Lại một chiều buồn của làng

- Quảng Cáo -

 Vợ mua được chiếc nồi cơm điện, rưng rưng tủi tủi mang về. Nhưng vừa mới vô tới nhà, “một lời nói chẳng kịp thưa” thì nồi đã bị chồng đá bay ra sân, méo móp thế này đây. Còn chồng thì sưng chân, đi lặc liễng. Ở một nhà khác, vợ vừa mua được nồi niêu xoong chảo mang về thì bị chồng quát tháo đuổi đi, nói ra Cồn Chạ mà nấu ăn (Cồn Chạ là tên của cái nghĩa địa làng tôi).

Cách đây 3 ngày có một “công ty” về xã tổ chức bán hàng dân dụng. Trước đó, họ đã đi từng ngõ gõ từng nhà để phát tờ rơi. Khuyến mãi hấp dẫn. Ngày bán, rạp được dựng ngay trên sân vận động của xã, loa đài tưng bừng. Buổi sáng là phát dầu ăn các thứ miễn phí, cùng với mấy cái nồi cơm điện “mua xong được trả lại tiền”. Hẹn chiều sẽ tiếp tục.
Chiều, dân làng kéo đến ùn ùn, phải khoảng vài trăm người. Nhưng đồ thì chỉ có 70 món. Bây giờ phải làm sao đây. Đáng ra đây là đồ tặng miễn phí cho bà con, nhưng vì của ít người nhiều nên bây giờ bà con muốn có đồ thì cứ nộp tiền trước, sau khi đã phát hết hàng thì bắt đầu trả lại tiền. Bà con nhớ giữ món đồ của mình cho cẩn thận, để còn nhận tiền nhé. Thế là í ới gọi con cháu mang tiền ra, thế là có đồng tiết kiệm nào thì mạnh dạn móc ra…; rồi tranh nhau, xô đẩy nhau, đè cả lên nhau mà dúi tiền vào tay “nhân viên công ty”. Hoảng quá, nhân viên chỉ nhận tiền của ai là đồng 500k, chứ loại 100, 200k không có thời gian đếm.
Xong, “Bà con ngồi yên, nhớ giữ món đồ của mình, tránh bị thất lạc”. Thế là ngồi im. Nhân viên MC chuồn ra xe lúc các nhân viên khác đã ngồi sẵn sàng đợi người cuối cùng. Mất hút. Cả đám nông dân nghèo khổ mà một năm 2 vụ lúa trừ hết chi phí đi không biết có lãi nổi dăm triệu đồng không, trong một buổi chiều đi sạch. Nhớn nhạc, ngẩn ngơ, khóc…
Nghe mọi người đồn, vụ này cả xã mất khoảng vài trăm triệu. Người ít thì 1 – 2 triệu, người nhiều mất đến mươi triệu. Đến hôm nay, có bà còn vừa kể vừa khóc, vì nồi niêu thì hàng giả, hàng nhái, lại mua với giá gấp mấy lần nồi xịn. Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết thì đúng là không chống đỡ được.
Tôi hỏi, “Họ rầm rộ tới bán hàng ngay trên sân vận động của xã như thế, mà chính quyền xã không biết sao?” Mọi người lắc đầu, “chả rõ thế nào”. Vào một trang của một người dân trong xã quay và đăng cảnh bán hàng, thấy có cái bình luận này: “Bị nó lừa nhiều thế mà không ai báo công an”. Trả lời: “báo quản lý thị trường nó bảo xã với công an cho rồi nên ko về”. Chẳng biết thực hư thế nào!
Lên mạng tìm hiểu thì mới té ngửa, hình thức lừa đảo này đã phổ biến từ lâu. Mấy năm nay thi thoảng lại có đoàn này đoàn nọ về thôn làng bán món nọ món kia. Coi thêm thì thấy, các nhóm lừa đảo loại này xuất hiện khắp nơi ở nhiều tỉnh. Cách đây 1 năm, Đài PTTH Thanh Hóa đã có hẳn một phóng sự về việc lừa đảo này.
Lạ, loa thôn mỗi ngày 2 lần phát đi đủ các thông tin, nhưng tại sao không đưa nội dung này vào để cảnh báo cho người dân? Tại sao trước các hình thức lừa đảo táo bạo, công khai, phổ biến đến mức ấy nhưng chính quyền các địa phương không có sự quản lý chặt chẽ hơn mà lại để họ vào, trống giong cờ mở lừa dân giữa ban ngày ban mặt như vậy? Hình ảnh các nhóm lừa đảo này tràn ngập trên mạng, sao các cơ quan truyền thông mọi cấp không tích cực tuyên truyền cho dân biết? Sao công an không phát lệnh truy tìm/truy nã các đối tượng ấy? Chính quyền các địa phương để xảy ra nạn lừa đảo công khai trắng trợn này chịu trách nhiệm thế nào về việc quản lý xã hội của mình? V.v. và v.v..
Bao nhiêu câu hỏi rối bời, chẳng biết hỏi ai. Dân muôn đời khổ./.

Thái Hạo

- Quảng Cáo -