Đầu thập niên 90, xe Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam rất ồ ạt, các thương hiệu như Hyundai, Deawoo, Kia chiếm lĩnh thị trường vì giá mềm hơn xe Nhật. Thời đó, xe Hàn là xe giá rẻ và thực tế chất lượng xe Hàn còn khá xa với xe Nhật. Tuy nhiên, cho đến nay, xe Hàn đã cạnh tranh hoàn toàn sòng phẳng với xe Nhật mà không phải e ngại.
Không chỉ thị trường Việt Nam mà thị trước Bắc Mỹ cũng thế, xe Hàn giờ đây đã chiếm lĩnh thị trường vừa khổng lồ vừa khó tính này. Xe Hàn đã được thế giới thừa nhận. Ngoài ô tô, hàng điện tử Hàn cũng đã từng bước đi lên vững vàng. Trước đây Samsung đứng sau Sony về thương hiệu nhưng giờ hãng điện tử này đã vượt qua Sony. Và hàng Hàn hiện nay đang cạnh tranh với hàng Nhật trên nhiều lĩnh vực.
Quốc gia nào cũng vậy, không bỗng dưng họ có thương hiệu quốc gia theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” mà đều phải xây dựng. Để nâng tầm thương hiệu thị họ đi từng bước chậm mà chắc. Không có đường tắt nào dành cho lộ trình xây dựng thương hiệu.
Xe máy Trung Quốc, ô tô Trung Quốc khi mới vào thị trường Việt Nam cũng là sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên một thời gian sau, hàng Trung Quốc bị thị trường Việt Nam từ chối. Và tất nhiên, ô tô xe máy Trung Quốc cũng không thể bám rễ được thị trường Bắc Mỹ như xe Hàn đã từng làm. Hàng Tàu có xuất phát điểm như hàng Hàn nhưng tại sao họ lại bị từ chối?
Điều khác biệt giữa xe Hàn với xe Tàu là ở sự tử tế. Anh có thể bán sản phẩm chất lượng chưa tốt nhưng anh có thiện chí cải tiến lỗi sau từng dòng đời sản phẩm, đấy là sự tử tế. Anh bán xe rẻ nhưng lại trích phần lớn trong lợi nhuận để cung cấp dịch vụ hậu mãi đầy đủ cho khách hàng, đấy là sự tử tế. Trong khi đó hàng Tàu thường bán cho khách hàng chỉ cốt để lấy tiền bỏ túi và bỏ mặc khách hàng tự bơi với những lỗi do nhà sản xuất. Thiếu sự tử tế và thừa lòng tham.
Thực ra trong các thương hiệu xe Tàu, cũng có những thương hiệu làm ăn tử tế, tuy nhiên những thương hiệu này không thể mở rộng thị phần ra nước ngoài vì sự ác cảm của thế giới về hàng Tàu. Những người tử tế đã bị những doanh nghiệp thiếu tử tế hại.
Hiện nay Việt Nam đang làm theo cách người Tàu. Nhiều thương hiệu lớn đang mở rộng thị trường ra thế giới, đã bước vào những thị trường khó tính như EU, Nhật vv… mà vẫn lén lút đưa hàng hóa kém chất lượng trà trộn vào. Vụ việc các nhãn hàng của Masan đã bị phát hiện chất cấm cho thấy điều đó. Những gì các doanh nghiệp này gieo rắc, họ đang đánh chết thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Hiện nay, Vinfast đang nuôi tham vọng thành thương hiệu toàn cầu, tuy nhiên Vinfast đang thiếu vắng sự tử tế trong văn hóa kinh doanh. Lợi dụng lòng yêu nước để bán hàng thiếu an toàn là thiếu sự tử tế. Không kiểm tra thật kỹ sản phẩm để rồi sản phẩm ấy thành cỗ máy giết người thì sự thiếu tử tế đó đã thành tội ác. Hàng Vinfast chưa thể có chất lượng bằng hàng Nhật, hàng Đức cũng không sao, sự tử tế có thể lấp vào khiếm khuyết ấy để giữ chân khách hàng để lần sau sửa chữa tốt hơn. Tuy nhiên, nếu dùng đồng tiền che đậy cái vô đạo đức và vô trách nhiệm của hãng thì xã hội sẽ không dung thứ cho loại thái độ đó. Một khi nguồn “yêu nước ngây thơ” đã cạn thì Vinfast cũng sẽ đi đến ngày tàn mà thôi. Nếu không lấy sự tử tế làm giá trị nòng cốt thì cái chết của thương hiệu Vinfast chỉ là vấn đề thời gian.
Những kẻ ngụy biện hay có lý luận rằng, nơi nào cũng có kẻ tốt người xấu. Tất nhiên, quốc gia văn minh bậc nhất như Úc, Thụy Điển, Nay Uy vv… vẫn có trộm cướp, vẫn có tham nhũng. Năm 2014, ông Ông Barry O’Farrell, Thủ hiến bang New South Wales (Úc) kiêm thủ lĩnh Đảng Tự do tại bang này, phải từ chức vì nhận món quà là chai rượu vang trị giá 3000 đô la. Đấy! Nước Úc có tham nhũng đấy chứ có 100% sạch đâu? Tuy nhiên, tham nhũng ở Việt Nam thì khác, lò ông Trọng dựng lên từ năm 2016 đến nay đốt hàng ngàn “củi” nhưng càng đốt càng lòi ra củi gộc ăn trăm tỷ ngàn tỷ. Chỉ riêng một vụ Việt Á đã hơn 70 thanh củi vào lò mà vẫn chưa hết. Đấy! Úc và Việt Nam cũng có tham nhũng đấy, nhưng không thể đánh đồng.
Luật số đông làm nên tính cách của một quốc gia. Số đông tử tế thì quốc gia ấy là tử tế, số đông có đạo đức là xã hội có đạo đức, số đông xuống cấp đạo đức thì đạo đức xã hội xuống cấp. Và quy luật số đông chi phối tập thể đó là điều mà ai cũng rõ. Vì thế Úc và Việt Nam đều có tham nhũng nhưng người ta vẫn xem chính quyền Úc là một nhà nước sạch là cái nhìn theo luật số đông.
Tương tự như vậy, luật số đông sẽ làm nên thương hiệu quốc gia. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tử tế thì thương hiệu quốc gia của Việt Nam sẽ được nâng tầm, còn trong một rừng doanh nghiệp mà chỉ có một vài là tử tế thì chính giá trị thấp của thương hiệu quốc gia đè bẹp những kẻ tử tế đấy.
Giới doanh nhân Việt là một thành phần của xã hội Việt. Nền tảng đạo đức xã hội thấp thì loại doanh nghiệp chỉ chăm vào những trò móc túi mà phủi trách nhiệm chiếm số đông. Và một khi nền tảng đạo đức xã hội quá thấp thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh lên là rất khó, nếu không muốn nói đó là nhiệm vụ bất khả thi./.
-Đỗ Ngà-
Leave a Comment