Trân Văn – VOA
Chính phủ Việt Nam vừa trình Dự luật mới về đất đai để Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam xem xét.
Chính phủ Việt Nam vừa trình Dự luật mới về đất đai để Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam xem xét. Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì Dự luật mới về đất đai gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi 156 điều, bãi bỏ 8 điều của Luật Đất đai hiện hành và bổ sung thêm 36 điều mới.
Việt Nam có bộ luật đầu tiên về đất đai năm 1987. Đến 1993 thì phải sửa bộ luật đầu tiên về đất đai bằng một bộ luật khác. Tuy nhiên bộ luật sửa đổi bộ luật đầu tiên về đất đai chỉ tồn tại được năm năm thì phải sửa thêm một lần nữa vào năm 2003. Mười năm sau (2013), Việt Nam có bộ luật thứ tư về đất đai.
Cần lưu ý, bộ luật thứ tư về đất đai được thông qua vào tháng 11 năm 2013, có hiệu lực thực thi vào tháng 7/2014 nhưng ngay sau đó, từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, chuyên gia nhiều lĩnh vực tại Việt Nam lẫn các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới thấy rằng cần… sửa nữa và… sửa sớm.
Nếu bộ luật đất đai thứ ba (2003) tạo điều kiện cho một số cá nhân giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”, biến nhiều công dân thành vô sản, đẩy những người lương thiện như Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình,… vào vòng lao lý vị bị dồn đến cùng đường thì bộ luật đất đai thư tư còn tạo ra… hậu quả kinh khủng hơn thế.
Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ đồi, núi, rừng, đảo, bờ biển bị đổi chủ nhiều và nhanh như từ 2013 đến nay, cũng chưa bao giờ Việt Nam có nhiều cá nhân trở thành đại phú nhờ đất đai như từ 2013 đến nay. Chưa bao giờ trong lịch sử tư pháp của Cộng hòa XHCN Việt Nam có những vụ thảm sát liên quan đến cưỡng đoạt đất đai như vụ Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, vụ Đồng Tâm ở Hà Nội,… và chưa bao giờ số viên chức từ trung ương đến địa phương phải vào tù vì dính líu đến đất đai nhiều như từ 2013 đến nay.
Đầu thập niên 2010, trước khi bộ luật đất đai thứ ba ra đời (2003), các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam, dân chúng Việt Nam đã khuyến nghị, việc sửa luật đất đai phải tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho việc quản lý đất đai hiệu quả, tạo ra sự tăng trưởng công bằng cho tất cả các giới cũng như duy trì sự bền vững hơn cho môi trường… Để được như vậy, phải thừa nhận và bảo vệ quyền tư hữu đất đai nhưng tất cả các khuyến nghị ấy đều bị gạt bỏ.
Thậm chí, tuy đã thừa nhận bộ luật đất đai thứ tư (2013) có nhiều… “Hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài. Đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý nhà nước về đất đai…” nhưng BCH TƯ đảng CSVN vẫn khăng khăng buộc phải duy trì nguyên tắc: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (1).
Vì sao thực tế cho thấy “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là nguyên nhân chính khiến kinh tế càng ngày càng bất ổn, xã hội càng ngày càng bất an nhưng đảng vẫn muốn duy trì nguyên tắc này? Lần nào sửa luật về đất đai, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng khẳng định, luật mới sẽ “tăng cường sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước, phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn dân để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống” nhưng tại sao sửa xong lại sửa nữa?
***
Ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội khóa 15 (2021-2026) – vừa khẳng định: Sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ này và dự trù sẽ thông qua – ban hành Luật Đất đai mới vào năm tới. Đáng ngạc nhiên là dù khẳng định Luật Đất đai mới rất quan trọng nhưng không hiểu sao Chủ tịch Quốc hội lại định hướng: “Chỉ cụ thể hóa những gì đủ chín, đủ rõ và đã có quyết sách của trung ương, còn cái nào chưa đủ độ chín và chưa có trong nghị quyết thì không đưa vào” (2).
Dự luật mới về đất đai sẽ được công bố để toàn dân góp ý, các đại biểu Quốc hội thảo luận, rồi chỉnh sửa, biểu quyết mà định hướng như vừa kể thì sau bộ luật đất đai thứ năm ắt sẽ có bộ luật đất đai thứ… sáu! Những Chủ tịch Quốc hội tương lai sẽ lại có dịp… hót như ông Huệ: Đây là ví dụ sinh động nhất đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan chính phủ, quốc hội và cơ quan hữu quan, thể hiện năng lực thể chế hóa chủ trương của đảng vào chính sách, pháp luật của nhà nước, năng lực kiến tạo phát triển, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây, không ‘đẻ’ ra khó khăn, vướng mắc mới, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật.
Chú thích
(1) https://baodautu.vn/trung-uong-tiep-tuc-khang-dinh-dat-dai-thuoc-so-huu-toan-dan-d165573.html
Leave a Comment