Khi Elon Musk sắp tiếp quản Twitter, ông có nói một đại ý rằng phải sa thải ít nhất 75% nhân viên cũ, và sau đó là thêm những nhân viên mới. Tức là thay máu công ty và ngay lập tức là thay luôn văn hoá của công ty.
Giới kinh tế học khi nghiên cứu điều gì giúp phát triển một doanh nghiệp hay một quốc gia, người ta hay nói nhiều đến chính sách và thể chế và giả định rằng những cá thể trong mô hình đó ai cũng gần như nhau.
Người ta giải thích rằng một nước này hay một doanh nghiệp này phát triển hơn nước khác là vì chính sách và thể chế của họ tốt hơn. Nhưng khi đi xa hơn, để hỏi rằng tại sao ở nước này lại hình thành chính sách này và tại sao người dân lại chấp nhận thể chế như vậy, thì câu trả lời nó lại nằm ở văn hoá.
Không phải dễ gì một nhà cầm quyền đưa ra một chính sách mà người dân chấp nhận, bởi khi nếu họ không chấp nhận một chính sách họ sẽ tìm cách thay đổi nó theo cách này hay cách khác để phù hợp với lối sống của họ. Và việc mà người dân chấp nhận một chính sách hay một thể chế mà không có sự chống đối quyết liệt để chuyển đổi nó nó cho thấy họ phần nào chấp thuận trong một lối sống như vậy mà ít có nhu các thay đổi, ít nhất là với một số đông.
Văn hoá được hình thành bởi tôn giáo, đạo đức, và niềm tin. Một quốc gia phát triển được kiến tạo từ những cá nhân thành công. Nhưng để những cá nhân thành công thì cộng đồng cần những con người chia sẻ những văn hoá tích cực. Một quốc gia không thể nào trở nên giàu có được nếu rất nhiều người ở đó giữ một niềm tin tôn giáo rằng chúng ta nghèo vẫn có thể có một cuộc sống an vui và hạnh phúc, và thay vì tìm kiếm một cuộc sống vật chất hãy đi tìm một cuộc sống tinh thần. Có một thiểu số người cảm thấy bằng lòng với lối sống đơn giản, thiếu thốn vật chất của chính mình, nhưng nếu ở tầm quốc gia mà có một đa số người như vậy nó sẽ trở thành một bi kịch.
Một quốc gia cũng không thể tiến lên được nếu như mọi người không tin nhau, và người ta làm việc cùng nhau mà không đặt vào đó các giá trị về mặt đạo đức.
Và một quốc gia cũng không thể nào khá được nếu người ta không tin rằng bằng cách làm việc chăm chỉ bạn mới có thể thành công trong cuộc đời, và rằng chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và phấn đấu chứ đừng đợi tới một…kiếp sau. Bởi khi người ta ý thức về thời gian và sự hữu hạn của cuộc đời họ tất sẽ tìm cách tối ưu hoá nó để tạo ra nhiều giá trị.
Ở một mảng nhỏ của xã hội, văn hoá công ty nó giải thích sự hình thành của các chính sách chung của công ty và cách mọi người trong công ty cùng làm việc.
Muốn thay đổi hướng đi của công ty tất phải trước tiên thay cái văn hoá của nó. Mà muốn thay cái văn hoá của nó tất phải thay người. Đó là cách nhanh nhất.
Rất khó để thay đổi tư duy của một con người. Nếu bạn muốn con bạn trở nên là một người giàu có đừng để nó lớn lên trong môi trường của những người coi khinh của cải. Nếu bạn muốn con bạn lớn lên trở thành một người hiểu biết hãy để nó trưởng thành trong một môi trường ham học hỏi. Còn bạn muốn con bạn lớn lên trở thành những người thuộc tầng lớp ưu tú của quốc gia thì hãy gửi con cái tới những trường tốt nhất. Đó là cách mà cha mẹ của vị thủ tướng mới của Anh gốc Ấn đã lựa chọn cho con mình. Họ đã cho con vào học ở trường tư nơi con cái của giới ưu tú nhất của Anh theo học.
Đến đây thì bạn hiểu cách người ta làm thế nào để lột xác và chuyển hướng một công ty. Mà ví dụ dễ thấy nhất là Elon Musk đang làm với công ty mới của mình.
Thay đổi văn hoá một công ty có thể nhanh nhưng thay đổi văn hoá một dân tộc khó hơn nhiều. Nếu nó có một chính quyền mạnh, tức một chính quyền có thể thi hành chính sách nghiêm túc và triệt để, văn hoá có thể được thay đổi qua giáo dục và luật lệ. Trường hợp dễ thấy nhất là Singapore. Những người Hoa, người Ấn, người Mã Lai, và nhiều dân các xứ khác đã ngồi cùng nhau để hình thành nên văn hoá Singapore. Ở bên kia bán cầu, văn hoá Mỹ cũng hình thành như vậy. Nó là một sự hoà lẫn giữa các nền văn hoá được duy trì qua giáo dục và luật lệ.
Trong tình cảnh của Việt Nam hiện nay, chính quyền Cộng sản Việt Nam yếu chứ không phải mạnh. Bởi vì nó không có khả năng bảo đảm việc thi hành các chính sách giáo dục được như mong đợi. Nó cũng không bảo đảm được luật lệ trên toàn quốc gia được tiến hành một cách công bằng, trật tự, và mọi người tuân theo.
Chính vì sự thất bại đó mà văn hoá Việt Nam truyền thống đang biến mất và thay vào đó là các luồng văn hoá mới ảnh hưởng bởi phim ảnh và Internet thay vì qua giáo dục học đường hay mạng lưới truyền thông quốc gia.
Điều này giải thích một phần lý do tại sao thế hệ những sinh viên đi du học thập niên 50 của thế kỷ trước ai cũng một lòng muốn về dựng lại quê hương, còn thế hệ sau này giờ đây đã nghĩ khác. Nó cũng giải thích tại sao âm nhạc mới của Việt Nam trở nên vô hồn, phim ảnh trở nên nhạt nhẽo, và văn chương rất buồn tẻ trong một cộng đồng dân cư đến 100 triệu dân.
Và khi một dân tộc chỉ còn một văn hoá chán chường và nhạt nhẽo thì có hi vọng gì có một tương lai?
Điều mà đảng Cộng sản làm thành công nhất trong những năm cai trị của mình đó là góp phần làm phá huỷ văn hoá của quốc gia./.
Nguyễn Huy Vũ
Leave a Comment