Tháng Chín là tháng quyết định. Đó là tháng mùa lạnh bắt đầu ở xứ tuyết, và trong quân sử thế giới cổ kim không một đội quân xâm lăng nào chiến thắng vào mùa tuyết ở cái miền đất băng giá khắc nghiệt cực độ đó. Người ta không quên Napoléon ở thế kỷ XIX và Hitler thế kỷ XX đã thảm bại như thế nào, thảm bại không phải vì yếu hơn đối phương mà vì “Mother Nature.”
Quân đội Ukraine – được trang bị với những vũ khí tối tân của NATO, mà hiệu quả nhất là đại pháo cơ động HIMARS có tầm đạn cả trăm kí-lô mét nã vào lòng đất địch – đang có kế hoạch phản công để chiếm lại Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam, thành phố Kharkiv ở vùng Đông Bắc cũng là mục tiêu cho Ukraine tái chiếm. Hai mặt trận diễn tiến cùng lúc đã khiến Nga bất ngờ. Nếu chiến dịch này thành công, bất luận là phía Nam hay Bắc, quân Nga bị đẩy lui ra khỏi một trong những thành phố quan trọng đó, Nga xem như thua, dù tạm thời vẫn chiếm đóng hai vùng Crimea và Donbas.
Đó là nhận định của nhiều quan sát viên quốc tế.
Mặc dù Nga cố tình che đậy thất bại của mình bằng cách tuyên bố chiến thắng toàn diện ở Donbas, nhưng lời tuyên bố này xem ra chẳng có trọng lượng gì mấy bởi đất đai chiếm được bị mất dần và thiệt hại gia tăng, về cả mặt quân số lẫn súng đạn. Mới đây có tin Nga thương lượng với Bắc Hàn và Iran để mua đạn đại pháo và tên lửa từ hai quốc gia này. Sự yếu kém của Nga hé lộ khi Phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov, tỏ ý muốn tái lập đàm phán với Kyiv. Nó chứng tỏ điện Cẩm Linh đang phải nhìn nhận tính cách tiêu cực về phía Nga trong cuộc chiến.
Sự thất bại của Nga sẽ ảnh hưởng lên cục bộ thế giới như thế nào? Trật tự mới sẽ là gì? Ai là kẻ trục lợi?
Trước hết, sự thất bại là dấu hiệu cho thế giới thấy Nga không còn là một “đối cực quyền lực” bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc nữa. Song song với suy thoái quân sự, kinh tế Nga cũng băng rã dần do những trừng phạt kinh tế gắt gao của Tây phương. Châu Âu sẽ không tùy thuộc quá nhiều vào nguồn dầu khí của Nga. Chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố Nga là nguồn cung cấp nhiên liệu không thể tin tưởng được. Đến cuối năm 2022, Hoa Kỳ sẽ cung cấp phân nửa lượng khí đốt cần thiết cho châu Âu, phần còn lại sẽ từ các nơi khác đổ vào. Moskva sẽ không còn khí giới trong tay để “blackmail” lục địa này vì bị đá văng ra khỏi thị trường. Thu nhập sẽ không dồi dào như trước.
Trung Quốc sẽ lợi dụng cơ hội này trục lợi. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ thương lượng với Moskva để mua nhiên liệu với giá rẻ, và đầu tư vào thị trường quốc nội với những điều kiện béo bở. Họ cũng sẽ gây khó khăn cho Nga bằng cách tạo ảnh hưởng chính trị-kinh tế, và cuối cùng đòi lại lãnh thổ mà họ cho là Nga đã chiếm đoạt của họ từ thế kỷ XIX. Một khi bạn suy yếu thì đừng hòng loài sói hung dữ tha cho bạn. Đó là quy luật tự nhiên xưa nay.
Chẳng những sói không tha mà những con cừu yếu đuối bị giam trong chuồng lâu nay cũng bắt đầu toan tính tìm cách thoát ly. Những quốc gia trước đây nằm trong đế quốc Liên bang Xô viết như Kazakhstan và Uzbekistan, chỉ chờ Nga gục xuống là vực dậy tìm đường thoát. Quyết sách của hai quốc gia này – cũng như các quốc gia khác nhỏ hơn thuộc vùng Trung Á, ngay cả Nam Caucasian – là làm sao thoát ra khỏi quỹ đạo của Nga mà không bị rơi vào miệng hùm sói Trung Quốc. Con đường trước mắt họ, một khi Nga suy yếu dẫn đến tình trạng các liên minh tan rã, là bắt tay thân thiện với NATO và Hoa Kỳ để củng cố nền độc lập và an ninh quốc gia.
Thậm chí tại những mảnh đất “da beo” Nga kiểm soát gián tiếp như Transnistria ở Moldova hoặc Nam Ossetia ở Georgia, Nga cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn tiếp tục thao túng. Các bang quốc “chư hầu” này sẽ tìm cách trở về quốc gia mẹ, hoặc người dân sử dụng bạo lực nổi dậy chống phá nhà nước thân Nga. Rồi thể diện của Nga ở vùng Balkan cũng bị lu mờ. Nhóm Quốc gia chủ nghĩa cực đoan ở Serbia sẽ mất tin tưởng vào điện Cẩm Linh, ảnh hưởng chính trị-kinh tế theo đó cũng phai nhạt, và những cỗ máy tuyên truyền của Nga hiện nguyên hình là những xưởng bào chế “fake news.”
Hiển nhiên, Hoa Kỳ có lợi nhiều nếu Nga thất bại tại Ukraine. Đó là lý do vì sao hiện nay Hoa Kỳ đổ đô-la hết tỉ này đến tỉ khác vào Ukraine. Qua cuộc chiến, guồng máy quân sự khổng lồ của Nga bị tiêu hao trầm trọng đến nỗi nhiều phân tích viên thế giới phỏng đoán sẽ phải mất từ 10 đến 15 năm mới phục hồi. Như thế Nga sẽ không đủ sức để phiêu lưu vào một cuộc chiến khác, ít nhất trong thập kỷ sắp tới. Các nhà hoạch định quyết sách ở Washington cũng sẽ tìm cách chiêu dụ các quốc gia đồng minh với Nga tách dần ra khỏi vùng ảnh hưởng Nga để gia nhập cộng đồng thế giới phát triển kinh tế. Đối với Georgia và Moldova, hai quốc gia nạn nhân trực tiếp của các cuộc xâm lăng trước đây của Putin, Hoa Kỳ cũng phải có những chương trình trợ giúp tích cực để hai quốc gia này chiếm lợi thế, qua đường lối hòa bình không bạo động, giành lại đất đai bị mất, và giấc mơ “thoát Nga” trở thành hiện thực. Nếu muốn “thoát Nga” và “thoát Trung” thì chỉ có nước quay sang NATO và Hoa Kỳ chứ không có con đường nào khác. Đây là cơ hội hãn hữu cho Hoa Kỳ tạo thế mạnh ở vùng đất đó để kềm chế con gấu phương Bắc hung tợn.
Cuối cùng, tái thiết Ukraine sẽ là gánh nặng vô cùng to lớn cho Tây phương, và sẽ phải mất nhiều thập kỷ mới hoàn thành. Nhưng một Ukraine độc lập, thân Tây phương, dù không nằm trong NATO, vẫn là mối lo canh cánh ngày đêm cho bất kỳ kẻ nào ngồi nơi bàn chủ tọa điện Cẩm Linh.
Putin đang thua canh bạc. Nhưng nhiều người bảo không nên dồn ông ta vào chân tường. Một con hổ bị thương vẫn là con hổ. Putin nổi tiếng xưa nay là người không ai tiên đoán được chính xác ngón đòn nào ông ta đem ra thi thố. Những đầu đạn nguyên tử hờm sẵn trên 6.000 bệ phóng tên lửa, chờ ngón tay của Putin bấm nút, là mối e ngại không ai dám xem thường. Chẳng cần nói nhiều, Putin biết rõ điều đó hơn ai hết.
T. K. N. C.
Tác giả gửi BVN.
Leave a Comment