Netflix vừa gỡ bỏ “Ba chị em” khỏi mảng dịch vụ dành riêng cho cho người Việt ở Việt Nam (1). “Ba chị em” là tên Việt ngữ của “Little Women” – bộ phim có 12 tập do Nam Hàn sản xuất. Nhìn một cách tổng quát, đảng ta, nhà nước ta lại… “toàn thắng” trong việc bảo vệ… “sự thật” về chiến tranh Việt Nam trong phạm vi… Việt Nam!
Hôm 3/10/2022, khi Netflix giới thiệu “Ba chị em” đến tập thứ 10/12 thì Cục Phát thanh – Truyền hình – Thông tin điện tử (PTTH TTĐT) của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL) Việt Nam tống đạt “tối hậu thư”, đòi Netflix phải gỡ bỏ “Ba chị em” trước ngày 5/10/2022, vì… trong 10 tập “Ba chị em” đã phát hành, các nhân vật trong phim nhiều lần nhắc đến chiến tranh Việt Nam và cho rằng những người lính Nam Hàn tham chiến tại Việt Nam là những anh hùng, có nhân vật trong phim còn cho rằng một người lính Nam Hàn có thể chống chọi cả trăm Việt Cộng (2)…
Cứ như nhận định của Cục PTTH TTĐT thì… nhân loại không được phép nói về chiến tranh Việt Nam khác với đảng CSVN. Nói khác thì dù chỉ là khác khi một số nhân vật trong các tác phẩm văn học – nghệ thuật trò chuyện với nhau nhằm khắc họa chủ đề tác phẩm vẫn là… xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc theo luật pháp Việt Nam (2). Cả Luật Báo chí lẫn Luật Điện ảnh của Việt Nam đều nghiêm cấm điều này và tất nhiên, Nam Hàn không được xem là ngoại lệ!
***
Trước giờ, Cục PTTH TTĐT, Bộ VHTTDL nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam nói chung, luôn khẳng định đảng ta, nhà nước ta là phía duy nhất vừa nắm giữ, vừa định đoạt… “sự thật” về chiến tranh Việt Nam, bất kể những… “sự thật” ấy khác hoàn toàn với thực tế, mâu thuẫn với các dữ kiện có thật, thậm chí nhiều… “sự thật” ngô nghê, phản khoa học tới mức bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy sự phi lý của phía đòi độc quyền… “sự thật”!
Ví dụ… “sự thật” về ông Phùng Quang Thanh – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Quốc phòng. Hồi tháng 9 năm ngoái, khi ông Thanh qua đời, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thi nhau trích dẫn sách báo viết về Anh hùng LLVT Phùng Quang Thanh hồi 1971 – lúc xảy ra xung đột giữa quân Giải phóng miền Nam với quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Nam Lào để ca ngợi cả ông Thanh (lúc ấy là Trung đội trưởng) lẫn ca ngợi quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND VN).
Theo đó, ông Thanh đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch (3)… Thường thì lựu đạn không có… “nắp” nên chi tiết… tháo “nắp” dễ khiến thiên hạ hoài nghi nhưng trong chiến tranh Việt Nam, có một dạo, QĐND VN dùng lựu đạn chày – loại lựu đạn cán gỗ, cuối cán có nắp chống ẩm. Có thể ông Thanh đã nhờ đồng đội tháo… “nắp” 17 quả lựu đạn chày (4), song việc ông Thanh chỉ còn tay phải (tay trái đã quấn băng, phải dùng dây choàng qua cổ để đỡ) nên mới nhờ đồng đội tháo… “nắp” 17 quả lựu đạn chày rồi đeo quanh người) thì… làm sao có thể vừa dùng tay phải ôm súng, vừa dùng tay phải gỡ lựu đạn ra khỏi người, rồi cũng dùng cánh tay đó vừa giữ lựu đạn, vừa giật nụ xòe (kích lửa đốt dây cháy chậm), liệng trước khi lựu đạn phát nổ (trong vòng bốn đến năm giây) để chỉ huy tiểu đội phối hợp đơn vị bạn diệt địch? Nếu đó đúng là… “sự thật” thì phải xếp “sự thật” ấy vào loại nào?
Nhờ “sự thật” không thể… xếp loại ấy, ông Thanh trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) và thăng tiến từ từ cho đến khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Trong chiến tranh Việt Nam có nhiều Anh hùng LLVT, tạo ra nhiều… “sự thật” kỳ quái như thế và những… “sự thật” ấy luôn được đảng ta, nhà nước ta tận tình bảo vệ!
Nên lưu ý, từ lúc Việt Nam có… Kpă Klơng đến nay đã sáu thập niên, dẫu khoa học kỹ thuật phát triển đến mức khó ngờ, hỗ trợ việc chế tạo vũ khí và đạn tiến những bước rất dài nhưng chưa quốc gia nào có thể làm ra loại súng trường kèm thứ đạn có thể giữ được vận tốc, duy trì đạn đạo để xuyên từ cơ thể người này qua cơ thể nhiều người khác. Cho dù thiên hạ công nhận một số xạ thủ chuyên bắn tỉa (sniper) là siêu xạ thủ nhưng chưa có ai lập được kỳ tích như… Kpă Klơng. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giới viết tiểu thuyết viễn tưởng, làm phim viễn tưởng cũng không dám mường tượng để tạo ra bất kỳ nhân vật nào như Kpă Klơng, hay loại vũ khí cá nhân nào như loại Kpă Klơng sử dụng. Sau tháng 4 năm 1975, Việt Nam dựng tượng đài Kpă Klơng ở trung tâm thành phố Pleiku – tỉnh Gia Lai nhưng loại vũ khí, loại đạn mà Kpă Klơng đã dùng bị… thất truyền nên 50 năm sau, đảng ta, nhà nước ta mới có thể… “hồ hởi, phấn khởi” loan báo đã nghiên cứu và chế tạo thành công loại đạn súng trường có thể xuyên áo giáp (10)…
***
“Sự thật lịch sử” cũng như “thành tựu cách mạng” mà đảng ta, nhà nước ta tạo ra và nỗ lực giữ gìn bằng đủ mọi cách, từ việc trừng phạt những công dân dám sử dụng kiến thức để phân tích thật – hư, thiệt – giả, đến áp dụng các biện pháp hành chính như ngăn chặn “Ba chị em”. Nhờ ơn đảng, ơn nhà nước, không chỉ ngữ nghĩa của những “sự thật”, hay “lịch sử”, hoặc “xuyên tạc” và “xúc phạm” trở thành hết sức… phong phú mà “tôn trọng” và “bảo vệ” cũng trở nên đa nghĩa. Mỗi công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải tin những “sự thật” mà nếu còn một chút tự trọng ắt sẽ đỏ mặt khi kể cho thiên hạ nghe! “Tự do” và “dân chủ” XHCN thật là… vi diệu!
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/netflix-go-bo-phim-little-women-vi-xuyen-tac-lich-su-viet-nam-4520138.html
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Lựu_đạn
(6) http://sknc.qdnd.vn/ky-niem-sau-sac/doi-mat-chua-lua-501062
(8) https://phunutoday.vn/huyen-thoai-tay-khong-quat-nga-truc-thang-uh1-cua-my-d11931.html
(10) https://tuoitre.vn/nguoi-che-tao-thanh-cong-dan-xuyen-thep-1191418.htm
Leave a Comment