Nguyễn Ngọc Già
Theo từ điển [1] Cambridge định nghĩa, chữ “Shark” ngoài nghĩa “cá Mập”, chữ này còn có nghĩa:
A dishonest person, especially one who persuades other people to pay too much money for something: People who need a place to live can often find themselves at the mercy of local property sharks – Tạm dịch: Một người không thành thật, đặc biệt là người đó thuyết phục người khác trả quá nhiều tiền cho một thứ gì đó. Ví dụ: Những người cần một nơi ở thường có thể nhận thấy, mình đang ở trong tầm ngắm của những con cá mập bất động sản địa phương.
Không rõ từ khi nào, chữ “Shark” du nhập vào Việt Nam để chỉ những doanh nhân sở hữu những công ty hoặc tập đoàn lớn. Ngoài ra, chữ “Shark” còn chỉ những doanh nhân đó đứng sau, để khích lệ và tài trợ cho những ý tưởng gọi là “khởi nghiệp” và họ còn có khả năng thay đổi cục diện của cả một nền kinh tế.
Các “Shark” Việt Nam thông thường sáng rực lên trong một quãng thời gian, dù trước đó, không mấy ai biết nguồn gốc xuất thân thật sự của họ. Sau khi vỡ lở nhiều việc đầy ắp tai tiếng, rồi bị bắt và khởi tố, như: Trịnh Văn Quyết (FLC), Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) v.v… các “Shark” này để lại một núi nợ đầy nhóc, kèm với vô số những tiếng than khóc của các “nhà đầu tư” lỡ dại – ngây thơ – cả tin mà lao theo mua cổ phiếu của họ thì… mọi việc đều chờ… pháp luật giải quyết cho tất cả (!).
Nhiều “Shark” dễ dàng trở thành những học giả – diễn giả và có thể thay thế các giáo sư – tiến sĩ kinh tế để dạy chuyên môn về “nghề làm giàu”. Thậm chí, họ diễn thuyết hay đến mức, không hề thua kém các nhà tuyên giáo của nhà cầm quyền CSVN, khi nói về “đạo đức làm người và đạo đức kinh doanh”, cả về những hoài bão, họ ấp ủ lâu nay, nhằm mang lại sự phồn thịnh cho quê hương Việt Nam (!).
Các “Shark” cũng thích chứng tỏ “trí tuệ bản thân” bằng cách triết lý như “Shark Hưng nói [2]: “Tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể tận dụng thời gian bằng cách: Với cùng một khoảng thời gian đó, chúng ta làm nhiều việc hơn so với những người bình thường, và giảm bớt thời gian vô bổ đi, bao gồm cả thời gian ngủ. Ngủ là thời gian vô ích! Tôi không hiểu sao Thượng đế sinh ra con người phải ngủ nhiều thế!”. Quả là khá lố lăng khi mang giấc ngủ Trời cho để dạy đời thiên hạ, nếu chỉ vì Shark Hưng muốn ám chỉ đến người lười biếng! Bởi con người tự nhiên, bất kỳ ai cũng đồng đều 24 giờ/ngày. Thiếu ngủ, nhứt định sanh ra đầu óc lơ mơ, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm khi làm việc. Một Shark ngủ đủ, hẳn không nên phát ngôn “rất thiếu ngủ” như vậy. Song song đó, trước khi dạy loại “triết lý mất ngủ”, Shark Hưng nên định nghĩa “người bình thường” – trong câu nói của ông ta – là con người ra sao, hơn là cách ăn nói phản khoa học, đầy kiêu căng, nhảm nhí, một khi ông ta hình dung ra cảnh cực nhọc của hàng triệu con người “bình thường” cho mỗi ngày làm việc, ngay cả lúc tan giờ, đuối lả trên những con đường đông đặc người, dù mưa hay nắng. Hay Shark Hưng muốn cho rằng bản thân ông ta và những con cá Mập khác là những con người “phi thường”?
Không thiếu các “Shark” không hề ngại ngần, trước những lùm xùm liên quan đến tình ái, dù họ không còn trẻ và đã có vợ con đùm đề. Thậm chí, họ hãnh diện như thể là những “tín chỉ tình trường” cần được tích lũy và họ mãn nguyện với thành công đó – trước dư luận – vì “đầu tư” vào một mỹ nữ, mà thường thường có chút tiếng tăm.
Dù các “Shark” được xem là những người từng trải (và tất nhiên) rất thành công trên thương trường nhưng trong tình trường, họ thường biểu lộ ra bên ngoài bằng sự say đắm với nỗi “ngây thơ vô biên”, bởi cách của họ không khác mấy, so với những chàng trai mới lớn, vốn nhìn cuộc đời đầy màu hồng bằng những biểu hiện – biểu đạt tình yêu đậm mùi “sến súa”, trên những nếp nhăn khóe mắt chi chít chân chim và những nụ cười chảy xệ trên đôi gò má, kéo dài đến mép môi. Họ cũng sẵn sàng khóc thật ngon lành, trước một tình yêu gọi là “đích thực” mà họ vừa tìm thấy, tựa như:
Ngàn năm đợi đến một ngày
Tình yêu tìm tới gió lay ngày hồng
Yêu em thỏa dạ chờ mong
Răng long đầu bạc vẫn nồng tình xuân
Các “Shark nam” cũng không hề ngại ngần, khi lên tiếng phân bua về gia cảnh, đôi co với vợ chánh thức và thậm chí họ tỏ ra “thật tội nghiệp” đến nổi như nhằm mua sự thương cảm của dư luận. Quả là trò vui cho thiên hạ đàm tiếu. Khó trách!
Bên cạnh đó, dường như các “Shark” đánh đồng sự thành đạt trên thương trường với sự thành công trong vai trò ông chủ gia đình. Họ ngộ nhận một cách đáng kinh ngạc, giữa khái niệm “gia đình hạnh phúc” và khái niệm “tập đoàn thành công”. Đối với họ, đã thành công trên thương trường, ắt quản lý một gia đình (sao cho) hạnh phúc dễ như trở bàn tay. Có lẽ vì thế, hầu hết các Shark đều cố gắng phô bày một “hình mẫu” gia đình hạnh phúc na ná giống nhau, theo công thức: Vợ đẹp – con ngoan – gia đình văn hóa, mãi cho đến khi vỡ lở, đến mức ra tòa ly hôn, rồi họ nhanh chóng biến hình trở thành một “nhà tâm lý học về đàn bà”, bằng những triết lý vung vãi đầy hờn trách – oán than, tựa như câu hát “Ôi! Đàn bà là những miềm đau/Ôi! Đàn bà là ngọc ngà trăng sao/Ôi! Đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu” nghe rất sến sẩm và hèn mọn trong vai trò ÔNG CHỦ, dù là chủ tập đoàn hay chủ gia đình. Khi thành công trong công việc, họ gom lại do tài năng của họ mà ra và khi thất bại về vai trò trụ cột gia đình, họ đổ tại – bị – bởi vì do vợ và do tất cả.
Gia Trưởng – Một khái niệm tưởng chừng xa xôi và lạc hậu trong thời hiện đại, lại gầy dựng một gia phong với tôn ti trật tự của hầu hết các gia đình miền Nam, trước 1975. Rất nhiều hiểu lầm quanh chữ Gia Trưởng theo nghĩa độc đoán, cay nghiệt với vợ con. Thưa, không hề! Gia Trưởng là người cố gắng chu toàn và đưa ra quyết định trước mọi vấn đề phát sinh trong nhà nhưng người Gia Trưởng luôn luôn chịu trách nhiệm trước quyết định, dù kết quả xảy ra xấu hay tốt. Người Gia Trưởng không bao giờ đổ trách nhiệm cho người khác (dù đó là vợ con mình). Dĩ nhiên, bên cạnh tính chất đó, người Gia Trưởng rất quyết đoán. Vì thế, những ai không hiểu rõ và theo xu hướng thời đại – tự do vô giới hạn, họ sẽ lên án người Gia Trưởng. Đứng trước những vấn đề vô cùng trọng đại cho gia đình, rất cần những người đàn ông Gia Trưởng đúng nghĩa cần có, trong một xã hội gần như tan nát hết những bổn phận – trách nhiệm – đạo đức – liêm sỉ. Việc tốt họ giành phần công trạng, việc xấu họ đổ cho vợ con trong nhà. Thế cho nên, chữ Gia Trưởng méo mó và xấu dần đi trong mắt người ta, đặc biệt thế hệ trẻ.
Gia đình là tế bào đầu tiên cho một xã hội lành mạnh. Người đàn ông xứ thiên đàng, dường như đang đặt nhiều gánh nặng quá lớn lao lên vai phụ nữ, trong thời hiện tại và hiện đại với khái niệm “nam nữ bình quyền”, để tạo nên một vai trò làm chồng – làm cha cũng na ná giống nhau nốt. Có lẽ không chỉ riêng các Shark nam, người ta dễ dàng chấp nhận, đàn ông cứ ra ngoài kiếm nhiều tiền càng tốt về cho vợ và không được bồ bịch, chơi bời là đủ. Còn tất cả mọi việc cứ phó mặc cho vợ. Có lẽ vì vậy, Shark Bình nói [3]: “… Thực ra tôi nghĩ ở Việt Nam ai có tài sản tầm 10 triệu đô đã là vượt qua ngưỡng tự do tài chính mà không cần nghĩ gì đến tiền nữa rồi…”. Vì vậy, “có tiền mua tiên cũng được” chưa bao giờ lỗi thời, trong xã hội của xứ thiên đàng ngày nay.
Điều đó giúp cho các bà vợ càng nhiều tiền càng… khỏe. Họ dường như phó thác hết cho người giúp việc, cho đến cả chuyện ăn học – chăm sóc – đưa đón con cái. Thời gian rảnh rỗi, có vẻ đồng hành với các bà vợ nhiều tiền lắm của, cho những cuộc mua sắm, làm đẹp và du hí, ăn chơi. Đàn ông ăn chơi thì phụ nữ chúng tôi cũng có quyền như vậy. Thế là những loại hình massage – gội đầu do nam giới chính tay làm, dành riêng cho quý bà mọc lên, bởi cầu nào thì cung đó. Bình đẳng nam – nữ! Gia đình càng rời rã như một nắm cát khô đi, sau khi ngậm đủ “tiền nhiều như nước”. Mỗi con người trong gia đình đều có góc riêng…
Một “Shark nữ” từng ai oán như tiếng kêu của “con chim ẩn mình chờ chết”: Khi có ngàn tỷ trong tay, tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Hoặc giả, một “Shark nam” đầy tiếng tăm, khi ra tòa ly dị đã bật ra lời thống thiết: Tiền nhiều để làm gì (!). Rõ ràng, lời than vãn của 2 Shark này, đủ chứng minh tiền bạc trở thành con dao hai lưỡi, sau chặng đường dài miệt mài theo đuổi để có.
Hiện nay, ở Việt Nam, “các Shark” nổi lên rất nhiều và họ dường như cũng hãnh diện khi được gọi là “Shark”, dù thực tế không biết họ có rõ nghĩa bóng của chữ “Shark”, vốn chỉ là những con cá Mập nuốt chửng vốn liếng của xã hội – nuốt càng nhiều càng tốt. Những đồng tiền nuốt chửng đó, họ đem vung vãi cho những lợi ích cá nhân để trở thành vòng xoáy không bứt ra nổi, cho đến khi mặt nạ thành công – đạo mạo – sang cả rớt sạch!
“Shark nam” nổi trội về số lượng hơn “Shark nữ”. Dù nam hay nữ, dáng vóc bên ngoài họ tỏ ra chỉn chu với veston dành cho nam và áo đầm các kiểu dành cho nữ, khi xuất hiện trước công chúng và trên tivi. Họ là những người rất giàu có và nổi tiếng – dĩ nhiên là vậy. Tiền muôn bạc nén bỗng chốc vô nghĩa, khi họ khóc lóc tra tay vô còng. Rồi họ sẽ tiếp tục ta thán, kêu rên, bào chữa đủ các kiểu…
Chữ “Shark” cũng gợi nhớ về tục ngữ Việt Nam rất quen thuộc: Cá lớn nuốt cá bé.
Duy, ông bà ta có câu “Có bột mới gột nên hồ” – người đời không biết và không thể biết, làm sao các “Shark” có quá nhiều “bột” một cách đầy mờ ám. Bởi xuất thân hầu hết của họ đều từ nền móng “áo anh rách vai – quần tôi có hai miếng vá”, bỗng chốc họ có hàng ngàn tỷ trong tay. Sự thật đó làm thiên hạ đi từ ngạc nhiên đến hoài nghi. Tuy nhiên, người dân quèn chỉ cần động chạm vào họ là… sanh chuyện.
Xã hội xứ thiên đàng ngày nay, nơi vốn được người Cộng Sản Việt Nam quyết tâm – từ thuở hàn vi – xây dựng một xã hội dân giàu – nước mạnh – công bằng – dân chủ – văn minh, vẫn đang miệt mài vận động với triết lý “mãnh lực đồng tiền” ngự trị…
Leave a Comment