Thái Thanh (Luật Khoa)
Trong lúc bạn đọc bài viết này, hàng nghìn tín đồ Dương Văn Mình ở miền núi phía Bắc đang đối diện với sự rình rập ngày đêm của chính quyền.
Vào ngày 2/8/2022, chính quyền huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã cho lực lượng phá sập nhiều nhà tang lễ của người dân theo đạo Dương Văn Mình vào lúc 3 giờ sáng. Công an còn vào tận nhà dẹp bỏ bàn thờ của người dân theo đạo này và thay thế bằng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. [1]
Tại Bắc Kạn, chính quyền nêu rõ sáu tháng cuối năm 2022 là cao điểm của chiến dịch trấn áp, tiến tới xóa bỏ “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” vào năm 2023. [2]
Chính quyền tỉnh Cao Bằng cũng thực hiện kế hoạch “100 ngày tuyên truyền, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. [3]
Tỉnh Tuyên Quang đang “vận động” người dân “tự nguyện cam kết với chính quyền từ bỏ tổ chức này”. [4]
Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết “đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ” với 1.185 người “bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. [5] [6]
Những hoạt động trấn áp này được báo chí nhà nước tuyên truyền rầm rộ. Các thông tin trên báo chí tạo cảm giác chính quyền đang hành động hợp pháp và hợp lý. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lại sẽ thấy chính quyền cố tình mập mờ với công chúng về ba vấn đề sau.
Tôn giáo hay tổ chức bất hợp pháp?
Tháng 6/2022, Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định bản chất của “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” là “lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng, tuyên truyền tư tưởng ly khai nhằm lập ‘Nhà nước riêng của người Mông’ do Dương Văn Mình làm vua” và “phá hoại chính sách đại đoàn kết của dân tộc”. [7]
Tuy nhiên, các lời trích dẫn của những người được báo chí nhà nước cho là “nạn nhân” lại không thể hiện các tính chất như cáo buộc.
Ví dụ như báo Bắc Kạn dẫn lời (gián tiếp) của Lý Văn Dũng, một người trú tại tỉnh này đã từ bỏ đạo Dương Văn Mình: “Ai theo Dương Văn Mình, khi chết sẽ được Chúa Giêsu đón lên trời sống sung sướng; không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ; người chết sẽ sống lại, người già sẽ lột xác trẻ lại, người trẻ thì trẻ mãi không già, ốm đau sẽ tự khỏi bệnh… Xúi giục người tham gia từ bỏ phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Mông bằng cách hướng dẫn họ tự dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên; tổ chức lễ gọi vía, cầu hồn cho mọi người khỏi ốm đau…”. [8]
Báo VienamPlus cũng dẫn lời (gián tiếp) của một người ở tỉnh Tuyên Quang, tên là Hầu Văn Sình, nói rằng “trước đây tin theo kẻ xấu, cứ nghĩ không làm thì cũng có ăn, có bệnh sẽ tự khỏi”. [9]
Hai lời khai vừa nêu dù nghe qua có vẻ rất đáng nghi, tuy nhiên chúng chỉ dừng lại ở việc thể hiện “nạn nhân” tham gia vào các hoạt động mang tính chất truyền bá một niềm tin tôn giáo nào đó.
Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Thái Nguyên rằng 105 người ở xã này theo đạo Dương Văn Mình đã “tổ chức đám ma, đám cưới, ‘Tết chung’ trái với hương ước, quy ước và thuần phong mỹ tục của địa phương, tái dựng ‘nhà đòn’, khi chính quyền tuyên truyền, vận động tháo dỡ, cưỡng chế thì các đối tượng bất hợp tác, chống đối…”. [10]
Hiện nay, chưa có lời khai cụ thể nào từ nhân chứng trên báo chí nhà nước cho thấy người theo đạo Dương Văn Mình được hướng dẫn thực hiện các hoạt động đòi ly khai tự trị, phá hoại chính sách đại đoàn kết.
Vào tháng 3/2021, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò đã phát biểu trước Quốc hội rằng đạo Dương Văn Mình chỉ cải thiện các thủ tục ma chay lạc hậu của người H’mong, chứ không chống chính quyền, chính sự hiểu lầm của chính quyền đã gây ra những xô xát với người H’mong. [11]
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cường tại Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng đạo Dương Văn Mình giúp người H’mong đỡ tốn kém, tiết kiệm thời gian cho những sự kiện quan trọng. [12]
Chính quyền hiện nay vẫn chưa làm rõ các hoạt động liên quan đến đạo Dương Văn Mình cụ thể là gì? Vẫn còn nhiều mâu thuẫn thông tin từ phía người dân theo đạo này với các tuyên bố của chính quyền, báo chí nhà nước.
Không nêu được bằng chứng về “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”
Cho đến giai đoạn 2019 – 2020, báo chí gọi đạo Dương Văn Mình dưới các tên khác nhau như: “hiện tượng Dương Văn Mình”, [13] “tổ chức Dương Văn Mình”, [14] hoặc có tờ báo cũng gọi là “đạo Dương Văn Mình”. [15] Nhưng hiện nay, các tờ báo nhà nước đều gọi đạo Dương Văn Mình là “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Nếu đã gọi là “tổ chức” thì phải có đường lối hoạt động, cơ cấu tổ chức, các thành viên đảm nhiệm vai trò cụ thể, các hoạt động dưới danh nghĩa tổ chức.
Tuy nhiên, chưa có tờ báo nào nêu được cơ cấu tổ chức cụ thể của “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, ai là thành viên cốt cán, giữ vai trò như thế nào, kèm theo những bằng chứng, lời khai xác đáng.
Một bài báo đăng vào tháng 1/2022 trên báo Công an Nhân dân có kèm ảnh của một người đàn ông với chú thích là “Dương Văn Thành, đối tượng cốt cán trong ‘Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình’ ở Bắc Kạn bị bắt”. [16] Tuy nhiên, bài báo không nêu bất kỳ thông tin nào khác về người này.
Tháng 4/2022, VOV đăng một bài viết nêu rằng: “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình còn lập ra cơ cấu tổ chức trái pháp luật như: thành lập Ban cố vấn, hội người già, hội thanh niên, hội phụ nữ… để đối trọng với thể chế chính trị của Nhà nước.” [17] Tuy nhiên, bài viết không nêu cụ thể các hội này có chức năng gì? Có phải do Dương Văn Mình thành lập hay không? Ai vận hành? Hoạt động tại địa phương cụ thể hay có liên kết nhiều tỉnh, thành?
Hiện nay, các bài viết về đạo Dương Văn Mình đưa người đọc vào một rừng thông tin với hàng loạt các cáo buộc nhập nhằng. Các cáo buộc này không có bằng chứng, nhân chứng cụ thể.
Cơ sở pháp lý nào để ép các tín đồ bỏ đạo?
Về đối tượng trấn áp, dù tự cho rằng có nhiều người giữ vai trò cốt cán trong “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” nhưng các hoạt động của chính quyền được phản ánh qua báo chí cho thấy họ chỉ tập trung vào những tín đồ thông thường, không có vai trò gì đáng kể.
Về cách trấn áp, chính quyền các địa phương hiện nay đều nói rằng họ đang tổ chức vận động người dân tự nguyện không theo “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính quyền không nhẹ tay như vậy.
Một bài báo đăng ngày 9/8/2022 cho hay, chính quyền huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 440 lượt vận động đối với 275 hộ đang theo “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Có nghĩa là một hộ có thể bị chính quyền đến nhà nhiều lần. Như vậy, đó không còn là “vận động” nữa mà đúng hơn là gây áp lực, sách nhiễu. [18]
Cũng trong bài báo vừa nêu, chính quyền huyện cho biết việc vận động đã khiến “85/85 hộ đã gỡ bỏ ‘tấm phông trắng’ tại 8/8 địa bàn”. Tấm phông trắng là nơi dựng bàn thờ của các hộ dân theo đạo Dương Văn Mình.
Tuy nhiên, trong một bài báo đăng cùng ngày 9/8/2022 trên RFA, một số tín đồ cho biết chính quyền huyện Bảo Lâm đã cho công an xông vào nhà hộ dân nơi đây để phá dỡ bàn thờ, tịch thu đồ dùng thờ cúng của người dân theo đạo Dương Văn Mình. [19]
Việc phá dỡ các nhà tang lễ, tịch thu các vật dụng thờ cúng của người dân chính là hành vi ngăn cản người dân theo đạo Dương Văn Mình. Hành động ép người dân từ bỏ đạo này đang được ngụy tạo bằng công tác “vận động người dân không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Cần phải hiểu rằng việc tham gia một tổ chức và việc thờ cúng theo tín ngưỡng là hai thứ rất khác nhau. Nếu người dân đã đồng ý không theo tổ chức Dương Văn Mình thì họ vẫn có quyền thờ cúng, kể cả thờ cúng giống đường lối của đạo Dương Văn Mình.
Hiện nay, người dân có quyền theo bất kỳ tín ngưỡng, tôn giáo nào mà họ mong muốn. Pháp luật không có quy định nào cấm người dân không được tham gia các tôn giáo chưa đăng ký với chính quyền, kể cả các tôn giáo mà báo chí nhà nước dán nhãn “tà đạo”.
Các vi phạm về hoạt động mê tín dị đoan chủ yếu áp dụng cho các hoạt động cụ thể như “lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”, (xem Nghị định số 158/2013/NĐ-CP hay Nghị định số 38/2021/NĐ-CP). [20] [21]
Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có quy định liên quan đến hoạt động mê tín dị đoan, nhưng ghi rõ rằng chỉ những người hành nghề mê tín dị đoan mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, việc chính quyền ép các tín đồ từ bỏ đạo Dương Văn Mình là hành vi không có cơ sở pháp lý, thậm chí là vi phạm quy định của hiến pháp về quyền tự do tôn giáo của người dân.
Vấn đề trấn áp đạo Dương Văn Mình và cưỡng ép đồng bào người H’mong bỏ đạo tại các tỉnh miền núi phía Bắc nghe có vẻ rất xa xôi đối với một người đồng bằng. Nhưng nếu như công chúng đồng ý với cách làm ngang ngược, thiếu thuyết phục của chính quyền, thì một ngày nào đó cách làm này cũng sẽ được áp dụng ngay chính nơi chúng ta sống./.
Leave a Comment