Loay hoay thôi, mới đây thôi, đã ngót nghét thập kỉ trôi qua với những người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, và với cả những người có quan tâm về môi trường. Sau vụ Formosa Hà Tĩnh, hay chính xác hơn là công ty gang thép Formosa Hưng Nghiệp xả độc vào biển miền Trung Việt Nam, đã có không ít sự kiện phát sinh.
Theo RFA: Từ khi Formosa đặt nhà máy sản xuất thép tại cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh vào năm 2008 thì ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề hơn. Người dân hàng ngày phải đối mặt với nhiều loại ô nhiễm do công ty này gây ra, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm biển…, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, kinh tế của cư dân trong vùng.
Mới nhất là vào ngày 22.10.2022 vụ khói vàng mù mịt bốc lên từ hàng chục ống khói của xí nghiệp sản xuất thép Formosa…gây ô nhiễm một vùng rộng lớn).
Rất tiếc, mọi sự kiện đều xoay quanh trục lợi dụng, cơ hội, tàn nhẫn, bất chấp và dốt nát… Cũng thử nhìn lại vấn đề.
“Hôm 22/10 (năm 2022 ) vừa qua, trên đường đi học về, Tâm ngửi thấy mùi khét, nhìn quanh thì thấy khói vàng mù mịt bốc lên từ hàng chục ống khói của xí nghiệp sản xuất thép Formosa…
“Ở trong thì nhà bị hôi, nực mùi chất thải làm cho mình cảm thấy muốn bệnh. Bọn em đi học, ngồi trong lớp mà nghe mùi cực kỳ kinh khủng.
Bọn em phải đeo khẩu trang liên tục, chỉ có về nhà là bọn em mới cởi ra. Còn lại là đi học hay ở đâu thì cái mùi đó cũng có.”
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải vào chiều 23/10 trả lời phóng viên Tạp chí Nhà đầu tư rằng hiện tượng khói vàng, trắng bay nghi ngút, dày đặc nhà máy Formosa Hà Tĩnh được xác định là “không có vấn đề gì”.
Mạng báo Công Thương dẫn lời Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết vào chiều ngày 22/10, “quạt hút khí tại khu vực xưởng luyện cốc, bộ phận năng lượng của công ty Formosa xảy ra sự cố, dẫn đến cháy cục bộ, sau đó khí tràn ra ngoài tạo thành khói màu vàng đục.” Đến sáu giờ chiều cùng ngày thì sự cố này được khắc phục” (trích nguồn RFA).
Như vậy, sau hơn nửa thập kỉ, câu chuyện về an toàn môi sinh ở bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn không có gì thay đổi, mọi thứ vẫn đâu vào đó, người dân đấu tranh, bị bắt, bị đánh đập, các nhà hoạt động môi trường ngồi tù, sức khỏe của người dân xuống cấp trầm trọng, bị đe dọa hằng ngày… Mọi thứ tai ương vẫn chỉ đánh đổi một thứ gì đó chẳng liên quan đến việc an dân, như lời của một người Trung Quốc, đại diện, phát ngôn viên của gang thép Formosa: “Việt Nam cần thép hay cần cá?”. Và, sau hơn một thập kỉ, những kẻ cơ hội cũng đã lộ chân tướng, người đấu tranh cho lẽ phải cũng đã chịu tai ương, khổ nạn, những kẻ quan quyền ngồi trên mạng sống của nhân dân lại càng thêm khéo léo, lươn lẹo, đạo đức giả và giỏi tránh trớ hơn, chỉ có nhân dân là khổ trăm bề.
Và, cũng theo RFA: “Từ khi Formosa đặt nhà máy sản xuất thép tại cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh vào năm 2008 thì ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề hơn. Người dân hàng ngày phải đối mặt với nhiều loại ô nhiễm do công ty này gây ra, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm biển…, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, kinh tế của cư dân trong vùng.
Ông Báu nói mỗi khi mưa xuống, nếu lấy thau hứng nước thì sẽ thấy nước lắng một lớp cặn bụi than màu đen, chứ không được trong như ngày trước:
“Bây giờ, người ta cảm nhận được là bầu không khí hít thở không còn được trong lành. Ngày xưa mình có thể dùng nước mưa để ăn uống nhưng bây giờ là không được nữa rồi, không dám nữa. Mỗi khi đi trên đường mình phải gánh chịu những cái mùi mà Formosa xả ra.”
Vào tháng 7/2016, Formosa bị phát hiện đem chôn lấp trái phép hàng chục tấn chất thải tại bãi rác tại thị trấn Thiên Cầm. Người dân ở các phường Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Trinh và Kỳ Liên thuộc thị xã Kỳ Anh cũng phát hiện nhiều xe chở chất thải từ nhà máy Formosa đổ trộm tại các khu vực đồi núi, ven đường, thậm chí là trong vườn của người dân.
Vụ Formosa xả thải trực tiếp ra biển làm cá chết hàng loạt dọc bốn tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ tháng 4/2016, cho đến nay vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Ông Báu cho biết:
“Đặc biệt là người dân lao động biển, doanh nghiệp đánh bắt hải sản thì bị gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, người ta không mặn mòi với nghề làm biển nữa mặc dù đó là nghề truyền thống, mặc dù biển cả là nơi cung cấp năng lượng và sự sống nhưng người ta cũng không còn mặn mòi với biển nữa, bởi vì mất mùa, thu hoạch thấp do nguồn hải sản cạn kiệt.”
Tập đoàn này đã nhận trách nhiệm và bồi thường 500 triệu đô-la Mỹ, nhưng chuyển cho chính quyền chứ không trao tận tay người dân. Người dân bị thiệt hại đã khởi kiện Formosa ở Việt Nam nhưng không được tiếp nhận đơn.
Vào tháng 6/2019, khoảng 8.000 nạn nhân tiếp tục kiện Formosa ra toà Đài Loan vì không nhận được đền bù thoả đáng. Cho đến nay, toà án ở Đài Loan đã chấp nhận thụ lý và hiện vụ án vẫn đang còn tiếp diễn”.
Tại sao sau biết bao nhiêu biến cố về sức khỏe, môi trường, kinh tế và an sinh xã hội mà Formosa vẫn bình chân như vại, vẫn tiếp tục xả độc vào môi trường? Bởi trên thực tế, đâu chỉ riêng Formosa hay một tập đoàn nào đó ở một tỉnh thành riêng lẻ nào đó, mà trên cả nước, mọi thứ độc tố đều có thể bị thải vào môi trường. Tiện tay thì vứt rác theo mọi nghĩa, nơi nào không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân thì vứt, đáng sợ nhất, chính những cơ quan nhà nước, giới cán bộ là kẻ vứt rác và tiếp tay phá hoại môi trường nặng nề nhất.
Thử đặt lại vấn đề, ai đã rước các tập đoàn kinh tế có vấn đề vào Việt Nam? Và các qui định, ràng buộc về mặt pháp luật như thế nào khiến cho mọi hoạt động của những tập đoàn kinh tế ngoại quốc khi vào Việt Nam trở nên mất trật tự, vô nguyên tắc, lộn xộn và chèn ép, bóc lột người lao động Việt Nam? Vấn đề cốt lõi của câu chuyện lại nằm ở chỗ dốt và tàn nhẫn.
Bởi, nhìn lại nguồn nhân lực của đảng Cộng sản, chẳng ai dám tin rằng đội ngũ này không không đểu cán và lươn lẹo. Vì sao lại nói họ như vậy? Vì ngay từ những ngày đầu, từ cấp địa phương, thử nhìn lại hàng chục ngàn cán bộ là Chủ tịch, Bí thư xã, họ là ai? Trình độ họ ra sao? Xin thưa, họ là những kẻ ăn không ngồi rồi! Bởi cái thời cách đây mười, hai mươi, ba mươi năm, thậm chí bốn mươi năm, thanh niên học được thì lo thi vào đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hoặc học trường nghề hoặc đi làm nghề, chỉ có kẻ nào quá rảnh mới tham gia một cách thụ động lực lượng vũ trang hoặc đoàn thanh niên Cộng sản xã. Bởi chỉ có hai lực lượng này mới đủ sức câu họ thoát khỏi nghĩa vụ quân sự, một kiểu vừa trốn lính lại vừa được đi chơi, được ăn uống.
Cái thời trực đêm, chặt chuối, bẻ măng, bắt gà, bẫy mèo, nhử chó để cải thiện bữa ăn khuya đã đào tạo ra những vũ trang, dân quân tự vệ chuyên nghiệp, quyết tâm theo đoàn, đảng, rồi sau đó trở thành lực lượng chính qui của đảng bộ địa phương, thành lãnh đạo địa phương. Bởi hầu hết Chủ tịch, Bí thư cấp xã, phường đều từ nguồn thanh niên đoàn mà ra. Và đương nhiên trình độ học vấn của họ chẳng tới đâu. Chính cái sự chẳng tới đâu này lại khiến cho họ chấp nhận mọi thử thách và thủ đoạn để bám trụ lại trên cơ quan xã, phường, họ lấy làm tự hào vì mình là cán bộ.
Về sau, chính cái đám cán bộ này tự chạy bằng cấp, học tại chức, chuyên tu (dân gian có câu: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” để chỉ đám cán bộ này), dần dần có bằng cử nhân, rồi cao học, thạc sĩ, tiến sĩ, ngồi chễm chệ nói đạo đức, ăn trên ngồi trốc. Lớp sau đẩy lớp trước, lớp sau lên làm lãnh đạo địa phương thì lớp trước lên huyện, tỉnh, thậm chí ra trung ương. Mọi thứ đều rất dễ bởi mặt bằng chung, văn hóa chung của “chúng ta” là Chuyên Tu và Tại Chức. Chính vì cái mặt bằng chung này nên những trí thức không có cửa lọt vào hệ thống, mà nếu có vào thì cũng tự biến mình thành thứ tay sai dễ dãi và hèn mọn của đám Chuyên Tu, Tại Chức kia mà thôi!
Và hệ quả là thế nào? Đó là sự đánh đổi của cả một hệ thống mà ở đó, kẻ trí thức bất chấp lương tri, bất chấp nhân phẩm, bất chấp lòng tự trọng, bán mình cho cái ác, cái xấu, còn kẻ thô lỗ đang nắm quyền với đầu óc rỗng tuếch, với kiểu tư duy cái gì không làm được thì dùng quát tháo và đe nẹt, thậm chí bạo lực để thay thế, miễn sao mang lại cho bản thân sự giàu có tột đỉnh và hiệu quả nhất thời… Chẳng mấy chốc, không khí của cả một hệ thống ngợm mùi chuồng trại. Để rồi, cho đến hôm nay, thứ mà người ta nhìn thấy là một đất nước đầy xung năng của cái ác, sự giả dối, sự tráo trở và bất lương.
Một sự bất lương được nuôi cấy, được dung dưỡng từ rất lâu, từ cơ sở, từ địa phương, từ những kẻ ăn không ngồi rồi dần thay da đổi thịt thành lãnh đạo, đến một lúc nào đó, họ nhân danh quyền lực của kẻ nắm thóp người khác để tiếp tục dạy đời, chụp mũ và đe nẹt, cắt đứt mọi nguồn trí tuệ, sáng tạo chung quanh. Bất chấp mọi thứ nguy hiểm của cộng đồng, miễn sao bản thân mình, gia đình mình sạch, ăn sang mặc đẹp, ai sống chết mặc bây. Nhưng miệng thì ra rả vì dân, vì xã hội… Bởi ngay từ trứng nước, bản chất, năng lực và căn cơ của Chuyên Tu, Tại Chức cũng chỉ dừng ở ngưỡng này thôi, không hơn không kém!
Thiết nghĩ, làm sạch bộ máy chính quyền hoàn toàn không khó, nguồn nhân lực Việt Nam đâu thiếu, thậm chí thừa thải, dân cử nhân, thạc sĩ chính quy đi ship hàng, chạy xe ôm, Grab đầy rẫy ra đó, hà cớ gì cứ phải vừa gồng lưng đổi mới lại vừa khòm lưng mà đeo Chuyên Tu, Tại Chức?! Bởi mối nguy nằm ở Chuyên Tu, Tại Chức và Bằng Giả chứ không nằm ở mấy cái ống khói vô tri Formosa hay mấy cái cống bị nghẹt làm tràn thành phố!
Leave a Comment