Vậy là sau nhiều năm bị cùm chân trong khu biệt giam với án tử hình, nông dân Đặng Văn Hiến đã được chủ tịch nước ký quyết định ân xá xuống án chung thân.
Đây là một tin vui cho gia đình ông Hiến, và cũng là cơ hội để chúng ta một lần nữa suy nghĩ về quyền sở hữu đất, luật đất đai, tình trạng “bảo kê” cướp đất, những mảnh đời lao lý và án tử hình. Những vụ án như bắn người ở Đak Nông hay thảm sát Đồng Tâm sẽ không diễn ra nếu các nhóm lợi ích không lộng hành cướp đất của dân mà không bị bất kỳ chế tài pháp lý nào. Quyền tư hữu đất đai ở Việt Nam chính là gốc rễ của tình trạng dân oan dân ức khắp nơi. Tôi không bao che cho những hành vi bạo lực nhưng án tử hình không phải là giải pháp cho câu chuyện của những dân oan như Đặng Văn Hiến.
Ở đất nước pháp quyền pháp trị, bọn quan tham không thể thủ lợi nhờ cơ chế “cccc – con cha cháu cụ” này được. Sẽ vẫn còn đó bất công cho đến khi còn tồn tại mớ tư duy: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì duy trì tình trạng bảo kê của bọn có tiền có quyền, nên quyền lợi của người dân bị chúng khinh rẻ và sẵn sàng “lấy thịt đè người”. Điều gì đến cũng sẽ đến “con giun xéo mãi cũng quằn” và hậu quả là những án mạng đã xảy ra để rồi dính vào lao lý – án tử.
Theo cáo trạng, năm 2008 UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Bất chấp thực tế rằng có nhiều hộ dân đã xâm canh trồng điều, cà phê và sang nhượng cho các hộ dân khác lâu nay. Trong đó có gia đình ông Hiến, Bình và Hoàng Văn Thắng.
Chưa đến 6 giờ Sáng 23-10-2016, hơn 30 nhân viên của Công ty Long Sơn do ông Sửu, Thiện chỉ đạo nhóm công nhân, bảo vệ công ty với vũ khí là dao rựa, khiên giáp cùng xe máy cày tiến về khu vực đất gia đình ông Thắng. Họ đã mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Hiến và hai hộ dân khác.
Các xe ủi đã phá của gia đình ông Thắng, Hiến và ông Triệu Phụ Cao hơn 330 cây trồng các loại. Lúc này ông Hiến đang nằm ở nhà vì trời còn tờ mờ sáng. Khi phát hiện người của Công ty Long Sơn đến, bị cáo Hiến đã lấy súng đi ra thì bị nhóm người của công ty này chặn lại. Tại đây, bị cáo Hiến đã bắn một phát đạn chỉ thiên thì nhóm hơn 10 người của Công ty Long Sơn dùng đá ném lại.
Sau đó, ông Hiến chạy vào nhà và bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn. Nghe tin, Bình cũng cầm súng chạy lên nhà ông Hiến hỗ trợ. Cả hai đã ra khu vực san ủi bắn làm chết 3 người, 13 người bị thương… Sau đó, ông Hiến ra đầu thú.
Bị tòa tuyên án tử và bác các kháng cáo. Đặng Văn Hiến viết đơn xin ân xá và nay gia đình mới nhận được tin vui. Suốt những năm qua, với quy định hiện hành, ông Đặng Văn Hiến bị giam trong những phòng giam tử tù nhỏ hẹp, với những bệ xi măng làm chỗ nằm cùng biện pháp cùm chân, ăn một chỗ ị một chỗ. Nhiều lúc cả xã hội và nhà cầm quyền coi việc hành hạ những tử tù là điều đương nhiên, chẳng ai bàn. Tuy nhiên, dù có thêm nhiều người ngồi sau song sắt thì cái xã hội này vẫn loạn cào cào đủ thứ tạp nham.
Cái án tử một biện pháp thời tiền sử nhưng nay Việt Nam vẫn coi là biện pháp cải tạo xã hội. Thực tế thì tình trạng tội phạm không vì thế mà giảm sút, nếu như không nói ngược lại.
Theo tôi điều quan trọng nhất để thay đổi đất nước đó chính là luật pháp vị nhân – luật pháp vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Thử hỏi với luật đất đai, quyền tư hữu, án tử hình hay những vấn nạn hiện nay của Việt Nam đều rối như tơ vò, vì ai?
Vì cái nhúm “CCCC – con cha cháu cụ” đó.
Leave a Comment