Song Chi – (VNTB) – Các câu hỏi của phía Ủy Ban thì vừa rộng nhưng vừa sát, quần phía Việt Nam ráo riết
Hôm 12/9 Tại trụ sở của LHQ, Geneva, Thụy Sĩ các cuộc đối thoại công khai về Quyền Trẻ Em giữa một số thành viên LHQ và một số nước khác trong đó có Việt Nam sẽ được tổ chức tại Phòng Hội nghị Palais Wilson.
Phiên điều trần và trả lời chất vấn Việt Nam diễn ra ngày 12 và 13 tháng 9, tuần tự vào lúc 15 đến 18 và 10 -13 giờ địa phương.
Ngày 12/9/2022 lúc 8 giờ tối – 11 giờ đêm, giờ VN
Ngày 13/9/2022 lúc 3 giờ trưa – 6 giờ chiều, giờ VN
Phái đoàn Việt Nam gồm có đại diện Bộ Lao động-Thương binh Xã hội, bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Tư Pháp…dẫn đầu là Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Phía Ủy Ban Quyền Trẻ em gồm 7 người.
Đoàn VN đưa ra những bản báo cáo việc thực hiện Công ước về Quyền Trẻ em rất tích cực, với những con số rất hấp dẫn, từ việc cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế, thúc đẩy và bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng chống mua bán người, phổ cập học tập với gần 100% trẻ em 5 tuổi được vào mầm non, bảo đảm sự công bằng cho trẻ em các dân tộc thiểu số v.v…
Phía Ủy Ban đưa ra những câu hỏi rất cụ thể. Ví dụ câu hỏi về ngân sách dành cho trẻ em như thế nào. Phía Việt Nam trả lời ngân sách quốc gia dành riêng cho trẻ em chiếm khoảng 20%, về cơ bản các địa phương đều có dành nguồn lực riêng. Ủy Ban đặc biệt quan tâm đến sự công bằng dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em của các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, trẻ đến tỵ nạn tại Việt Nam và LGBT…
Cũng liên quan đến vấn đề trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số Ủy Ban quan tâm đến việc liệu các em có được học tiếng của mình không, như sắc dân như Khmer, Hmong, Chăm, Thái, Nùng…và nếu học có 3 giờ/tuần thì quá ít. (Trên thực tế ở VN tất cả mọi dân tộc thiểu số khi đi học đều phải học tiếng Kinh, cũng có vài dân tộc có được học tiếng của mình, ví dụ như dân Champa). Phía Việt Nam trả lời là đang tiến hành nghiên cứu sách giáo khoa cho một số dân tộc, và đổ thừa vì có nhiều sắc dân, trong đó có những dân tộc không có chữ viết…
Ủy Ban cũng hỏi các luật về trẻ em ví dụ như phía Việt Nam có in ấn và phổ biến thông tin về Quyền trẻ em bằng tiếng của các đồng bào sắc tộc hay không?
Các câu hỏi rất rộng bao gồm nhiều lĩnh vực từ ngân sách dành cho trẻ em, làm thế nào để giảm tình trạng bạo lực, an toàn trên mạng xã hội, các trường hợp tội phạm tình dục, giáo dục về giới tính, phòng tránh thai cho trẻ em, hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn…cho tới tình trạng an toàn giao thông, nạn đuối nước ở trẻ em…
Ủy Ban cũng hỏi về việc tội phạm vị thành niên, việc cha mẹ đi tù khi con còn nhỏ dưới 36 tháng tuổi, theo đúng luật VN là người mẹ có thể được hoãn, phía VN trả lời là có những trường hợp vì người mẹ là thành phần nguy hiểm hoặc phạm tội có tổ chức thì không được hoãn (câu hỏi là những trường hợp như blogger Đoàn Thị Hồng, blogger Huỳnh Thục Vỵ thì nguy hiểm cho nhà nước như thế nào?)
Họ hỏi đi hỏi lại về những tổ chức giám sát độc lập để theo dõi việc thực thi Quyền Trẻ em của Việt Nam, Việt Nam đưa ra các kênh để giám sát: báo cáo của các ngành, địa phương; các cuộc kiểm tra, rà soát định kỳ; cung cấp các dịch vụ trẻ em thông qua tổng đài 111; sự phản ánh của báo chí (tất cả các kênh này đều thuộc sự kiểm soát của nhà nước), Việt Nam cũng đưa ra rất nhiều tổ chức trong đó có Đoàn Thanh Niên. (nhưng chúng ta biết tất cả những tổ chức này cũng đều thuộc sự quản lý của nhà nước, trên thực tế không có một tổ chức xã hội dân sự nào độc lập với nhà nước mà có thể tồn tại).
Việt Nam cũng tuyên bố quyền tự do lập hội của trẻ em được bảo đảm. Hoàn toàn không có sự hạn chế nào, rằng dự thảo lập hội đã được đăng tải công khai để nghe ý kiến của người dân (trên thực tế không có hội trẻ em nào mà không nằm dưới sự giám sát của nhà nước).
Liên quan đến quyền lợi của trẻ khuyết tật, đoàn VN đưa ra những báo cáo rất đẹp, Ủy Ban nêu ra con số 40% trẻ em khuyết tật đã được đến trường là quá ít, họ yêu cầu phía Việt Nam cho biết cụ thể cần bao lâu để đạt tiêu chuẩn 90 hay thậm chí 100%?
Về nạn xâm hại trẻ em, hay nghiện ngập, Ủy Ban đặt ra câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn, làm thế nào để các em không bị nghiện trở lại, các liệu pháp về tâm lý, phía Việt Nam đã có những nhân viên xã hội được huấn luyện để làm những công việc này không…
Về y tế, Ủy Ban đề ra phải bảo đảm dịch vụ y tế cho trẻ em yếu thế, vùng sâu xa…
Tóm lại, các câu hỏi cho thấy bao quát rất nhiều lĩnh vực, nhưng đồng thời họ cũng hỏi rất kỹ.
Một số câu hỏi cho thấy họ đã quần phía Việt Nam ráo riết:
Ủy Ban hỏi về sự tương quan giữa quyền tự do ngôn luận trong việc áp dụng luật An Ninh Mạng. Tức là quyền tự do biểu đạt có bị giới hạn hay không?
Vai trò của Quốc hội Việt Nam.
Phía Việt Nam nói là đã bãi bỏ các nhà nội trú, trường nội trú khiến cho Ủy ban rất băn khoăn. Và hỏi dựa trên tiêu chuẩn nào các trẻ được chọn vào nhà nội trú?
Phía Việt Nam nói săn sóc y tế miễn phí 100% cho trẻ em dưới 6 tuổi. Một vị trong Ủy Ban hỏi lại vậy trên 6 tuổi thì sao?
Một lãnh vực quan tâm khác là các trẻ em không thể thăm bố mẹ bị giam ở nơi xa xôi.
Đây là một vi phạm trầm trọng quyền trẻ em.
Từ các báo cáo của BPSOS và các tổ chức nhân quyền tôn giáo độc lập, họ đưa ra những câu hỏi về nạn buôn người trong đó có những trường hợp trẻ vị thành niên, những trường hợp không được công nhận là công dân nên không được cấp giấy khai sinh (vụ Phân[tiểu] khu 181 mà BPSOS đã báo cáo) để hỏi lại khi Việt Nam nói rằng đã có chính sách bảo đảm bao phủ cho mọi trẻ em đều được cấp giấy khai sinh, bao gồm vùng xa, dân tộc thiểu số. Việt Nam tuyên bố tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh là 97,2%.
Một vị cũng nhắc đến việc buôn người đến Ả Rập Xê Út và Campuchia (cho thấy họ đã đọc những báo cáo do BPSOS thu thập và biên soạn).
Khi Việt Nam nói về các chương trình dành cho trẻ em, một vị hỏi lại là nhưng tôi muốn hỏi các chương trình này có được áp dụng cho tất cả các trẻ em bao gồm các em ở vùng sâu vùng xa?
Một nữ đại biểu đề cập đến vấn đề vô quốc tịch và hỏi phía Việt Nam đã làm gì trong trường hợp vô tổ quốc (chứng tỏ cũng đã đọc báo cáo của BPSOS)
Một vị đặt câu hỏi các thành tựu của phía VN đưa ra liệu có bền vững không.
Trong phần các câu hỏi dành cho ngày mai, họ đề nghị phía VN phải đưa ra những dữ liệu, con số cụ thể hơn.
Tóm lại, các câu hỏi của phía Ủy Ban thì vừa rộng nhưng vừa sát, quần phía Việt Nam ráo riết còn phía VN thì như mọi khi, đọc những bản báo cáo rất dài, chung chung đã soạn sẵn để câu giờ, và trả lời vòng vòng tránh trả lời trực tiếp vào câu hỏi của các thành viên của Ủy ban Quyền trẻ em.
Quý vị dọc giả có thể theo dõi buổi chất vấn về Quyền Trẻ Em Việt Nam tại https://www.facebook.com/VNAdvocacy/videos/1086301965198842/?extid=NS-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C&ref=sharing
(*) Tựa do VNTB đặt
Leave a Comment