Ngô Nhân Dụng – VOA
Nhưng chỉ vì lỡ gây chiến với Ukraine, Putin đang chịu lép vế trước Tập Cận Bình; bị cả thế giới tẩy chay, phải bám lấy Trung Cộng để bán xăng dầu, khí đốt và mua hàng hóa bị cấm vận.
Gặp Tập Cận Bình lần này, Vladimir Putin lép vế rõ ràng. Xuất hiện tay đôi trong cuộc họp thủ lãnh các nước thuộc Tổ chức Cộng tác Thượng Hải, ở Samarkand, thủ đô nước Uzbekistan, Tập Cận Bình chỉ thân mật gọi Putin là “ông bạn cũ,” cố hữu; còn Putin cố dùng những chữ nồng nàn níu kéo hơn, nói với Bình những lời, “Đồng Chí thắm thiết, Bạn thắm thiết.”
Vladimir Putin còn thú nhận rằng, về “cuộc khủng hoảng ở Ukraine,” “Chúng tôi hiểu những thắc mắc và mối quan tâm của các người bạn Trung Quốc, và trong cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ giải thích thêm chi tiết cho sáng tỏ.”
Nghe Putin nói về Ukraine phải đáng ngạc nhiên! Câu hỏi là: Tại sao Putin cần phân trần về “các thắc mắc và mối quan tâm” của người Trung Quốc? Để làm gì? Nếu hai bên sắp họp với nhau, sẽ có dịp giải thích, thì đâu cần tuyên bố trước công chúng, để ai cũng biết Trung Quốc “thắc mắc” với Putin về vụ Ukraine?
Có thể, trước khi hai lãnh tụ gặp mặt, nhân viên ngoại giao thảo luận, Trung Quốc đã báo trước rằng Tập Cận Bình sẽ than phiền về cuộc chiến ở Ukraine; vì thế người Nga xin để chính Putin sẽ nói, cho bớt căng thẳng.
Nhưng tại sao khi tới Samarkand, ở nước Uzbekistan, mà Tập Cận Bình muốn nói về chiến tranh Ukraine?
Đó là một cách nhắc nhở các nước Trung Á: Coi chừng, Nga có thể cũng gây ra mối họa cho quý vị, giống như ở Ukraine!
Bởi vì bốn nước Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan, và Kyrgyzstan, thành viên của Tổ chức Cộng tác Thượng Hải đang họp tại Samarkand, đều nằm trong Liên bang Xô Viết cũ, giống như Ukraine. Các nước này đều có thể bị Nga kiếm cớ xâm lăng, như Ukraine!
Tập Cận Bình nhắc nhở đến mối đe dọa của Nga để thuyết phục các nước Trung Á kết thân với Trung Quốc. Trước khi đến Uzbekistan, Tập Cận Bình đã ghé thăm Kazakhstan, chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi có bệnh dịch Covid-19. Ông đã hứa hẹn với Tổng thống Kassym-Jomart sẽ giúp bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan, “bất chấp các biến đổi trên thế giới!” Ai cũng hiểu, chỉ nước Nga mới có thể xâm lăng xứ này!
Kazakhstan và Trung Cộng cùng sáng lập Tổ chức Cộng tác Thượng Hải vào năm 2001, sau thêm sáu nước khác. Ông Kassym-Jomart cũng như Tập Cận Bình đều không công nhận hai nước “Cộng Hòa Nhân Dân” ly khai ở Ukraine mà Vladimir Putin đã dựng lên.
Nhiều người Nga sinh sống trong các nước Trung Á từ thời Xô Viết, nay vẫn còn đông. Số người nói tiếng Nga tại Kazakhstan chiếm 18% dân số, phần lớn sống ở phía Bắc, giáp đường biên giới với Nga dài 7,644 km, dài hơn biên giới chạy hướng Đông Tây giữa Mỹ và Canada, 6416 km (biên giới Canada giáp Alaska theo hướng Bắc Nam dài 2475 km).
Ông Putin tự coi mình có bổn phận “bảo vệ những người nói tiếng Nga” ở bất cứ nơi nào. Putin đã gọi Kazakhstan là một “nước nói tiếng Nga.” Ông từng mô tả Ukraine như vậy trước khi tấn công đầu năm nay. Tập Cận Bình đang nhắc nhở mối nguy này với các nước trong vùng.
Các nước từ Kazakhstan đến Uzbekistan, đều cùng một gốc với dân Thổ Nhĩ Kỳ, và cùng theo Hồi Giáo cũng như dân Uygur ở Tân Cương. Cho nên họ đều ủng hộ dân Ukraine, chính thức hoặc ngấm ngầm, trong cuộc chiến đấu chống quân Nga xâm lược.
Năm 2013 Tập Cận Bình đã công bố chương trình Nhất Đới Nhất Lộ (Một vòng đai, Một con đường) tại Kazakhstan. Đó là quốc gia rộng lớn và giàu quặng mỏ nhất trong vùng, còn tồn tại trên “Con Đường Tơ Lụa” xưa kia. Các vương quốc khác ở phía Đông đã bị quân Trung Quốc lần lượt chiếm từ trước Công Nguyên cho tới đời nhà Đường; bây giờ là tỉnh Tân Cương, giáp ranh Kazakhstan với biên thùy dài 1,700 km. Trên Con Đường Tơ Lụa này, đạo Phật từ vùng Gandhara (Bắc Pakistan và Afghanistan bây giờ) bắt đầu được truyền bá qua nước Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất. Các di tích của Đại đế Alexander và các trụ đá của Asoka vẫn còn rải rác trong vùng. Từ thế kỷ thứ 8, đạo Islam cũng theo đường này truyền bá suốt vùng Trung Á, qua tới Trung Quốc.
Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ nối dài đường Hỏa xa Trung Quốc Tốc hành (China Railway Express) xuyên Á châu qua Âu châu, với 11 thiết lộ, từ Kazakhstan qua Iran, Trung Đông, Âu châu và nối cả với vùng Đông Nam Á. Năm 2021 xe lửa đã chuyên chở 15,000 toa tàu công ten (container) đưa hàng hóa từ Trung Quốc qua Kazakhstan, tới các nước Âu châu.
Kazakhstan rất giàu khoáng sản, dầu lửa và khí đốt, chỉ thiếu chuyên gia và kỹ thuật. Từ năm 1991 sau khi tách khỏi Liên Xô, Kazakhstan mua bán với Trung Quốc nhiều thứ nhì, sau nước Nga. Năm 2021, Nga đầu tư trực tiếp vào xứ này nhiều hơn Trung Quốc, 8% so với 7.8% tổng số FDI, theo South China Morning Post nhưng Mỹ và Âu châu vẫn đầu tư nhiều hơn. Các công ty Mỹ như ExxonMobil hay Chevron đã đổ hàng tỷ đô la vào nước này.
Nhưng vì các lý do lịch sử và địa dư, Nga vẫn nắm thế mạnh so với Trung Quốc trong vùng Trung Á. Đầu năm nay, dân Kazakhstan biểu tình, bạo loạn. Putin đã gửi quân Nga qua giúp dẹp loạn, xong đã rút về. Tháng Bảy vừa qua, dân Uzbekistan cũng nổi dậy, bị đàn áp, chết 18 người. Dân Uzbek nói nhiều thổ ngữ, đang dùng tiếng Nga trong công văn, giao dịch thương mại, như dân Ấn Độ dùng tiếng Anh. Trung Cộng có muốn thay thế Nga ở vùng Trung Á cũng phải đợi ít nhất vài ba chục năm.
Nhưng chỉ vì lỡ gây chiến với Ukraine, Putin đang chịu lép vế trước Tập Cận Bình; bị cả thế giới tẩy chay, phải bám lấy Trung Cộng để bán xăng dầu, khí đốt và mua hàng hóa bị cấm vận. Dân Trung Quốc có thể muốn ủng hộ Nga nhưng cũng không thể cứu một nước kinh tế đang xuống dốc, vì chính họ cũng sợ bị Mỹ cấm vận. Chắc chắn Tập Cận Bình cũng không muốn dính líu đến một cuộc chiến tranh đang thất bại, khi thấy quân đội Nga lộ nguyên hình là “Cọp Giấy.”
Leave a Comment