Thân phận của… ‘cao quý’

Học sinh tại trường Nhị Đồng, Bình Dương. Hình minh họa.
- Quảng Cáo -

Thiên Hạ Luận – VOA

Trân Văn

Tuần này, chuyện một cô giáo 33 tuổi, dạy tại một trường cấp hai ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tự sát và nội dung thư tuyệt mạng của cô (1) đã trở thành đề tài để nhiều người luận bàn trên mạng xã hội Việt Nam về thân phận giáo viên – công việc vẫn được ca tụng là… “cao quý”.

Thành viên có nickname là Én trong group Chúng tôi là giáo viên tiểu học trên facebook, tự sự: Thật buồn! Di thư đồng nghiệp xa lạ tự kết thúc cuộc đời mình chỉ yêu cầu – ‘Khi em đi rồi, tuyệt đối không cho ai là giáo viên đến viếng em’ – chị ấy mong không làm giáo viên trong tất cả các kiếp sau.

- Quảng Cáo -

Én kể: Tôi đã chứng kiến nhiều người rời khỏi bục giảng, rẽ sang đường khác vì không chịu được áp lực của cái nghề vẫn được xem là cao quý. Tôi cũng từng nghe nhiều người khuyên – “Chuyển nghề đi con, sao phải buộc mình ở đây làm gì”… Không phải tôi chưa từng nghĩ đến một con đường khác cho bản thân trước những lời đề nghị đó.

Thử nghĩ xem, khi năm học mới vừa bắt đầu, các trang mạng đã đua nhau đăng những tin tiêu cực về dạy thêm – học thêm, thu chi quỹ lớp/quỹ trường… Người ta bàn tán về ngành giáo dục và giáo viên với đủ mọi ngôn từ khủng khiếp. Những câu chuyện đó khiến nhiều người trong chúng tôi phát nản. Bác sĩ có thể mở phòng mạch, luật sư có thể mở văn phòng riêng nhưng giáo viên thì không được dạy thêm – đó là cái tội. Giáo viên không được ăn mặc đẹp, không được nổi bật, phải khiêm nhường chừng mực. Bực tức, nóng giận phải nuốt vào trong. Giáo viên thu quỹ lớp phải đắn đo tính toán, sợ sau lưng điều tiếng không hay, muốn mua cái khăn trải bàn cũng phải dò giá 80 lần…

Tự lúc nào, nghề giáo chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”. Học sinh học dở – tại giáo viên. Học sinh không ngoan – tại giáo viên. Chương trình nặng – tại giáo viên. “Trăm dâu đổ đầu tằm” nhưng lương giáo viên thì chật vật tứ bề, nuôi thân đã khó, có con cái gia đình lại càng nặng gánh lo toan... Thế nên người ta bỏ nghề!

Cô giáo trẻ hôm nay ra đi vì áp lực công việc, cuộc sống hay vì bất kỳ lí do gì chăng nữa, cũng đang gióng lên một hồi chuông khẩn thiết – “Xin hãy bớt khắt khe với giáo viên”. Đừng bắt giáo viên phải gánh trên lưng những áp lực như thay đổi phương pháp dạy, bài giảng theo hướng công văn A, B, C với mấy chục trang giáo án một tiết. Thi giáo viên giỏi. Thi các cuộc thi để ngành lên báo cho oai nữa…

Cũng đừng cho giáo viên là thần thánh chỉ cần thở để sống với đồng lương eo hẹp, hay vung tay là lo được trọn vẹn mấy chục học trò giỏi ngoan răm rắp. Giáo viên cũng là người. Hãy để giáo viên đi dạy với tình yêu nghề, nhiệt huyết cháy bỏng, thay vì chạy cho kịp tiến độ như một cỗ máy. Giáo viên có hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc. Một nền giáo dục hạnh phúc mới có thể tạo ra một xã hội hạnh phúc.Chứ không phải mấy dòng di thư buồn như tối hôm nay (2)…

Không phải ai cũng dành sự thương cảm cho cô giáo vừa tự sát và ngẫm nghĩ về cao quý. Có một số người như Lã Minh Luận, tự giới thiệu là giáo viên, phê phán đó là chuyện… “lãng xẹt” mà Lã Minh Luận “không biết nói sao nữa”! Facebooker này cho rằng, cô giáo vừa tự sát “non nớt, mong manh quá” (3).

Những ý kiến, nhận xét như của Lã Minh Luận không nhiều nhưng đó là lý do khiến nhiều facebooker khác như Lê Nguyễn lên tiếng: Tin một cô giáo ở độ tuổi 30 tự sát bỗng làm mình nhớ đến tác phẩm Anna Karenine của văn hào Tolstoy. Với mình, khi quyết định dứt khoát như thế, cô giáo đáng thương ấy hẳn đã phải trải qua những ngày căng thẳng, bi đát cùng tột. Trong một xã hội, dù tự do có bị hạn chế đến đâu, con người vẫn còn thứ tự do gần như tuyệt đối – tự do quyết định kết thúc cuộc sống của mình.

Cái chết của cô giáo ấy gợi lên trong lòng nhiều người sự thương cảm sâu sắc. Người ta liên tưởng đến thân phận một tầng lớp “trồng người” đang bị đè nèn, giày vò bởi cơ chế giáo dục cần được cải thiện, đổi mới từng ngày, từng giờ. Những người làm giáo dục còn có lương tâm hẳn phải nghĩ đến phần trách nhiệm của mình trước cái chết thương tâm của một nhà giáo vốn nằm trong chức trách lãnh đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và cả yêu thương của họ. Cái chết đó không chỉ là sự chọn lựa cách giải thoát phù hợp trong tình thế khốn cùng nhất mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh gióng lên trong xã hội có rất nhiều giá trị bị đảo lộn, đạo đức của con người bị băng hoại.

Lê Nguyễn nhấn mạnh: Không nhỏ được giọt nước mắt nào xót xa cho thân phận một đồng bào, đồng nghiệp của mình thì xin đừng mượn cái chết của họ để đánh bóng mình bằng những lời phê phán vô tâm và lạc điệu. Cái chết đáng thương của một nhà giáo, từng theo đuổi một nghề cao quý luôn được xã hội đề cao, thêm một lần cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm trong ngành quản lý giáo dục và cũng là một kinh nghiệm cho những đồng nghiệp của cô, cố làm sao đừng để lâm vào những cảnh ngộ như cô, để phải đau đầu trước sự chọn lựa giữa sự sống nhục nhằn, bất lực và chết thương tâm. Trong tương lai gần, nếu không có những cơ chế quản lý khoa học, hợp lý, dựa trên một nền tảng giáo dục nhân bản thì những cái chết như thế sẽ tiếp tục diễn ra và tiếp tục là nỗi ám ảnh của mọi người (4)!

***

Khó mà tính đủ, kể hết sự ngậm ngùi cả cho cô giáo đã quyên sinh lẫn thân phận của những người làm giáo viên – công việc vẫn được tụng ca là… “cao quý”. Tuy nhiên chẳng phải chỉ có thân phận giáo viên mới thê thảm như vậy. Thân phận con người – đối tượng cũng được tụng ca là… “vốn quý”- trong xã hội Việt Nam ngày nay cũng chẳng khá gì hơn. Ngoài tin cô giáo ở Bình Định quyên sinh, trong tuần, hệ thống truyền thông chính thức còn giới thiệu một tin khác cũng liên quan đến quyên sinh…

Do vợ lâm trọng bệnh, không có tiền chữa chạy, không biết sống thế nào, ông Huỳnh Quang Đạt – 56 tuổi, ngụ ở quận 8, TP.HCM – đã lấy dây điện buộc vào cổ tay vợ rồi cắm đầu còn lại vào ổ điện. Sau khi vợ chết, ông Đạt tiếp tục làm như thế với chính ông. Không may cho ông là có người phát giác, tri hô và ông Đạt được cứu sống. Ông Đạt bị truy tố và mới bị tòa án phạt 7 năm tù vì “giết người” (5)…

Hai câu chuyện cùng liên quan đến quyên sinh (cô giáo ở Bình Định và vợ chồng ông Đạt) là lý do khiến Thái Hạo lên tiếng vì hai câu chuyện ấy gợi ra trong ông hình ảnh cải cách ruộng đất ở làng của Thái Hạo lúc ông còn thơ… Theo Thái Hạo, sau hai phần ba thế kỷ, hôm nay tưởng hạnh phúc đã đến trong cuộc đời mỗi người dân cùng khổ thủa xưa nhưng không… giữa năm 2022 này, lịch sử vẫn là một tai ương kéo dài, một quá khứ tiếp diễn, hai vợ chồng ở thành phố lớn nhất nước không có tiền đóng viện phí đã phải rủ nhau tìm đến cái chết. Chồng giết vợ rồi sau đó tự giết mình. Những vết thương sâu hoắm trên thân thể đất nước tại sao không thể khép miệng? Vì hiện tại vẫn phảng phất những số phận cũ, vẫn rờn rợn những đe dọa và bất an, ở khắp nơi (6)…

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/phat-hien-thi-the-co-giao-cung-thu-tuyet-menh-sau-4-ngay-mat-tich-202209250940478.htm

(2) https://www.facebook.com/groups/CTLGVTH/posts/5826267544064363/

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02xdCLQGSfqiK8dg6QNcKyhdnJarNXFqWYyGuGsWT94Jr6T93EbtXv5jt4H8LqEN1Pl&id=100011145603752

(4) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/pfbid0BF1rx2MsYkLDPYKpv5vhdFoBFf3qPUp8sszJsUnmrZeJfK1EF1gTcgPPVPKJrA4jl

(5) https://zingnews.vn/giet-vo-roi-tu-tu-vi-hoan-canh-kho-khan-nguoi-dan-ong-linh-7-nam-tu-post1359202.html

(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0mp1GAWTZ1G3ubFcFUv1YcNKkJgNv7ZrNTD1ibUz2XwwfYjq5H3vP8BV5ph3dH4yNl&id=100059910855657

- Quảng Cáo -