Ban tổ chức Đại hội Văn bút Quốc tế lần thứ 88 sẽ dành một chiếc ghế trống vinh danh nhà hoạt động, nhà báo, tác giả Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm tại Việt Nam.
Trong kỳ đại hội thường niên sắp diễn ra tại Uppsala, Thụy Điển, từ ngày 27/9 đến 1/10, Văn bút Quốc tế (PEN International) có mời bà Phạm Đoan Trang tham dự, nhưng vì bà đang bị giam cầm nên tổ chức này sắp xếp một chiếc ghế trống, đồng thời tiếp tục vận động để chính quyền Việt Nam phóng thích bà Trang.
“Theo truyền thống của Văn bút Quốc tế, những tác giả không thể trực tiếp tham dự Đại hội thường niên của tổ chức này, vì họ phải ngồi tù vì những hành động bảo vệ quyền tự do ngôn luận, sẽ được vinh danh bởi sự hiện diện của một chiếc ghế trống. Đây là một truyền thống cần thiết cho tổ chức chúng tôi”, bà Sabrina Tucci, Giám đốc Chiến dịch và Truyền thông của Văn bút Quốc tế cho VOA biết qua email.
“Chúng tôi tin rằng việc bỏ tù bà Phạm Đoan Trang là một hành động trả đũa nhằm mục đích bịt miệng và trừng phạt bà vì những việc bà đã làm cho nhân quyền và tự do ngôn luận cũng như nói ra những sự thật gây khó chịu”, đại diện truyền thông của Văn bút Quốc tế cho biết thêm.
PEN International, tổ chức có lịch sử hơn 100 tuổi với hơn 140 trung tâm thành viên trên khắp thế giới, nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Phạm Đoan Trang, cùng với tất cả những người “bị giam giữ vô cớ vì lên tiếng ôn hòa” ở Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin ý kiến về lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi.
Được biết là một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất của Việt Nam, bà Phạm Đoan Trang là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực và Cẩm nang nuôi tù. Bà đồng thời là nhà báo, blogger nhận được nhiều giải thưởng quốc tế do công việc vận động chính sách, bao gồm Giải thưởng Prix Voltaire 2020, Giải thưởng Martin Ennals 2022, giải Tự Do Truyền Thông năm 2022 của chính phủ Anh và Canada, giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022 của Hoa Kỳ, và sắp tới là Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả.
Vào tháng 10/2020, bà Phạm Đoan Trang bị bắt về tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, một cáo buộc thường được sử dụng để bỏ tù các nhà văn bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền.
Mặc dù việc giam giữ bà Trang khiến quốc tế lên án, bao gồm cả Nhóm công tác LHQ về Giam giữ Tùy tiện, bà vẫn bị kết án 9 năm tù vào ngày 14/12/2021, và sau đó bà kháng cáo nhưng vẫn bị y án trong một phiên phúc thẩm vào tháng trước.
Vài ngày trước phiên phúc thẩm hôm 25/8/2022, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Việt Nam lập tức hủy bỏ bản án 9 năm tù đối với bà Trang và trả tự do cho bà vô điều kiện.
“Việc bỏ tù oan bà Phạm Đoan Trang với tội danh tuyên truyền chống nhà nước là một ví dụ nữa về việc chính phủ Việt Nam đàn áp các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền nhằm loại bỏ bất đồng chính kiến và dập tắt tiếng nói của các cuộc tranh luận chính trị”, bà Liesl Gerntholtz, giám đốc của Trung tâm Tự do Viết PEN/Barbey nói trong thông cáo báo chí vào ngày 22/8.
Tôn vinh nữ nhà báo là một cây viết “có tiếng nói hàng đầu trong xã hội dân sự Việt Nam”, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ cho rằng với những bài viết về chính trị và nhân quyền được quốc tế công nhận, bà Trang đã trở thành mục tiêu của chính quyền Việt Nam trong nhiều năm, dẫn đến việc bà bị bắt giữ và kết án tù nặng nề.
Trước đó, bà Karin Deutsch Karlekar, Giám đốc Chương trình Tự do Bày tỏ trước Rủi ro thuộc Văn bút Hoa Kỳ cho biết: “Cộng đồng quốc tế đã nói rõ rằng việc giam giữ Phạm Thị Đoan Trang đang diễn ra là không thể chấp nhận được”, và rằng “chính quyền Việt Nam tiếp tục nỗ lực trừng phạt bà là vì hành vi viết lách ôn hòa và vận động nhân quyền của bà”.
Trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam sau đó nói rằng bà Karlekar “đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình Việt Nam”, cho rằng những lời kêu gọi này là “nhằm cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Thị Đoan Trang và các đối tượng chống đối khác”.
Đại hội năm nay của Văn bút Quốc tế có chủ đề: “Sức mạnh của ngôn từ: Những thách thức trong tương lai đối với quyền tự do ngôn luận”, theo đó sẽ báo động tình trạng quyền tự do ngôn luận đang bị áp lực trên toàn thế giới, đối mặt với một số mối đe dọa mới lẫn cũ.
“Các lực lượng độc tài đang giành được quyền kiểm soát, ngay cả ở những quốc gia được coi là nền dân chủ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc và cực đoan đang thách thức các hệ thống chính trị. Các nhà văn và nhà báo đang bị sách nhiễu, bắt bớ và giết hại. Sự kiểm soát và giám sát của chính phủ ngày càng tăng”, tổ chức này nhận định. “Đây là một vấn đề đáng báo động vì chúng ta không thể hành động hoặc thực hành các quyền dân chủ của mình nếu không được tiếp cận thông tin”.
Tổ chức Văn bút Quốc tế được thành lập ở London, Anh, vào năm 1921, nhằm thúc đẩy tình hữu nghị và sự hợp tác trí tuệ giữa các nhà văn trên khắp thế giới. Ngoài ra tổ chức này cũng nhắm các mục tiêu như nhấn mạnh vai trò của văn học trong việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết văn hóa thế giới, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, và hành động như là một tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho các nhà văn bị sách nhiễu, bị cầm tù.
Leave a Comment