Cuộc chiến ở Ucraina đâu phải chỉ là vấn đề vũ khí Mỹ chống vũ khí Nga? Đằng sau cuộc chiến có tiếng súng là cuộc chiến tranh tình báo mà Ucraina được Mỹ hậu thuẫn. Vũ khí chính xác cộng với chỉ điểm chính xác thì rõ ràng quân Ucraina tốn đạn ít mà thu được thành quả lại nhiều.
Qua hơn sáu tháng chiến tranh, quân đội Ucraina đã phá hủy khá nhiều căn cứ hậu cần của quân Nga. Nếu không có thông tin tình báo tốt thì họ đã không thể làm nổi. Để có được thế thắng như hiện nay, ban đầu quân Ucraina đã phải thất thủ một số địa điểm chứ quân Ucraina đâu phải chiếm thế thượng phong? Càng về sau quân Ucraina mới lấy lại thế trận cũng có nguyên nhân của nó.
Thực ra để chuẩn bị cho cuộc chiến, phía Nga đã chuẩn bị về mặt quân sự và cả tung tình báo cài vào phía Ucraina một thời gian để nắm thông tin. Ban đầu tuy quân Nga không chiếm Ucraina trong 72 giờ như tuyên bố nhưng sức mạnh quân sự của Nga vượt trội là điều ai cũng có thể thấy. Và nếu Ucraina không được sự hậu thuẫn từ Mỹ và Phương Tây thì có lẽ sự tính toán phía Nga không hề quá sai lệch như vậy. Điều mà Nga không đánh giá được là sức mạnh tình báo của Mỹ đã lấn lướt họ.
Cuộc chiến tình báo có hai nhiệm vụ cơ bản, nhiệm vụ nắm thông tin phía địch và phát hiện gián điệp của phía địch cài vào quân ta. Hầu như tất cả các chính quyền trên thế giới đều bị gián điệp phía đối phương cài vào và vấn đề là phía nào phát hiện ra sự hiện diện phía đối phương trong lòng phe ta nhiều hơn thì xem như họ trội hơn vì đã “chọc mù đôi mắt” phía địch.
Ngay trong lòng nước Mỹ, gián điệp Tàu, gián điệp Nga, gián điệp Iran vv… ít nhiều đang lót ổ trong đấy. Và ở phía ngược lại, nước Tàu, nước Nga cũng bị gián điệp Mỹ cài vào đấy để nắm thông tin về thực lực đối thủ. Vậy nên, khi Mỹ phát hiện ra gián điệp Nga – Tàu trên đất Mỹ nhiều hơn Nga – Tàu phát hiện gián điệp Mỹ trên đất họ không có nghĩa là cơ quan tình báo của Mỹ dở hơn Nga – Tàu mà thực tế họ giỏi hơn. Giỏi hơn vì ta triệt được gián điệp địch mà địch thì không phát hiện ra ta.
Trở lại câu chuyện của Ucraina, phải mất một thời gian hơn sáu tháng, quân Ucraina mới có lợi thế lớn trước quân xâm lược Nga là bởi, Ucraina phải tốn ngần ấy thời gian để phát hiện gián điệp Nga cài vào hàng ngũ của họ và tiêu diệt. Đến khi diệt được phần lớn thì xem như “đôi mắt Nga” bị chọc mù hoặc chí ít làm cho mắt Nga bị chột một con, vì thế lợi thế mới nghiên về Ucraina rõ rệt. Chiến dịch “giương đông kích tây” mới đây của Ucraina sẽ không thành công nếu không bảo mật trước Nga cho đến phút cuối.
Nếu giả sử Ucraina đẩy được quân xâm lược Nga ra khỏi bờ cõi thì rõ ràng không chỉ Ucraina mà hầu hết các nước có đường biên giới với Nga đều thấy rằng, tầm quan trọng của việc gia nhập NATO để đứng chung nhóm lợi ích quân sự với Mỹ là lợi thế rất lớn của quốc gia họ. Cho nên, cuộc chiến Ucraina sẽ là cuộc chiến quyết định rất lớn đến trật tự thế giới mới. Tất cả đều có lợi trừ trục “ác quỷ” Nga – Tàu.
Tại Phương Đông, Mỹ cũng đang cố gắng cho các nước láng giềng của Trung Quốc thấy được tầm quan trọng của họ với trật tự thế giới. Mỹ cũng muốn có một cuộc chơi nào đấy để các nước láng giềng Trung Quốc thấy rằng, vũ khí Trung Quốc thiếu chính xác và tình báo Trung Quốc yếu hơn họ như Nga đang thể hiện. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không phải là Putin, tuy hùng hổ nhưng ông không “chơi ngu” như Putin để thế giới thấy thực lực. Ông Tập dù biết bị bẽ mặt vì Mỹ khiêu khích nhưng thà bị bẽ mặt mà đối phương không biết rõ về ta còn tốt hơn là phơi ra sự yếu kém cả sức mạnh vũ khí lẫn khả năng phản gián để rồi đánh mất lợi thế trước thế giới.
Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, biết người không biết ta hay không biết người biết ta thì bại nhiều thắng ít, còn không biết người không biết ta trăm trận trăm bại. Việc phùng mang trợn mắt nạt nộ mà không dám làm liều thì xem như Tập Cận Bình cũng “biết người biết ta” và vì thế ông bảo vệ vị trí của Tàu để tiếp tục chờ thời thay vì gánh lấy thất bại ê chề như Putin để rồi nước Tàu không thể gượng dậy được.
Trong cuộc chiến Ucraina, Putin đã thua toàn diện và người học được bài học đó nhiều nhất không ai khác là ông Tập Cận Bình./.
-Đỗ Ngà-
Leave a Comment