụng đối với Hồng Kông, nơi được coi là ốc đảo cuối cùng của tự do báo chí.
Kinh tế: theo đuổi “thịnh vượng chung”
Lý do chính khiến ông Tập chưa bao giờ được vững vàng hơn trên chiếc ghế của mình là do tình trạng nghèo khổ đã giảm đáng kể dưới triều đại của ông. Những con số nói lên nhiều điều. Theo báo cáo, so với năm 2012 đã giảm được khoảng 100 triệu người ở nông thôn thoát mức sống “nghèo đói tuyệt đối”. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi. Do đó ông Tập có đủ lý do để tuyên bố mục tiêu “thịnh vượng chung” đã đạt được vào năm ngoái. Tuy nhiên ông đã bỏ qua một điểm, đó là khoảng cách giầu nghèo ở Trung Quốc mỗi năm một lớn hơn.
Đặc biệt trong những năm đầu tiên dưới triều đại của ông, các doanh nghiệp quy mô trung bình đã phát triển mạnh mẽ. Việc quay lưng lại với chính sách kinh tế hạn chế cho phép Trung Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành một siêu cường kinh tế. Trong thập kỷ qua, GDP đã tăng hơn gấp đôi, trong đó Trung Quốc chiếm 1/5 tổng kim ngạch kinh tế toàn cầu.
Sự tăng trưởng này chỉ có thể thực hiện được bởi vì nhà nước đã cho phép khu vực kinh tế tư nhân gần như tự do phát triển. Điều đó bây giờ đã chấm dứt. Đặc biệt ngành công nghiệp công nghệ, động lực kinh tế của Trung Quốc, đang ngày càng phàn nàn về sự can thiệp của nhà nước. Theo “Guardian”, đảng hiện đang đòi cùng tham gia, đề bạt các quan chức nhà nước vào các vị trí quản lý hoặc thậm chí thành lập các chi bộ đảng trong các doanh nghiệp. Ông Tập cho rằng những ông chủ công nghệ có thể đã có quá nhiều quyền lực.
Nhưng hiện nay suy thoái kinh tế là không thể tránh khỏi. Chính sách corona nghiêm ngặt là biểu hiện của các chính sách toàn trị của ông, nó cũng góp phần vào sự sụt giảm tăng trưởng. Năm 2021, theo CNN, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mất 3 nghìn tỷ USD giá trị trên thị trường chứng khoán thế giới. Theo “Reuters”, ngày càng có nhiều nhà phân tích dự đoán về thời hạn kết thúc đối với mô hình của Trung Quốc, vốn dựa trên các khoản đầu tư khổng lồ và phát triển cơ sở hạ tầng.
Chính sách đối ngoại: cùng tham gia thay vì không can thiệp
Về chính sách đối ngoại, trong nhiều thập kỷ Trung Quốc luôn tỏ ra tuân thủ “năm nguyên tắc” đó là: “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.” Nhưng ông Tập đã đưa nghệ thuật hấp dẫn này lên một tầm cao mới. Với hàng tỷ USD đầu tư vào “Con đường tơ lụa mới” , đế chế Trung Hoa của ông đã dành lại ảnh hưởng ở mọi nơi trên thế giới và khiến các quốc gia giàu tài nguyên nhưng nghèo đói trên thế giới bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Chính sách bành trướng của ông Tập được coi là một thách thức rõ ràng đối với Hoa Kỳ. Ý đồ xác lập lại “trật tự thế giới” đã đưa ông Tập ngày càng gần gũi hơn với người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin trong những năm qua. Ngay cả cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin cũng khó có thể khiến “tình hữu nghị sắt son” bị rạn nứt.
Trên vũ đài quốc tế, Tổng bí thư Đảng đã mở ra một kỷ nguyên mới, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc năng nổ, bặm trợn hơn trước. Các nhà ngoại giao Trung Quốc ngay nay mang tên “các chiến binh sói”. Họ “hiếu chiến, quyết đoán và sẵn sàng đả kích ngay tại Liên Hợp Quốc và trên mạng các xã hội để bảo vệ đường lối , chính sách của Tập Cận Bình”, CNN viết.
Về quân sự: phủ bóng lên Đài Loan
Về mặt quân sự, ông Tập đã dẫn dắt đế chế của mình vươn lên đỉnh cao thế giới. Trong quá trình tái cơ cấu và hiện đại hóa toàn diện, ngân sách quốc phòng đã tăng hơn gấp đôi trong mười năm qua. Điều này khiến Trung Quốc (mặc dù vẫn ở một khoảng cách đáng kể) chỉ sau Mỹ ở vị trí thứ hai trong số các quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất. Về số lượng tàu thủy, Hải quân Trung Quốc thậm chí đã vượt Mỹ.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc càng lớn mạnh hơn bao nhiêu thì nỗi lo ngại về việc Trung Quốc có thể thôn tính đảo quốc Đài Loan càng tăng lên bấy nhiêu. Ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh quốc gia láng giềng nhỏ bé là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Với sự kết thúc của đại hội đảng, nghị quyết của đảng lần đầu tiên nhấn mạnh quyết bác bỏ nền độc lập của Đài Loan.
Bước ngoặt Xanh: không khí trở nên trong lành
Cho đến vài năm trước, “bầu trời mù mịt” và “đô thị triệu dân” được hiểu là những từ đồng nghĩa ở Trung Quốc. Mùa đông 2013 diễn ra bầu “không khí tận thế” , không khí ở một số vùng của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức, ở lâu ngoài trời là rất nguy hiểm. Trước những chỉ số đáng báo động, chính quyền Bắc Kinh đã cấm trẻ em ra đường, đóng cửa các nhà máy và cố gắng hạn chế giao thông, theo cổng thông tin kinh doanh của Mỹ “Quartz” hồi đó.
Ông Tập đã cam kết sẽ khắc phục tình trạng này. Ngay trong năm đó đảng CS đã đưa ra một kế hoạch hành động quốc gia chống ô nhiễm không khí, theo đó sẽ chuyển đổi từ sử dụng than để sản xuất điện sang năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của Đại học Chicago vào tháng hai năm nay, đến năm 2020, các chỉ số đã giảm trung bình 40% và ở Bắc Kinh giảm một nửa. Tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc tăng hai năm. Chưa hết, năm 2020, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ hoàn toàn trung hòa với các-bon vào năm 2060 và chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.
Trong mười năm đầu tiên ông Tập đã làm được những công việc như vậy. Giờ đến giai đoạn năm năm tiếp theo. Giới quan sát đều nhất trí : “Người kế nhiệm Mao Trạch Đông” còn lâu mới thỏa chí./.
Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)
Leave a Comment