Đông Đô – (VNTB) – Ông Phan Sơn Tùng bị bắt theo cáo buộc Điều 117, Bộ luật Hình sự vì các nội dung trên kênh YouTube “Vì Việt Nam thịnh vượng”
Cuối giờ chiều ngày 9-9-2022, Công an Hà Nội phát đi bản tin ngắn gọn về một người bị bắt về tội danh theo cáo buộc Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Bản tin có toàn văn như sau:
“Ngày 06/9/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Phan Sơn Tùng (SN: 1984; trú tại P2108 Toà S4 chung cư Seasons Avenue, đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định tố tụng trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố phê chuẩn.
Vụ án hiện đang được tiếp tục điều tra, làm rõ”.
Một nguồn tin khả tín cho hay ông Phan Sơn Tùng bị bắt vì các nội dung trên kênh YouTube “Vì Việt Nam thịnh vượng” do ông sở hữu. Một Fanpage cùng tên trên mạng xã hội Facebook cũng được cho là của ông Phan Sơn Tùng có tới hàng chục ngàn lượt theo dõi.
“Có lẽ ông bị bắt vì hồi tháng rồi, ông Phan Sơn Tùng tuyên bố rộng rãi trên kênh YouTube và Facebook của mình rằng ông sẽ lập đảng Việt Nam Thịnh Vượng. Đa đảng phái chính trị ở Việt Nam là một điều cấm kỵ nên chuyện ông bị bắt cũng dễ hiểu” – một nhà quan sát chính trị, nhận xét.
Lâu nay phía cơ quan tuyên giáo đưa ra những lập luận định tính như sau: Việt Nam hiện nay không cần thiết phải thực hiện đa nguyên chính trị đa đảng đối lập – Dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với sẽ có dân chủ và phát triển – Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn đề cao thực hành dân chủ – Xã hội ổn định bền vững và sự tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, đây là vấn đề cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào.
Các bài giảng trong tiết bồi dưỡng chính trị ở hệ thống trường Đảng tại Việt Nam, thường biện luận như sau: “Hãy nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, nhất là nước Mỹ với sự tồn tại của 112 đảng, nhưng chỉ có hai đảng là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thay nhau cầm quyền.
Tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập, nhưng xét về bản chất chỉ là một đảng – đảng của giai cấp tư sản. Vì thế, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà nắm quyền, cũng đều là đảng của giai cấp tư sản, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản; dân chủ ở Mỹ không gì khác là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho một bộ phận thiểu số, một số ít người trong xã hội.
Điều này cũng dễ hiểu tại sao ở Mỹ, bên cạnh “một xã hội” với những người có cuộc sống xa hoa, hào nhoáng thì vẫn còn tồn tại “một xã hội” hoàn toàn khác hẳn, gồm hàng chục triệu người phải sống trong sự bất công, thất nghiệp, đói nghèo, bệnh tật, không có quyền dân chủ…”.
Như vậy nếu vẫn bảo thủ cách hiểu ở trên, thì khi không đồng ý sự cạnh tranh chính trị của đa đảng phái, có lẽ đảng cộng sản cần trả lời được thắc mắc: Đâu là bộ máy nhìn trước được phẩm chất, năng lực của con người được đảng cơ cấu, ngay từ đầu, những người đó họ vào đảng là để cống hiến hay để trục lợi, hay điều gì khác nữa…?
Lại thêm, rất nhiều những khuyết điểm của họ lại xảy ra trước khi họ vào trung ương. Lúc phải xử lý, thì không chỉ cá nhân người vi phạm mà cả những người đề bạt, giới thiệu, tiến cử và bỏ phiếu. Và nói theo đúng cách mà báo chí nhà nước hay viết, thì những người đó có chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước đảng, trước tổ quốc hay không?
Một trong những gợi ý của vấn đề trên, nhiều nhà bất đồng chính kiến cho rằng nhất thiết phải có sự cạnh tranh của đa đảng phái chính trị với lá phiếu thật sự dân chủ của người dân.
Leave a Comment