Án an ninh quốc gia và vai trò của luật sư

- Quảng Cáo -

Hoài Nguyễn (VNTB)

Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng:

“Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

- Quảng Cáo -

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.

Như vậy, kể cả khi chưa có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra, thì người bào chữa là luật sư được quyền tham gia tố tụng từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra. Tuy nhiên các quyền vừa kể lại không được áp dụng đối với cáo buộc theo Điều 117 với lý do “cần giữ bí mật điều tra”.

“An ninh quốc gia” ở đây cần được gọi đúng tên đó là “an ninh chính trị”.

Ở Việt Nam, khái niệm an ninh chính trị còn được hiểu là sự ổn định chính trị, nền tảng tư tưởng thể chế chính trị, quyền lãnh đạo tối cao và duy nhất của Đảng với hàng loạt yêu cầu kiểu mang tính “gạch đầu dòng” như sau:

Sự an toàn nội bộ, việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và phát luật của Nhà nước; sự an toàn trong quan hệ đối ngoại, chống lại sự xâm phạm chủ quyền quốc gia, sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam;

Sự đúng đắn trong việc thực hiện đường lối chính trị, phòng ngừa và ngăn chặn sự phá hoại, xuyên tạc làm chệch hướng phát triển; chống lại sự phân chia, cát cứ làm suy yếu sự thống nhất về mặt Nhà nước; phòng ngừa , ngăn chặn sự xâm phạm, chia cắt lãnh thổ, làm mất mát hay đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.

Từ hàng loạt yêu cầu trên, Bộ chính trị đã ban hành Quyết định số 290-QĐ-TW ngày 25-12-2010, về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của Đảng, Đoàn, Cơ quan nhà nước trong việc thực hiện đảm bảo an ninh chính trị.

Cụ thể, trong việc đảm bảo an ninh chính trị thì vai trò của Đảng đoàn mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, các cán sự đảng các bộ, ngành được quy định cụ thể tại điều 8 của Quyết định số 290-QĐ-TW.

Một, quán triệt sâu sắc, nắm vững và gương mẫu thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, mặt trận và đoàn thể mình bằng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể.

Hai, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận và nhiệm vụ công tác dân vận của bộ, ngành, Mặt trận và đoàn thể mình.

Ba, có biện pháp thực hiện tốt công tác dân vận, ổn định tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng theo đặc thù, phạm vi của cơ quan, tổ chức mình.

Quyết định số 290-QĐ-TW hết hiệu lực từ ngày 30-7-2021, và được thay thế bằng Quyết định số 23-QĐ/TW, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Tuy nhiên như đã đề cập, luật sư không thể tham gia tố tụng đối với trường hợp thân chủ của họ bị cáo buộc theo Điều 117, Bộ luật hình sự, nên về nguyên tắc, luật sư khó thể xác lập ngay từ ban đầu về trách nhiệm thực thi Quyết định số 290-QĐ-TW trước đây, Quyết định số 23-QĐ/TW hiện tại.

Quyền dân chủ về chính trị vì những lẽ kể trên, cho thấy cần có sự thay đổi trong thời gian tới để có sự đối xử bình đẳng về quyền hành nghề của luật sư, và quyền có luật sư bảo vệ ngay từ giai đoạn điều tra của công dân trước cáo buộc vi phạm pháp luật theo Điều 117, Bộ luật hình sự./.

- Quảng Cáo -