Trong sự phản đối nhiều điều nói sai, làm sai của nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có một điều tôi ủng hộ: “Nghiêm cấm phê bình học sinh trước trụ cờ”. Đó là quan điểm nhân văn của giáo dục hiện đại. Nhiều giáo sư, tiến sĩ phê phán ông Nhạ ở chỉ đạo này, thực chất đó là tư duy cổ hũ được duy trì từ thời bộ tộc đến hết thời trung cổ.
Phê bình học sinh trước trụ cờ, chẳng khác đem đầu kẻ thù tế cờ trong chiến tranh hoang dã.
Không cần đưa ra trước trụ cờ, cô giáo chỉ cần đánh đòn hay mắng nhiếc học sinh trước một tập thể các cháu, tôi từng nói, đó là sự bạo hành cả một lớp học chứ không phải một học sinh cá biệt. Bằng chứng, có em thì hả hê, nhưng nhiều em run bắn. Đằng nào cũng gây ra hai thái cực: những bé có cá tính mạnh mẽ thì hưng cảm đến tàn bạo, sau này thích hành hạ người khác; trong khi những em bé nhút nhát thì sợ hãi và rơi vào trầm cảm, tức chấn thương tâm lý nặng nề.
Giáo dục như vậy là hạ nhục con người.
Hôm nay mạng lan truyền một sự vụ, có lẽ cũng không hiếm xảy ra ở giáo dục Việt Nam. Tại một trường phổ thông ở Huế, một cô giáo bị một người đàn ông (chắc chắn phải có quyền lực) mắng nhiếc, bẻ tay và xô đẩy ra khỏi lớp học. Dù bất luận là cô giáo có phạm lỗi gì đi nữa vẫn có chỗ cho một sự kiểm điểm, phê bình. Đằng này, hành vi của người đàn ông quyền lực kia rõ ràng là hạ nhục cô giáo trước tập thể học sinh. Đem so sánh với chuyện học sinh ở Khánh Hòa xưng tao gọi mày và chửi thầy dốt nát, tôi đảm bảo trường hợp này kinh khủng hơn. Trẻ con dại dột hỗn với thầy. Nhưng thầy bị hạ nhục trước trẻ con mới là nguyên nhân khiến trẻ con dám coi thường và hỗn với thầy.
Đương kim Bộ trưởng và các quan chức giáo dục có hiểu tôi nói gì không?
Chu Mộng Long
https://www.facebook.com/100001329833501/videos/486092173469275/
Leave a Comment